25/06/2016 08:21 GMT+7

Trưng cầu ý dân để làm gì?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Có thể có rất nhiều thông điệp về cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016 ở Anh.

Thủ tướng Anh David Cameron và vợ sau khi tuyên bố từ chức - Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Anh David Cameron và vợ sau khi tuyên bố từ chức - Ảnh: REUTERS

Kết quả kiểm phiếu với 16.141.241 phiếu “ở lại EU” (48,11%) so với 17.410.742 phiếu “ra khỏi EU” (51,89%) có thể xem như là một sự phân hóa trầm trọng giữa hai nhóm cử tri, mà có ý kiến e ngại rằng sẽ dẫn đến sự tan rã Vương quốc Anh với việc cử tri Anh và Xứ Wales muốn ra khỏi EU, trong khi cử tri Scotland và Bắc Ireland muốn ở lại trong EU...

Việc Thủ tướng David Cameron phải rời dinh thủ tướng ở số 10 Downing Street cũng là một thông điệp. 

Tất nhiên, nếu đứng từ một vị trí khác, với những cách tư duy cùng những thói quen khác, sẽ dễ có những nhận xét theo quán tính. Ví dụ như cái ông Cameron này sao lại “hâm” thế, đang yên ổn, bày ra màn trưng cầu ý dân làm gì cho tan tác? Vấn đề không đơn giản như thế.

Ông Cameron, cho dù có muốn “ở lại” tới đâu, cũng không thể tự bịt mắt, tự che tai mà không nhìn thấy, nghe thấy dân chúng Anh muốn gì.

Trong diễn văn thông báo từ chức sau khi có kết quả, ông Cameron đã đưa ra kết luận của Chính phủ Anh: “Đất nước vừa tiến hành một thao tác dân chủ khổng lồ, có lẽ là lớn nhất trong lịch sử.

Hơn 33 triệu người dân Anh, Scotland, Xứ Wales, Bắc Ireland và Gibraltar đã cất tiếng nói của mình. Chúng ta nên tự hào vì thực tế là trong đảo quốc này, với những quyết định lớn, chúng ta phải tin tưởng người dân…”. 

Tại sao lại tổ chức trưng cầu ý dân, khi ở Anh đã có một hệ thống nghị viện vào hàng lâu đời nhất thế giới và hoạt động rất trơn tru và thực chất?

Theo ông Cameron, việc nước không chỉ do quốc hội bàn bạc quyết định mà thôi, mà còn là của chính người dân, như trong trường hợp này: “Có những lúc cần hỏi ý kiến chính người dân và đó là điều mà chúng ta đã làm”.

Điều làm nên vị thế, uy tín cũng như sức mạnh của Chính phủ Anh trong trường hợp này chính là ở nhận thức “có những lúc cần hỏi ý kiến chính người dân” mà ông Cameron đã nêu.

Chính phủ Cameron đã không mũ ni che tai để không nghe thấy rằng một bộ phận dân Anh rất âu lo khi cứ phải “sống còn” với một EU đã, đang và sẽ còn chao đảo từ tiền tệ, kinh tế, tài chính đến chính sách đối ngoại, đối nội, từ “sức khỏe” của đồng euro đến làn sóng người tị nạn đang tràn ngập châu Âu… 

Và chính phủ Cameron đã sòng phẳng tổ chức trưng cầu ý dân mặc dù ông Cameron vẫn dốc sức thuyết phục “đừng” - đơn giản vì ông không thể tự cho là thông minh hơn dân chúng nên cứ việc tự mình quyết định ở lại với EU.

Trong thực tế, nếu dân Anh “kém” như thế, làm gì nước Anh lại cứ nằm trong những nước đứng hàng đầu thế giới từ bao thế kỷ qua; ngược lại, vinh quang của nước Anh là của người dân Anh, thế hệ này đến thế hệ khác, qua hệ thống nghị viện của họ.

Dân chúng các nước khác cũng sáng suốt không kém.

Như dân Thụy Sĩ hồi đầu tháng đã bỏ phiếu từ khước “thu nhập cơ bản vô điều kiện”, theo đó họ sẽ được chu cấp 2.500 quan Thụy Sĩ mỗi tháng thay cho các trợ cấp xã hội khác, để người dân khỏi phải làm những công việc quá “tay chân”, để cho robot làm thay.

Dân Thụy Sĩ đã nói không, khi mà lương tối thiểu của họ đang là 4.000 quan/tháng! Trưng cầu ý dân không phải là một việc làm xa xỉ mà là để các quyết định liên quan đến vận mệnh quốc gia đích thực là từ dân, do dân, vì dân.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên