Những đất đai mà Mỹ đã mua và giá ở thời điểm mua - Ảnh: CBC NEWS, nguồn dữ liệu của Viện Smithsonian
Iceland là một đảo quốc nhỏ, dân số có 350.000 người, ở Bắc Đại Tây Dương, thuộc nhóm Bắc Âu, gần gũi với các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy cả về nguồn gốc dân tộc và ngôn ngữ.
Phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence sẽ thăm Iceland chính thức vào ngày 4-9 tới và tuần qua, nữ Thủ tướng Iceland Katrín Jakobsdóttir cho biết bà sẽ không có mặt để tiếp ông vì ngày 3-9 có buổi nói chuyện tại Thụy Điển do Công đoàn Lao động Bắc Âu tổ chức.
Trong thể chế Iceland, thủ tướng là người đứng đầu hành pháp, còn Tổng thống Guðni Johannesson chỉ đóng vai trò nghi lễ.
Dân châu Âu đồn đoán bà Jakobsdóttir tránh mặt ông Pence, vì lỡ gặp mà Pence chuyển lời Tổng thống Donald Trump hỏi mua quốc đảo này thì bà không biết ăn nói ra làm sao.
Tất nhiên, chuyện Mỹ hỏi mua Iceland, một quốc gia có chủ quyền ở châu Âu, chỉ là chuyện "cá tháng 4", hoàn toàn vô căn cứ và phi lý cực kỳ. Chỉ có điều, với chính quyền Trump thì không có gì là phi lý. Bằng chứng: ông Trump đã hỏi mua Greenland đó thôi, mà sự vụ có thể xem ở bài trước.
Greenland là đảo lớn nhất thế giới, diện tích 2,1 triệu km2, tức 2/3 Ấn Độ, nhưng dân số thì chỉ 55.000 người. Đảo này thuộc Đan Mạch từ năm 1814 và số thổ dân là 9/10.
Năm 2008, đảo trở thành vùng tự trị, Đan Mạch chỉ còn lo việc ngoại giao và quốc phòng cũng như kiểm soát tài chính, vì vẫn phải tiêu tốn vào đây mỗi năm trên 500 triệu USD. Nói ví von, quy chế của Greenland hiện như con gái trong nhà 16 tuổi, nhiều tự do nhưng vẫn phụ thuộc bố mẹ và chưa ra ở riêng. Ngày đó rồi sẽ đến.
Lời đề nghị của Tổng thống Trump đại ý là bán con gái cho tôi đi, nuôi nó làm gì cho tốn tiền. Nó giống như một cái tát vào mặt phụ huynh, chưa nói đến bản thân Greenland chưa chắc đã chịu "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó".
Đảo này hoang vắng vì tuyết phủ quanh năm, kỹ nghệ chính là đánh cá. Tuy nhiên, nó có vị trí chiến lược ở Bắc Cực, từ đó có thể oanh kích hay ngăn chặn tên lửa của Nga hay Trung Quốc. Hoa Kỳ hiện đã có căn cứ không quân Thule trên đảo này, dùng làm cổng do thám điện tử.
Đan Mạch là đồng minh lâu đời của Mỹ ở châu Âu, từng gửi quân tham chiến cùng Hoa Kỳ ở Afghanistan và Iraq. Việc Hoa Kỳ sử dụng căn cứ Thule như hiện nay không có vấn đề gì.
Tuy sống nhờ vào trợ cấp của trung ương, nhưng Greenland có tiềm năng rất lớn về hầm mỏ và đá quý, dầu khí. Tài nguyên này không được khai thác vì thời tiết và hạ tầng còn thiếu do xây dựng khó khăn và tốn kém.
Từ vài năm nay, hiện tượng băng tan vì khí hậu nóng lên toàn cầu khiến việc khai thác trong tương lai sẽ dễ dàng hơn. Đây có thể là chủ đích của Mỹ, nhưng Đan Mạch cũng khai thác được vậy và nếu thế thì sao lại bán đi? Cũng chẳng ai cấm các công ty Mỹ sang đó khai thác vì quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Vốn không phải kẻ thù của Mỹ, Đan Mạch bỗng bị đẩy vào thế khó. Hai lý do kể trên, vị trí chiến lược và tiềm năng tài nguyên, do đó không đủ để giải thích đề nghị của ông Trump.
Có lẽ cần thêm vào đó yếu tố cái tôi của ông: ông muốn đi vào lịch sử với tư cách tổng thống đã mở rộng bờ cõi thêm 2,1 triệu km2 (hơn 1/5 tổng diện tích nước Mỹ) và sơn hà thêm 3 múi giờ!
Greenland quả là vấn đề nhức đầu cho Đan Mạch, như mọi nhà có con 16 tuổi đều từng trải nghiệm. Nó chưa làm ra được tiền mà tiêu xài hoang phí, nói cái gì thì cũng "trứng khôn hơn vịt". Nó đòi có buồng riêng và làm gì không cho ai biết, có lúc dọa bỏ nhà ra đi.
Nhưng nó là con mình, đâu phải thế mà mang nó bán cho đại gia lầu đúc bêtông đầu ngõ mà mình trót mang ơn! Mà Đan Mạch nào có túng thiếu gì cho cam! Về vấn đề Greenland, tại Đan Mạch cũng không có một phe nào áp đảo.
Có thành phần muốn trao trả độc lập hoàn toàn, có thành phần muốn cắt tiền trợ giúp…, nhưng đây là việc nội bộ và cả nước đoàn kết trên lập trường không bán! Người dân ngụ tại Greenland cũng vậy, kẻ muốn này người muốn kia, nhưng không ai muốn bán thân cho Mỹ.
Riêng việc bị hỏi mua đã là một sự sỉ nhục, nếu Nga hay Trung Quốc đòi mua thì chắc chắn đã bị mắng vào mặt là đồ cường hào ác bá cậy thế ép người, là bọn lòng lang dạ sói, là thứ Mã Giám Sinh, nhưng đằng này lại là Mỹ. Thủ tướng Đan Mạch đành chỉ phê là "lố bịch", mà vẫn bị Trump cho là xúc phạm ông.
Trong quá khứ, Mỹ từng không ít lần "mua đất vùng ven chờ lên giá". Như năm 1947, tổng thống Harry Truman hỏi mua chính… Greenland.
Nhưng thời thế lúc đó khác. Sau Thế chiến II, các cường quốc chiến thắng hành xử theo ý của họ, chia cắt Hàn Quốc, công nhận Đài Loan là Trung Hoa dân quốc, biến Palestine thành Israel, muốn làm gì chẳng được.
Thuở đó cũng chưa có tên lửa liên lục địa bắn mấy ngàn cây số. Greenland cùng lắm chỉ là bàn đạp cho máy bay cánh quạt thôi. Ngay cả vậy, ý đồ của ông Truman vẫn được giữ kín và công chúng chỉ biết vào năm 1993, khi hồ sơ được giải mật.
Năm 1867, Hoa Kỳ mua lại Alaska (1,5 triệu km2) của đế quốc Nga với giá tượng trưng 7,2 triệu USD. Lúc đó, phần đất này đang là gánh nặng cho ngai vàng Nga sau cuộc chiến khiến nước Nga kiệt quệ ở Crimea 1853-1856 với ba cường quốc Anh, Pháp và Ottoman.
Đến năm 1867, Nga vẫn còn bị đe dọa tứ bề và hải quân Anh đe dọa phong tỏa biển Bering sang Alaska, rồi "tịch thu" luôn để nhập vào thuộc địa Canada của họ. Không muốn mất Alaska cho đại kình địch, nên Nga tính toán đằng nào cũng mất thì vào tay Mỹ vẫn hơn.
Năm 1848, Mexico bán cho Hoa Kỳ 1,4 triệu km2 đất (nhiều bang miền tây nước Mỹ hiện nay) với giá hời là 15 triệu USD. Đây chẳng phải là Mexico "xuất cảnh, cần bán gấp" hay "nợ ngân hàng, bán dưới giá chủ đầu tư", mà chẳng qua bởi họ thua trận trong chiến tranh 1848 với Hoa Kỳ.
Đây thực ra là ăn cướp: vừa tẩn cho một trận nên thân, lại vừa cầm tay ép ký giấy tờ sang nhượng sổ đỏ.
Năm 1803, Napoleon bán phần đất của Pháp cho Mỹ với giá 15 triệu USD. Lúc đó chủ yếu là thành phố New Orleans giá 10 triệu USD, còn phần còn lại là cả miền trung nam nước Mỹ hiện nay, coi như "bán đất ở, tặng thêm đất vườn".
Năm 1803, Pháp đã xâm chiếm cả châu Âu và Napoleon đang lên kế hoạch xâm lăng Anh quốc, chẳng còn bụng dạ nào để ý đến đất đai ở châu Mỹ xa xôi và những tranh chấp với Mỹ hay Tây Ban Nha ở vùng này.
Nước Pháp cách mạng đã bãi bỏ chế độ nô lệ từ năm 1794, trong khi miền nam Mỹ kinh tế chủ lực đồn điền vẫn phải cần lao động nô lệ da đen, họ ngại ở cạnh một hàng xóm Cộng hòa, dù là Cộng hòa máy chém. Cho nên Mỹ cần mua và Pháp cần bán.
Có thể kể thêm việc Mỹ mua Philippines (cùng Guam và Puerto Rico) năm 1898 với 20 triệu USD từ đế quốc Tây Ban Nha. Đây cũng là trường hợp bán sau khi thua một cuộc chiến. Philippines lúc đó cũng đã tuyên bố độc lập rồi, tức Tây Ban Nha coi như bán "vịt trời"! (Ngay trước đó, Mỹ còn giúp Philippines đánh Tây Ban Nha giành độc lập).
Đã cầm sổ đỏ, Mỹ quay sang dẹp luôn cộng hòa Philippines và cai trị quần đảo này như một thuộc địa.
Những việc mua đất này đều có bối cảnh và hoàn cảnh lịch sử, chứ không phải là một sáng đẹp trời, có ông tổng thống nghĩ xem hôm nay nên mua vùng đất nào để mở mang bờ cõi.
Chuyện địa ốc, chuyện sân golf thì nói kiểu đó được, chứ chuyện lãnh thổ quốc gia thì hơi kỳ. Trở lại năm 1803, người mua đất của Pháp khi đó - diện tích chính xác 2.140.000km2 - là tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ Thomas Jefferson, giờ có hình trên tờ giấy bạc (rất hiếm) 2 USD. Diện tích chính xác của Greenland là… 2.143.086km2.
Tức nếu việc thành, ông Trump sẽ trở thành tổng thống mở mang bờ cõi lớn nhất cho nước Mỹ trong lịch sử, sẽ qua mặt Jefferson 3.086km2 và với lề lối của ông thì biết đâu hình ông sẽ in trên tờ giấy bạc còn hiếm hơn nữa, là tờ mệnh giá 3 USD!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận