TTCT - Hai năm nữa, ông Donald Trump có thể đang ở trong tù hoặc trở lại làm tổng thống Mỹ. Đó là hai kịch bản trái ngược mà ông đối mặt sau vụ Bộ Tư pháp Mỹ công bố 37 tội danh liên quan vụ ông cố tình giữ tài liệu mật và không chịu trả lại cho chính phủ. Ông Trump đã xuất hiện tại tòa chiều 13-6 ở Miami, Florida, để nghe các tội danh và bác bỏ mọi tội danh, chính thức bắt đầu quá trình tố tụng dự kiến sẽ kéo dài nhiều năm nữa.Ảnh: Getty ImagesKhi cuộc bầu cử sơ bộ bên phe Cộng hòa chỉ còn 7 tháng nữa là diễn ra và khả năng rất cao ông sẽ là ứng viên của đảng, vụ xét xử chắc chắn không tránh khỏi các yếu tố chính trị. Từ chi tiết cáo trạng công bố, có thể thấy vụ truy tố theo luật liên bang này nghiêm trọng hơn rất nhiều so với vụ truy tố ở Manhattan, New York. Nói đơn giản thì vụ ở Manhattan có mức án cao nhất 4 năm tù, trong khi các tội danh công tố viên Jack Smith đưa ra có mức án tối đa tới 20 năm và khả năng kết án cao hơn nhiều.Lối thoát của ông TrumpLối thoát của cựu tổng thống Mỹ lúc này là phải chiến thắng trong cuộc bầu cử 2024. Là tổng thống, ông có thể tự tha bổng bản thân, bất chấp vụ truy tố lúc đó ở giai đoạn nào. Ông cũng có thể yêu cầu bộ trưởng tư pháp dừng tất cả các vụ án hình sự đang điều tra ông và những người thân cận.Theo cựu công tố viên Ankush Khardori viết trên Politico, chính vì hiểu áp lực này, nên công tố viên Jack Smith trong cáo trạng tội danh đã đưa ra bằng chứng chi tiết hơn nhiều so với thông thường để dư luận Mỹ có thể hiểu mức độ nghiêm trọng của vụ tài liệu mật. Cáo trạng đưa ra nhiều chi tiết về việc ông Trump vô trách nhiệm khi giữ tài liệu mật - hàng chục hộp tài liệu để chồng chất đầy phòng vệ sinh - hay việc ông dùng nhiều cách để giấu tài liệu với các điều tra viên liên bang (và cả luật sư của ông).31 tội danh nghiêm trọng nhất liên quan đến việc cố tình giữ các tài liệu quốc phòng, hầu hết là mật hoặc tuyệt mật. Tài liệu gây chú ý nhất là kế hoạch quân sự của Mỹ với một nước (được cho là Iran) trong trường hợp bị tấn công. Các tài liệu khác có thông tin mật về hoạt động và năng lực quân sự của các nước.William Barr, cựu bộ trưởng tư pháp thời Trump, thừa nhận mức độ nghiêm trọng khi trả lời Fox News: "Chỉ cần một nửa cáo buộc là đúng, ông ta cũng coi như xong phim". Ông Barr nói mình thấy "sốc trước mức độ nhạy cảm của các tài liệu mật và không ngờ có nhiều tài liệu như vậy". "Đây là cáo trạng rất chi tiết và rất nghiêm trọng. Nói Trump là nạn nhân là lố bịch" - ông Barr, người từng ủng hộ Trump nhiệt tình, thừa nhận.Ảnh: NPRTiếp tục tranh cửÔng Trump vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục chạy đua vào Nhà Trắng kể cả nếu bị kết tội trong vụ tài liệu mật. Theo luật Mỹ, ông không bị cấm tranh cử kể cả khi đã vào tù. Nhưng nếu kịch bản này xảy ra thì đây sẽ là thách thức lớn với hệ thống tư pháp Mỹ.Vị cựu tổng thống Mỹ chỉ trích mạnh mẽ công tố viên đặc biệt Jack Smith và cáo buộc vụ điều tra mang màu sắc chính trị. "Những kẻ côn đồ và băng hoại săn đuổi tôi", ông nói. Dù tiền gây quỹ tăng vọt sau khi cáo trạng được công bố, ông thừa nhận việc bị truy tố là điều không ai muốn. "Không ai muốn bị truy tố cả. Tôi không quan tâm việc số ủng hộ tăng rất nhiều. Tôi không muốn bị truy tố, và chưa bao giờ bị vậy suốt cả đời. Giờ thì cứ hai tháng tôi bị truy tố một lần. Rất là chính trị", ông nói với Politico.Cáo trạng với ông Trump cũng khiến Đảng Cộng hòa và các ứng viên đứng trước lựa chọn khó: để nguyên cho hệ thống tư pháp vận hành (bảo vệ tư pháp vốn là nguyên lý căn bản của đảng) hoặc chống lại.Cho tới giờ, các ứng viên đang chia thành ba nhóm sau khi tội danh cáo buộc ông Trump được công bố: một là ủng hộ Trump mạnh mẽ và chỉ trích các tội danh là chính trị hóa, như doanh nhân Vivek Ramaswamy; hai là kêu gọi cử tri Mỹ phải coi vụ việc là rất nghiêm trọng, như Chris Christie và Asa Hutchison; nhóm thứ ba thì lưng chừng ở giữa, vừa lên án các cáo buộc, nhưng vừa kêu gọi cử tri từ bỏ ông Trump, như ông Ron DeSantis và bà Nikki Haley.Thách thức của các ứng viên này, theo New York Times, là phải cân bằng giữa lợi dụng cơn thịnh nộ nơi cử tri Cộng hòa ruột của ông Trump mà vẫn tranh thủ được sự ủng hộ từ họ.Từ trái xang, từ trên xuống: DeSantis, Trump, Haley, Pence, Scott và Pompeo. Ảnh: Boston GlobeThế khó của các ứng viênThăm dò hôm 11-6 của CBS News/YouGov cho thấy trong khi 80% người Mỹ ngoài nhóm cử tri Cộng hòa coi việc ông Trump giữ tài liệu mật là mối nguy thì chỉ 38% cử tri Cộng hòa nghĩ vậy. Cũng theo thăm dò này, chỉ 7% cử tri Cộng hòa nói việc truy tố khiến họ có quan điểm tệ hơn về ông Trump, 14% nói họ thay đổi theo hướng ủng hộ ông, và tới 61% nói quan điểm không đổi. Hơn 3/4 cử tri Cộng hòa cũng cho rằng các cáo buộc có yếu tố chính trị.Katon Dawson, cựu chủ tịch Đảng Cộng hòa ở South Carolina, nói "Tôi tiếp tục nghe cử tri hỏi: Bao giờ mới truy tố nhà Biden? 65% cử tri nói họ mệt mỏi bởi các màn kịch này và muốn thấy làn sóng Cộng hòa mới có thể đưa họ ra khỏi hỗn loạn".Đối thủ lớn nhất của ông Trump ở bầu cử sơ bộ 2024, thống đốc DeSantis của Florida, đưa ra thông điệp rằng ông "ắt đã bị đưa ra tòa án binh ngay lập tức" nếu giữ tài liệu mật khi ông còn phục vụ trong hải quân. Ông cũng nhắc tới bà Hillary Clinton trong vụ tài liệu mật nhưng hàm ý thì rõ: "Chỉ nên có một tiêu chuẩn pháp lý ở Mỹ. Điều đó nên áp dụng với mọi người".Cho tới giờ, ông Trump đang chạy đua với 9 ứng viên khác, gồm cựu phó tổng thống của ông Mike Pence, 4 thống đốc và cựu thống đốc: Ron DeSantis (Florida), Doug Burgum (North Dakota), Chris Christie (New Jersey) và Asa Hutchison (Arkansas). Ngoài ra còn có bà Nikki Haley, cựu đại sứ tại Liên Hiệp Quốc và cựu thống đốc bang South Carolina, Thượng nghị sĩ Tim Scott của South Carolina, doanh nhân Vivek Ramaswamy và người dẫn một kênh truyền thông bảo thủ Larry Elder.Dù đã là tương đối đông, cuộc đua lần này vẫn có thể thêm ứng viên. Số ứng viên vòng sơ bộ của phe Cộng hòa năm 2016 là 17. Một số ứng viên Cộng hòa từng rục rịch chạy đua nhưng cuối cùng rút lui có cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, thống đốc bang New Hampshire Chris Sununu, cựu thống đốc Maryland Larry Hogan, thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz và thượng nghị sĩ Arkansas Tom Cotton.Ảnh: Slate.comThống đốc Sununu khi rút lui đã cảnh báo số ứng viên càng đông thì sẽ càng có lợi cho ông Trump. Thực tế cho thấy bên phe Cộng hòa hiện chưa có ứng viên nào có chiến lược đủ để hạ bệ ông Trump. Ông cũng nói sẽ ủng hộ ứng viên cuối cùng được phe Cộng hòa chọn, nhưng cho rằng đảng cần "điều chỉnh" để thoát khỏi Trump. "Ông ta thành ứng viên thì phe Cộng hòa sẽ lại thua tiếp. Giống như các năm 2018, 2020 và 2022. Điều này là không phải tranh cãi và tôi sẽ không để điều đó xảy ra", ông Sununu viết.Theo Financial Times, nhiều nhà tài phiệt lớn của phe Cộng hòa đang kêu gọi các ứng viên khác như thống đốc Glenn Youngkin của Virginia và Brian Kemp của Georgia tranh cử, đặc biệt sau khi ông DeSantis không gây ấn tượng trong giai đoạn đầu. "Sẽ tốt nếu như có người tranh cử mà không cố tỏ ra cực đoan hơn Trump về các vấn đề kinh tế, một ứng viên kiểu Reagan - có thể nói về thị trường tự do và ca ngợi chứ không phải chỉ trích các tập đoàn lớn" - Brian Darling, lãnh đạo tại quỹ bảo thủ Heritage Foundation, nói.Dù vậy, phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng ông Trump vẫn là ứng viên lớn nhất và ai đối đầu với ông đều phải chịu rủi ro không nhỏ: bị tấn công liên tục và có thể mất lòng cử tri tới mức không chỉ thất bại trong cuộc đua này, mà còn kết thúc luôn sự nghiệp chính trị. ■ Một nghịch lý bên phe Cộng hòa là càng nhiều người tranh cử thì cơ hội ông Trump càng lớn. Pat Brady, cựu chủ tịch Đảng Cộng hòa ở bang Illinois, phân tích về cục diện này: "Luôn có 35% cử tri Đảng Cộng hòa ủng hộ Trump tuyệt đối, 45% còn lại chia đều cho các ứng viên khác và 10% luôn chống Trump". Cuộc bầu cử sơ bộ năm 2016 là một ví dụ rõ ràng: có tới 17 ứng viên của Đảng Cộng hòa tham gia và những người này chia phiếu, còn ông Trump có lợi từ nhóm cử tri đặc biệt trung thành của mình (dù không chiếm đa số tuyệt đối). "Ông Biden luôn mong ứng viên là Trump, vì đó là nhân vật duy nhất của Đảng Cộng hòa ông ta tự tin có thể đánh bại" Pat Brady, cựu chủ tịch Đảng Cộng hòa ở bang Illinois (Fox News) Tags: Tổng thống mỹBộ Tư Pháp Mỹ4 năm tùVụ án hình sựĐảng Cộng hòaPhó tổng thốngSự nghiệp chính trịDonald TrumpTổng thống BidenTài liệu mậtCông tố viênCử tri MỹNew York TimesBộ Tư phápThông tin mậtThượng nghị sĩ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tin tức thế giới 23-12: Ông Trump đòi giữ lại TikTok; Nga tiếp tục lấy đất ở Ukraine NGỌC ĐỨC 23/12/2024 Ông Trump đòi "lấy lại" kênh đào Panama vì sợ Trung Quốc tiến chiếm; Thủ tướng Israel cam kết tiếp tục đánh Houthi.
Đạo diễn Việt Tú: Có 3 việc cần làm ngay để vươn đến nền công nghiệp giải trí ĐẬU DUNG 23/12/2024 Chỉ một, hai concert đơn lẻ như Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai thành công thì chưa thể gọi là công nghiệp biểu diễn.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).