Trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử hiện nay, Tập đoàn Rosatom của Nga vẫn tiếp tục là nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân chủ yếu cho các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, theo Hãng tin Bloomberg.
Tại sao nhiên liệu hạt nhân Nga chiếm ưu thế?
Các nhà máy điện hạt nhân sử dụng nhiên liệu uranium - một nguyên tố có tính phóng xạ tự nhiên tương đối phổ biến.
Tuy nhiên, quặng uranium cần phải trải qua một quy trình công nghiệp tinh luyện phức tạp trước khi có thể sử dụng trong lò phản ứng.
Nguyên tố này sau khi khai thác phải được nghiền và chuyển thành dạng khí. Sau đó, các cơ sở làm giàu uranium sẽ tách riêng các đồng vị chiếm khoảng 0,7% kim loại nặng, biến nó thành dạng bột. Cuối cùng chúng được chế tạo thành các thanh và bó thành cụm nhiên liệu cho lò phản ứng cũng như cho quy trình chế tạo vũ khí hạt nhân.
Không giống như phương Tây, nơi mỗi công ty sở hữu từng mắt xích riêng lẻ của chuỗi cung ứng, Rosatom thực hiện chuỗi tích hợp dọc, từ khai thác quặng đến làm giàu và phân phối nhiên liệu.
Sau sự cố vì thảm họa động đất - sóng thần tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật) năm 2011, các nhà đầu tư quốc tế đã quay lưng với năng lượng hạt nhân.
Điều này khiến một số công ty phương Tây tham gia vào chu trình sản xuất nhiên liệu này, trong đó có Areva SA ở Pháp, US Enrichment và Westinghouse Electric của Mỹ, bị phá sản.
Nga nhanh chóng vào cuộc để lấp khoảng trống, bằng cách gia tăng thị phần không chỉ trong số các lò phản ứng hạt nhân hiện có trên thế giới, mà còn cung cấp nguồn tài chính hào phóng cho các dự án mới ở nước ngoài.
Ngày nay, 330.000 công nhân của Rosatom cung cấp nhiên liệu cho nhiều lò phản ứng cũ ở Đông Âu và Nga. Đồng thời công ty Nga cũng đang xây dựng 33 tổ máy điện mới tại 10 quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. Các quốc gia trên sẽ bị ràng buộc các hợp đồng nhiên liệu với Nga trong nhiều thập kỷ tới.
Châu Âu, Mỹ chưa thoát lệ thuộc Nga
Các nước ở Đông Âu tiếp tục vận hành hàng chục lò phản ứng hạt nhân làm mát bằng nước (VVER) được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh. Hầu hết các tổ máy già cỗi này đều sử dụng nhiên liệu hạt nhân của Rosatom.
Thách thức trên diễn ra tương tự với Bulgaria, Cộng hòa Czech và Phần Lan. Ước tính chung, Nga hiện đáp ứng khoảng 30% nhu cầu uranium đã được làm giàu của Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, Nga cũng là nhà cung cấp chính uranium đã làm giàu cho Mỹ. Sau Chiến tranh Lạnh, hợp tác thương mại nguyên tử giữa hai nước đã gia tăng theo Chương trình Megatons to Megawatts: Chuyển đổi 500 tấn uranium quân sự của Nga thành nhiên liệu phù hợp cho các lò phản ứng của Mỹ.
Bên cạnh đó Nga tiếp tục là nhà cung cấp chính các dịch vụ khai thác, xử lý, chuyển đổi và làm giàu uranium cho các dịch vụ công của Mỹ.
Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, Nga đã cung cấp khoảng 1/4 lượng uranium làm giàu cho các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ trong năm 2022.
Ngoài ra Rosatom còn cung cấp toàn bộ uranium làm giàu ở các cấp độ cao hơn (HALEU) cho lò phản ứng mô đun nhỏ thế hệ mới nhất (SMR) của Mỹ.
Bên cạnh đó, dù đang xung đột với Ukraine, Nga vẫn cung cấp 24% uranium làm giàu cho Kiev.
Phương Tây nỗ lực giảm lệ thuộc vào Nga
Tháng 3-2023, Mỹ và Canada đã cam kết cùng nhau xây dựng lại năng lực hạt nhân ở Bắc Mỹ.
Quốc hội Mỹ đang xem xét các giới hạn trong nước đối với nhập khẩu uranium của Nga và khuyến khích đầu tư để thu hút các nhà cung cấp mới.
Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản và Pháp cũng ký một thỏa thuận riêng nhằm phát triển “chuỗi cung ứng chung nhằm cô lập Nga”.
Trong năm 2022, Tổng thống Joe Biden đã thông qua Đạo luật khí hậu và năng lượng sạch mang tính bước ngoặt. Đạo luật này phân phối 700 triệu USD để phát triển nguồn cung cấp nhiên liệu trong nước cho các lò phản ứng tiên tiến.
Các nhà sản xuất nhiên liệu châu Âu, trong đó có Urenco và Orano SA, cũng đang đầu tư vào các nhà máy công suất mới.
Tuy nhiên các nhà điều hành ngành năng lượng hạt nhân cho rằng sẽ mất khoảng 5 năm để hoàn thành việc thoát khỏi sự lệ thuộc vào Matxcơva.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận