28/11/2016 14:24 GMT+7

Trúng đấu giá nhưng không được nhận đất

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Sau khi đất được bán đấu giá thì người phải thi hành án (THA) lại tự nguyện trả nợ cho ngân hàng mà ngân hàng không cho cơ quan THA hay, từ đó quyền lợi cả bên phải THA và được THA bị thiệt.

Ông Nguyễn Văn Út (ngụ xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, Kiên Giang) trình bày đầu tháng 5-2016, ông tham gia đấu giá 2 thửa đất ruộng trên 3.500m2 và đất vườn rộng 710m2 tại ấp Tân Tiến, xã Giục Tượng.

Tại phiên đấu giá công khai do Công ty cổ phần định giá tư vấn và đầu tư xây dựng Vina Sun tổ chức ngày 13-5, ông Út đã mua được cả hai thửa đất nói trên với tổng số tiền 279 triệu đồng. Sau đó ông Út đã nộp đủ số tiền trên cho Chi cục THA huyện Châu Thành.

Theo ông Út, lúc vừa trúng đấu giá, chấp hành viên tên K. còn dặn ông mua sẵn cát, đá, trụ đá và lưới để rào khu đất lại. Nghe vậy, ông Út đã bỏ thêm số tiền gần 7 triệu đồng để mua vật tư tập kết sẵn sàng cho việc rào bảo vệ khu đất.

Tuy nhiên, chờ mãi mà không thấy Chi cục THA Châu Thành gọi làm thủ tục sang tên, nhận đất. Ông Út năm lần bảy lượt tới lui hỏi han thì phía Chi cục THA trả lời còn có chút “trục trặc” nên chưa giao đất được.

Ông Út cho biết thêm chấp hành viên K. đã nhiều lần thuyết phục ông nhận phần đất vườn ít lại. Lần đầu là 2m chiều ngang chạy dài hết thửa đất. Ông không đồng ý, ông K. tăng lên 5m chiều ngang. Ông Út cương quyết mình phải nhận đủ phần đất như biên bản bán đấu giá.

“Tui vay ngân hàng 300 triệu, mua đất hết 279 triệu, chi phí đi tới đi lui giao dịch, mua vật tư... coi như hết sạch số tiền vay. Giờ không nhận được đất, trong khi lãi ngân hàng tui phải trả” - ông Út bày tỏ.

Tiếp xúc với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Bảy - chi cục trưởng Chi cục THA huyện Châu Thành - cho rằng theo chấp hành viên báo cáo lại thì người phải THA là ông B. nợ hai người cháu ruột 160 triệu đồng, nợ Phòng giao dịch Rạch Sỏi thuộc chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Kiên Giang 28 triệu đồng, cộng với chi phí THA, đấu giá... nên Chi cục THA tính toán rồi kê biên phần diện tích trên 3.500m2 đất ruộng và 710m2 đất vườn.

Ông Bảy khẳng định trong quá trình kê biên, người phải THA là ông B. hợp tác tốt, không có biểu hiện chống đối.

Tuy nhiên, khi kê biên xong thì ông B. âm thầm mang tiền trả cho ngân hàng. Tới khi cơ quan THA giao đất cho người được THA là ông Út thì ông B. ra mặt ngăn cản, đồng thời trưng ra chứng từ tất toán với ngân hàng. Phía ngân hàng cũng đã xác nhận ông B. không còn nợ nơi này.

“Cái này do chấp hành viên bị thiếu thông tin từ phía ngân hàng nên mới kê biên diện tích đất vượt số tiền cần phải THA. Chúng tôi đã xin ý kiến cấp trên, trước mắt sẽ vận động ông Út thông cảm nhận diện tích đất vườn ít lại một chút.

Còn chuyện ai đúng, ai sai sẽ làm rõ sau. Trường hợp ông Út không đồng ý thì phải họp ban chỉ đạo THA dân sự rồi xem xét giải quyết thỏa đáng theo luật định” - ông Bảy nói.

Phát sinh tranh chấp mới, đành phải chờ

“Trường hợp sau khi tài sản đưa đấu giá công khai, có người mua rồi nhưng không thể hoàn tất hợp đồng do phát sinh tranh chấp thì đành phải chờ giải quyết tranh chấp xong mới tiến hành giao dịch tiếp tục.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong trường hợp này ông Út có thể tự thỏa thuận với cơ quan thi hành án liên quan đến phần tài sản phát sinh tranh chấp.

Nếu không thỏa thuận được, ông Út có thể khởi kiện để được bồi thường theo luật định. Mức bồi thường tối thiểu bằng với giá trị tài sản bị thiệt hại do việc chậm thi hành án”.

Luật sư Đoàn Công Thiện - Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên