Trái với cuộc gặp với ông Kim Jong Un được rầm rộ tung hô là “lịch sử”, cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đồng cấp Nga Vladimir Putin lại bị đặt nhiều dấu hỏi nghi kỵ. Ông Trump (phải) và ông Putin chỉ kịp chào nhau trong lần gặp mặt trực tiếp gần nhất tại Đà Nẵng tháng 11-2017. Ảnh: Reuters Thông cáo báo chí đề ngày 28-6 của Thư ký báo chí Nhà Trắng rất ngắn gọn: “Tổng thống Donald J. Trump và Tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga sẽ gặp nhau vào ngày 16-7-2018 tại Helsinki, Phần Lan. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga và một loạt vấn đề an ninh quốc gia”. Ấy vậy mà tạp chí mạng Slate chạy tít: “Cuối cùng Trump cũng có được thượng đỉnh với Putin của mình!”. Tại sao lại thêm tính từ sở hữu “của mình”, nghe giống như một đứa trẻ cuối cùng cũng có được món đồ chơi khao khát?! Đấy không phải tựa báo duy nhất có nhiều ngụ ý. Báo mạng Vox chi tiết hơn: “Từ mấy tháng qua, Trump đã muốn một cuộc gặp thượng đỉnh với Putin. Giờ thì ông cuối cùng cũng đã có”. Thực tế căng thẳng và mong muốn hữu hảo Có một thực tế là trong khi ông Trump đã gặp thượng đỉnh hầu hết các “VIP” của thế giới (Tập Cận Bình, Shinzo Abe, Narendra Modi, Emmanuel Macron..., và mới đây là Kim Jong Un), ông chưa có một thượng đỉnh Trump - Putin. Cho tới nay họ chỉ gặp qua loa mà thôi: hôm 7-7-2017 nhân thượng đỉnh G20 ở Hamburg họ gặp nhau nói chuyện được khoảng một tiếng; ở APEC Đà Nẵng 11-11-2017, hai ông chỉ bắt tay và trao đổi vài lời. Đã thế, trước đó, hôm 10-11, Nhà Trắng cho hay sẽ không có cuộc gặp song phương bên lề hội nghị APEC do lịch trình của hai ông bị chồng chéo. Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban quốc phòng - an ninh Thượng viện Nga Frants Klintsevich bực dọc: “Lý do phía Mỹ đưa ra liên quan đến lịch trình làm việc của ông Trump là không hợp lý..., nếu cuộc gặp chính thức giữa hai tổng thống bên lề APEC không được tổ chức, đây là một dấu hiệu xấu cho thấy Mỹ đang tiếp tục chính sách căng thẳng trong quan hệ với Nga”, theo RIA Novosti. Trong khi đó, quan hệ Mỹ - Nga ngày càng va chạm nhiều hơn, không chỉ gồm các vấn đề Syria hay NATO hoặc những cáo buộc Nga can thiệp vào chính trị nội bộ Mỹ và các lệnh trừng phạt qua lại kéo dài... Hôm 26-3, Tổng thống Trump ký lệnh trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Nga, một phản ứng sau vụ Nga bị cáo buộc đầu độc một cựu điệp viên Nga tại Salisbury (Anh) hôm 4-3. Lãnh sự quán Nga tại Seattle cũng bị đóng cửa, mà theo giải thích của Nhà Trắng, là do “quá gần căn cứ tàu ngầm của chúng ta và Hãng Boeing”. Tổng cộng: Mỹ và 19 nước khác trục xuất 110 nhân viên ngoại giao Nga. Để đáp trả, Nga trục xuất hơn 150 nhân viên ngoại giao các nước, trong đó có 60 người Mỹ, đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg. Sự cố ngoại giao trầm trọng này xảy ra chỉ 6 ngày sau cuộc điện đàm hữu nghị hôm 20-3 trước đó. Trong mớ bòng bong va chạm đó, thắng lợi bầu cử của ông Putin đầu năm nay đã là cơ hội hiếm có để hai bên nói chuyện với nhau đôi chút. Tin tức từ phía Nga nói ông Trump khi gọi điện chúc mừng ông Putin đã ngỏ ý mời ông này qua thăm Nhà Trắng. Khi được hỏi về lời mời này, nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết: “Như tổng thống đã đích thân xác định hôm 20-3 vài giờ sau cuộc gọi điện với Tổng thống Putin, hai ông đã thảo luận về một cuộc gặp song phương trong “tương lai không quá xa” tại một số địa điểm có thể, kể cả Nhà Trắng. Vào lúc này chúng tôi không có thông tin gì thêm”. So với thông cáo báo chí của Kremlin tối 20-3-2018 về cuộc điện thoại chúc mừng với thông báo của Nhà Trắng, sẽ thấy thông báo phía Nga có những chi tiết mà nay có thể giải thích nhiều điều về quan hệ Putin - Trump: “Đã nhất trí phát triển hơn nữa các tiếp xúc song phương nhân có thay đổi lãnh đạo ở Bộ Ngoại giao Mỹ (ý chỉ việc ông Mike Pompeo thay ông Rex Tillerson làm bộ trưởng). Khả năng tổ chức một cuộc gặp cấp cao đã nhận được chú ý đặc biệt. Nói chung, cuộc đàm thoại đã là xây dựng, giống như là giữa các doanh nhân, tập trung vào việc vượt qua các vấn đề tích tụ trong quan hệ Nga - Mỹ. Các nhà lãnh đạo đã phát biểu thuận tình cho việc hợp tác thực tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả các nỗ lực nhằm đảm bảo ổn định chiến lược..., đặc biệt nhấn mạnh các nỗ lực phối hợp nhằm ngăn cuộc chạy đua vũ trang trở lại”. Thông cáo của Nga cho thấy hai ông Putin và Trump không chỉ muốn giải quyết các va chạm cho tới giờ, mà còn muốn thiết lập những đầu mối quan hệ mới cho một “hợp tác thực tế”. Ý muốn thành hiện thực bắt đầu với việc ông Trump bổ nhiệm ông Pompeo làm bộ trưởng ngoại giao. Hạ tuần tháng 12-2017, khi điện thoại cảm ơn ông Trump việc tình báo Mỹ CIA giúp an ninh Nga FSB phá vỡ một âm mưu khủng bố ở St. Petersburg, ông Putin chuyển lời khen “giám đốc CIA Pompeo cùng các nhân viên hành động đã thu thập tin tức về bọn khủng bố” (Russia Today 17-12-2017). Đến trung tuần tháng 3-2018, ông Pompeo thay ông Tillerson bị cách chức khi đang công cán Nam Phi vì chỉ trích việc Nga ám hại cựu điệp viên Nga ở Anh (The New Yorker 13-3-2018). Có thể thấy ý muốn cải thiện quan hệ với ông Putin (nói riêng) và nước Nga (nói chung) đã được ông Trump thể hiện ít nhất từ vụ hợp tác CIA-FSB và những quyết định sau đó. Sự “hợp tác thực tế” này, từ một góc nhìn khác, thể hiện qua những thu xếp cuộc gặp Trump - Kim do ông Pompeo đạo diễn, dẫn đến việc ông Trump đơn phương tháo bỏ “mối đe dọa Mỹ” trên bán đảo Triều Tiên (các cuộc tập trận, THAAD). Còn giờ đây là cuộc gặp Trump - Putin tuần tới. Anh hùng thấm mệt Ông Putin lão luyện trong mọi lĩnh vực, trong đó có tài làm chủ diễn đàn theo ý mình. Trong cuộc gặp riêng các nhà báo Nga sau thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Thanh Đảo (Trung Quốc) hôm 10-6, ông Putin cho biết: “Tổng thống Hoa Kỳ đã nhiều lần nói ông coi cuộc họp này là cơ hội thích hợp và tôi nhất trí rằng quả thực là như thế. Nhưng để thảo luận cụ thể, các bộ ngoại giao tương ứng của chúng ta cần phải làm việc, và các chuyên gia phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Các cuộc họp cá nhân chắc chắn là cần thiết. Sớm nhất có thể. Ngay sau khi phía Mỹ sẵn sàng, cuộc họp này sẽ được tổ chức ngay lập tức, tùy thuộc vào lịch làm việc của tôi”. Cách thông tin như thế dễ tạo cảm giác ông Putin là “kèo trên”, y hệt việc ông Trump phải tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov năm ngoái trong phòng Bầu dục! Một lần nữa, ông Putin nói ở Thanh Đảo: “Tôi có thể nhắc lại rằng trong cuộc trò chuyện qua điện thoại cuối cùng của ông Trump, ông ấy bày tỏ mối quan ngại về nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tôi nhất trí với ông ấy”. Phe nào sợ chạy đua vũ trang hơn? Thường thì lý do chủ quan khiến các nước rất ngại chạy đua vũ trang là gánh nặng ngân sách khiến kinh tế - xã hội gặp khó khăn. Trong chiến tranh lạnh, Liên Xô từng “vã mồ hôi” vì chạy đua vũ trang như thế. Báo cáo chi phí quân sự của SIPRI (Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm) ngày 2-5-2018 có đoạn rất mang tính giải thích: “Chi tiêu quân sự của Nga lần đầu tiên đã giảm kể từ năm 1998, trong khi chi tiêu của Hoa Kỳ vẫn không thay đổi trong năm thứ hai liên tiếp”. Với 66,3 tỉ USD, chi tiêu quân sự của Nga năm 2017 thấp hơn 20% so với năm 2016. Chi quốc phòng giảm là