Nghiên cứu được trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Sinh học thực nghiệm ở Praha (Cộng hòa Czech) cho thấy trứng cá mập ít có khả năng nở thành công nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu không được kiểm soát.
Nghiên cứu, được thực hiện trong suốt 10 tháng, đã kiểm tra sự phát triển của phôi, mức tiêu thụ lòng đỏ và tỉ lệ sống của trứng cá nhám mèo đốm trong ba điều kiện riêng biệt. Có một nhóm đối chứng, với nhiệt độ và độ pH nước phù hợp với các đại dương từ năm 1995 đến năm 2014.
Sau đó, có một nhóm được gọi là SSP2, hay kịch bản "trung lập", trong đó nhiệt độ tăng 2,7°C và độ pH giảm 0,2. Nhóm này nhằm mục đích mô phỏng những gì sẽ xảy ra vào năm 2100 nếu con người giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhưng không ngừng sử dụng hoàn toàn.
Trong một nhóm khác, được gọi là SSP5, hay kịch bản "Phát triển với nhiên liệu hóa thạch", nhiệt độ tăng 4,4°C và độ pH giảm 0,4. Nhóm này mô phỏng những gì sẽ xảy ra nếu con người tiếp tục tăng việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho đến năm 2100.
Phôi cá mập cho thấy tỉ lệ sống sót cao ở nhóm một và hai - lần lượt là 81% và 83%. Ở nhóm 3, mô hình hóa các điều kiện dự kiến của đại dương nếu con người tiếp tục sử dụng ngày càng nhiều nhiên liệu hóa thạch, phôi có tỉ lệ sống sót cực kỳ thấp - chỉ 11%.
Noémie Coulon, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Phòng thí nghiệm Biologie des Organismes et des Écosystèmes Aquatiques, Pháp, cho biết: "Chúng tôi bị sốc bởi tỉ lệ sống sót thấp được quan sát thấy trong kịch bản SSP5, chỉ với 11% phôi nở. Tỉ lệ tử vong này rõ rệt nhất vào tháng 8, trùng với thời điểm nhiệt độ cao nhất (đạt 23,1°C), và trong giai đoạn phát triển khi phôi trải qua quá trình tái hấp thu mang".
Theo nghiên cứu, những con cá mập còn sống sót trong nhóm thứ ba có kiểu tăng trưởng khác với những con cá mập khác. Chúng có thân hình mảnh mai hơn những con thuộc nhóm khác, nhưng có tỉ lệ tăng trưởng nhanh hơn sau khi nở.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng cá mập có thể cần phải phát triển bất thường để tồn tại trước sự thay đổi lớn của khí hậu. Điều gì làm cho những cá thể này trở nên đặc biệt vẫn chưa rõ ràng.
Nóng hơn, đại dương nhiều carbon dioxide hơn
Nhiệt độ ấm hơn cũng đồng nghĩa nhiều carbon dioxide hơn sẽ hòa tan vào đại dương, khiến môi trường này có tính axit và không thân thiện với sự sống.
Noémie Coulon cho biết: "Phôi của các loài đẻ trứng đặc biệt nhạy cảm với điều kiện môi trường. Sự nở thành công của phôi là yếu tố quyết định sự biến động của quần thể.
Với cá đuối và cá mập, có nhịp sống chậm, tỉ lệ nở thấp có thể rất quan trọng cho việc đổi mới quần thể".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận