Trung Đông, "gọi giật" ông Obama quay trở lại

DANH ĐỨC 02/12/2012 18:12 GMT+7

TTCT - Mới chiều thứ hai tuần trước, Ngoại trưởng Hillary Clinton còn ở Phnom Penh (Campuchia) dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Tối hôm đó bà đã phải lên máy bay trực chỉ Ramallah gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Sau đó, bà gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước khi lên đường sang Cairo (Ai Cập) gặp Tổng thống Mohamed Morsi và Ngoại trưởng Mohammed Amr.

Phóng to
Một thành viên Hamas (đứng) cầu nguyện tại lễ tang những đồng đội thiệt mạng trong cuộc pháo kích của Israel vào dải Gaza ngày 21-11. Hai bên đã ngừng bắn hôm 22-11 sau tám ngày xung đột - Ảnh: Reuters

Những vụ đấu tên lửa và bom đạn giữa phái Hamas và Israel tuần trước trong dải Gaza báo hiệu một cuộc chiến toàn diện mới giữa hai bên như đã từng xảy ra vào năm 2008. Vì vậy, Mỹ phải cấp tốc “quay trở lại” Trung Đông để dàn xếp một vụ ngừng bắn trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào thứ năm này (giờ New York, tức thứ sáu giờ Hà Nội). Cuộc bỏ phiếu nhằm nâng quy chế của Cơ quan quyền lực Palestine do Tổng thống Abbas lãnh đạo thành “quan sát viên” của Liên Hiệp Quốc (LHQ), một diễn biến mà Mỹ không mong muốn.

Đàm phán trước, lập quốc sau

“Muốn hay không muốn, Washington vẫn cần có một Ai Cập đóng vai trò hòa giải giữa Israel và các nước Ả Rập, Hồi giáo như dưới thời ông Mubarak, nhất là khi Tổng thống Morsi nằm trong ban lãnh đạo Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, cùng tổ chức với phái Hamas”

Trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13-11, trả lời câu hỏi “Họ (người Palestine) đến LHQ và được chấp nhận, vậy các ông sẽ đóng cửa ngay văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine?”, phát ngôn viên phó Mark Toner đã đánh trống lảng: “Chúng tôi vẫn đang cố thuyết phục họ rằng đó là một ý tưởng tồi, sẽ chẳng đem đến cho họ kết quả mong đợi… Chúng tôi vẫn đang tập trung thuyết phục Cơ quan quyền lực Palestine rằng cách duy nhất đạt mục đích họ tìm kiếm là qua bàn đàm phán (với Israel)” (1).

Đích thân Tổng thống Barack Obama trước đó đã gọi điện cho Tổng thống Abbas trong một giờ. Sau đó, đặc phái viên hòa bình Trung Đông David Hale bay sang Bern (Thụy Sĩ) gặp ông Abbas (đang trên đường đến trụ sở LHQ) để tiếp tục thuyết phục.

Đàm phán Israel - Palestine đã trải qua mấy lần dưới trào tổng thống Clinton, ký kết mấy văn kiện hòa bình, mà cuối cùng vẫn trở về ô khởi đầu do lẽ mỗi thủ tướng mới lên ở Israel lại có chính sách khác, thậm chí có thủ tướng (Rabin) từng bị ám sát vì “tội” hòa bình với Palestine. Nay với Thủ tướng Netanyahu, e rằng bế tắc cơ bản về việc phân chia lãnh thổ Palestine - Israel sẽ tiếp tục bế tắc. Mà chưa ký kết hòa bình xong thì, theo ý Washington, Palestine khoan hướng đến lập quốc qua ngả LHQ. Thách thức giờ đây là cho cả hai ông Obama và Abbas: nếu ông Abbas tiếp tục tiến trình thay đổi quy chế ở LHQ, tình hình sẽ là “bất khả hoàn”.

Hamas chen chân

Dân chúng Palestine từng nổi lên giành được chính quyền từ Cơ quan quyền lực Palestine (phái Fatah từ thời cố chủ tịch Arafat rồi nay là Abbas) sau cuộc bầu cử quốc hội tháng 1-2006. Đã không có một sự chuyển giao quyền lực êm thắm: hai phe Hamas và Fatah dàn quân đánh nhau ở dải Gaza cho đến tháng 6-2007, rồi khi tách ra mỗi bên hùng cứ một phương, Cơ quan quyền lực Palestine rút về bờ Tây sông Jordan, nhường dải Gaza cho phái Hamas.

Đến tháng 7-2009, phái Hamas thay đổi lập trường, sẵn lòng tham gia đàm phán để vừa không bị cô lập, vừa cạnh tranh với Cơ quan quyền lực Palestine cả trong lĩnh vực hòa bình. Cách đây hơn một tháng, hôm 23-10, quốc vương Qatar Sheikh al-Thani trở thành quốc vương đầu tiên trên thế giới đặt chân đến dải Gaza và loan báo viện trợ tái thiết 254 triệu USD. Từ bờ Tây sông Jordan, Tổng thống Abbas hoan nghênh quyết định này, song nhắc lại rằng Cơ quan quyền lực Palestine do ông lãnh đạo mới là chính thức (2). Đổi lại số tiền này, phái Hamas phải hòa giải với phong trào Fatah (3).