do ngân sách bị hạn chế bởi những trục trặc kinh tế từ năm 2014 vì các lệnh cấm vận, chi tiêu cho Crimea, giá dầu giảm và suy thoái kinh tế trong nước. Trong khi đó Mỹ cứ hùng hục tăng tiền mua súng. Báo cáo của SIPRI cho biết: “Hoa Kỳ tiếp tục chi tiêu quân sự cao nhất trên thế giới. Năm 2017, Hoa Kỳ đã chi cho quân đội của mình nhiều hơn so với 7 nước chi tiêu cao nhất tiếp theo cộng lại. Với 610 tỉ USD, chi tiêu quân sự của Mỹ không thay đổi vào năm 2017 so với 2016”. "EU thật tàn nhẫn với Hoa Kỳ". (Tổng thống Mỹ Donald Trump) Thuyết âm mưu Có thể nghĩ rằng vì một số lý do cá nhân, ông Trump muốn hữu hảo với ông Putin. Song, do ở Mỹ là chế độ “kiểm tra và cân bằng” không tự quyền được như ông Putin ở Nga, nên ông Trump vẫn cứ phải để cho “cuốn theo chiều gió” của chính trường Mỹ. Dẫu sao, gần đây ông Trump đã có những động tác lạ gây bàng hoàng nơi các đồng minh cố cựu của nước Mỹ. Tại thượng đỉnh G7 ở Canada, ông đã vận động cho nước Nga trở lại: “Đây từng là G8 chứ không phải G7. Đã có chuyện gì đấy xảy ra, rồi Nga không ở trong G8 nữa. Tôi nghĩ sẽ có lợi nếu để Nga quay lại... sẽ tốt cho thế giới, cho Nga, cho Hoa Kỳ, sẽ tốt cho tất cả các nước G7 hiện tại”. Để biện minh cho đề xuất này, ông Trump hóa giải ngay nguyên nhân của những lệnh trừng phạt Nga: “Crimea là thuộc Nga. Ở đó người ta nói tiếng Nga cơ mà”. Ngược lại, ông Trump gắt gỏng với EU và các đồng minh cũ: “EU thật tàn nhẫn với Hoa Kỳ... và họ hiểu điều đó, họ biết điều đó. Khi tôi chê trách họ, họ cười trừ. Họ không cố gắng, họ chẳng có gì để nói. Họ không ngờ họ lại thoát được. Canada cũng không ngờ họ lại thoát được (việc lợi dụng Mỹ). Mexico - chúng ta có thâm hụt thương mại 100 tỉ USD với Mexico...”. Khi gặp ông Macron trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Pháp, ông Trump bỏ nhỏ: “Sao ông không rời bỏ EU? Bỏ đi, ông sẽ có một hiệp định thương mại song phương (với Mỹ) ngon lành hơn với EU chục lần”, báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin hôm 28-6. Chưa hết, cũng ở Toronto, ông Trump nói xẵng: “NATO cũng tệ y hệt NAFTA”. Tuần tới ông Trump sẽ gặp ông Putin sau khi đã họp với NATO xong, và để chuẩn bị cho cuộc họp NATO, ông đã đòi các thành viên khác đóng góp thêm, thậm chí dọa sẽ “thay thế” đồng minh cánh hẩu Anh nếu nước này từ chối bỏ thêm tiền chi tiêu quân sự. Nếu EU hay NATO có tan rã kiểu G7 vừa rồi muốn trở thành G6 (trừ Mỹ ra), cả Đông Bắc Á tự lực quốc phòng nữa thì ai hưởng lợi? Viễn tượng này không phải là đột ngột mà là trong chương trình tranh cử của ông Trump. Thế nhưng, ai đã vạch ra kế hoạch đó?■ Tags: EUPutinNATOĐồng minhTrumpThượng đỉnh Mỹ - Nga
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Giá ngâm chất cấm được... cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm TÂM AN 28/12/2024 Ngành chức năng Đắk Lắk xác nhận có 1 doanh nghiệp ngâm giá dùng chất cấm được... cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Chủ tịch Công ty Triệu Nụ Cười thuê nhà, xài xe sang để lừa đảo đầu tư BÌNH KHÁNH 28/12/2024 Hồ Quốc Thân không nghề nghiệp, nhưng để 'đánh bóng' tên tuổi nên đã thuê nhà, thuê địa điểm đặt trụ sở Công ty Triệu Nụ Cười ở nơi sang trọng.
Vượt đèn đỏ bị phạt 20 triệu, từ 1-1-2025 nhiều lỗi giao thông tăng mức phạt hàng chục lần HỒNG QUANG 28/12/2024 Cơ quan chức năng đánh giá đây là những hành vi nguy cơ rất cao gây ra tai nạn, do vậy mức phạt cần gia tăng để tạo tính răn đe tương xứng.
Mỹ tiết lộ bất ngờ: Lính Triều Tiên ở Kursk tự sát, không dám để Ukraine bắt THANH BÌNH 28/12/2024 Theo giải thích của Nhà Trắng, những người lính Triều Tiên tự sát thay vì đầu hàng Ukraine có thể vì sợ gia đình ở quê bị liên lụy.