Trong bối cảnh đó, vụ đấu tên lửa giữa phái Hamas với Israel tuần trước, rồi ngưng bắn sau những nỗ lực con thoi của bà Clinton, chính là cơ hội bằng vàng để Hamas nổi lên như một thành phần không thể thiếu được trong đàm phán với Israel do lẽ Israel sẽ không thể ký kết với chỉ một phái Fatah, tức với chỉ “một nửa Palestine”.

Không ai khác hơn Qatar, một đồng minh chiến lược khác của Mỹ, đã khai thông lối ra cho Hamas. Trong cuộc họp báo hôm 13-11 ở Bộ Ngoại giao Mỹ, một nhà báo đã chất vấn: “Các ông có bảo các nước, như Qatar phái quốc vương Amir đến khuyên phái Hamas, thôi bắn tên lửa hay không?”, phát ngôn viên phó Toner vẫn còn đánh trống lảng: “Để tôi kiểm tra lại xem”, y hệt như đã chối khi được hỏi: “Có phải phía Mỹ đang tiếp xúc với Ai Cập, và với các nước khác, hay không để hạ nhiệt vụ Gaza, do lẽ phía Mỹ hiện không có tiếp xúc với phái Hamas?”.

Vai trò của ông Morsi

Chỉ tám ngày sau cuộc họp báo đó, đích thân Ngoại trưởng Clinton đã bay đến Cairo. Tờ Christian Science Monitor của Mỹ tường thuật: “Sau hai ngày ngoại giao con thoi ở Trung Đông, tối thứ tư (21-11, giờ Cairo) Ngoại trưởng Hillary Clinton đã cùng Bộ trưởng ngoại giao Ai Cập Amr loan báo tại Cairo một thỏa hiệp ngừng bắn”. Tờ báo này sử dụng cụm từ “(giữa Israel và) người Palestine tại khu vực Gaza do phái Hamas cai trị” chứ không viết “giữa Israel và phái Hamas” như một gợi ý rằng phái Hamas cũng được xem như một thực thể cầm quyền, tương đương phái Fatah.

Cũng trong ngày 21-11 ấy, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon cũng bay đến Cairo nhờ Tổng thống Morsi giải quyết tình hình giùm (4), do lẽ ông Morsi thân thiết cả với tổng thống Iran. Muốn hay không muốn, Washington vẫn cần có một Ai Cập đóng vai trò hòa giải giữa Israel và các nước Ả Rập, Hồi giáo như dưới thời ông Mubarak, nhất là khi Tổng thống Morsi nằm trong ban lãnh đạo Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, cùng tổ chức với phái Hamas.

Thành ra việc ông Morsi vội vàng thâu tóm quyền hành hôm thứ năm 22-11, ngay sau khi Ngoại trưởng Clinton và Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon vừa mới rời Cairo tối hôm trước, không có gì khó hiểu: cái gì cũng có cái giá của nó, hòa bình qua trung gian ông Morsi cũng vậy!

Trưa hôm đó tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Nuland cũng lên tiếng phê phán: “Các quyết định và tuyên bố loan báo hôm 22-11 làm dấy lên các mối quan ngại… việc quyền hành được quá tập trung vào tay một người…”. Song biện pháp duy nhất mà bà Nuland nêu ra là: “Chúng tôi kêu gọi bình tĩnh và khuyến khích tất cả các bên cộng tác với nhau…, giải quyết bất đồng một cách ôn hòa và qua đối thoại dân chủ”. Nôm na mà nói: đừng vọng động đảo chính và ông Morsi bớt bớt lại!

Chừng nào ông Morsi còn đóng được vai trò trung gian, ông còn là đồng minh và “tất cả các bên nên đối thoại ôn hòa”. Trong quá khứ, ông Mubarak đã yên ổn đóng vai trò đó cho đến khi bất ngờ bị dân chúng lật đổ hôm 11-2-2011.

Nay ông Morsi do dân bầu lên trở thành một đồng minh mới và càng đáng giá khi từng tốt nghiệp tiến sĩ khoa học ở Đại học Nam California năm 1982, rồi làm giảng viên tại đại học tiểu bang California từ 1982-1985.

Quả thật, sang đến thứ hai 26-11, ông Morsi và các thẩm phán tối cao đã đi đến một thỏa hiệp: ông Morsi “bớt” thao túng quyền hành, phía “dân chủ” cũng bớt đòi lật đổ. Đúng như nhắn nhủ của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ: “Tất cả các bên cộng tác với nhau…, giải quyết bất đồng một cách ôn hòa và qua đối thoại dân chủ”.

____________

(1): Mark C. Toner. Deputy Spokesperson, Daily Press Briefing. November 13, 2012
(2):
http://www.csmonitor.com/World/terrorism-security/2012/1023/Qatari-emir-comes-to-Gaza-bearing-gifts-maybe-with-some-strings-attached
(3):
http://gulfnews.com/opinions/editorials/hamas-must-re-unite-with-fatah-1.1092696
(4): http://www.turkishweekly.net/news/145026/un-chief-in-cairo-for-talks-with-mosri-presidency.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận