Trump 2.0: Cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia đầu tiên

THANH TUẤN 07/04/2025 09:04 GMT+7

TTCT - Việc sử dụng ứng dụng thương mại Signal trao đổi các vấn đề an ninh quốc gia đã đặt dấu hỏi về năng lực của một loạt quan chức an ninh, quốc phòng cấp cao nhất ở Mỹ.

trump - Ảnh 1.

Ảnh: horrydemocrats.org

Khi Jeffrey Goldberg, tổng biên tập tờ The Atlantic, được mời vào nhóm chat với một loạt quan chức cao cấp thảo luận kịch bản tấn công Yemen, ông tưởng đây là trò đùa. Không ai tưởng tượng rằng giới chức Mỹ lại sử dụng ứng dụng chat trên điện thoại (vốn có thể bị hack dễ dàng) để thảo luận các phương án tác chiến, lại còn vô tình mời một nhà báo vào nhóm!

Như một trò đùa

"Tôi nghĩ 100% đây là giả - ông Goldberg ban đầu nghĩ - Việc này không thể xảy ra được, chắc ai đó đang bày trò". Tới 15-3, khi đang ở bãi xe thì ông Goldberg thấy Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth (cựu MC của Fox News) gửi bản tấn công chi tiết phiến quân Houthi ở Yemen vào nhóm. "Chúng ta đã được "duyệt" để tấn công", ông viết. 

Tới lúc này Goldberg mới tin nhóm chat là thật - và đó là sai sót an ninh nghiêm trọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Theo các chuyên gia, đây là dạng thông tin mật thường chỉ khoảng "4-5 người được biết". Vụ bê bối "Signalgate" nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên sau hai tháng cầm quyền của ông Trump vì hai lý do.

Trước hết, nó đặt dấu hỏi về trình độ của một loạt quan chức cấp cao, từ Bộ trưởng Hegseth tới Cố vấn An ninh quốc gia Mike Waltz, người đã "vô tình" thêm Goldberg vào nhóm. Giới quan sát cho rằng các scandal kiểu này là không tránh khỏi nếu quá nhiều quan chức cấp cao của chính quyền quá ít kinh nghiệm. 

"Các dấu hiệu đáng ngại rất rõ… nhiều ứng viên… không đáp ứng được yêu cầu khi không đủ kinh nghiệm cần thiết - theo giáo sư Julian Zelizer của Đại học Princeton - Họ làm những việc thật sự nguy hiểm và ở mức độ nào đó hết sức cẩu thả".

Không chỉ vụ việc bê bối, cách chính quyền Trump phản ứng, từ chối xin lỗi, thậm chí không thừa nhận rủi ro từ vụ việc đã đẩy cuộc khủng hoảng kéo dài. Theo FT, vụ việc cho thấy khác biệt lớn của chính quyền Trump nhiệm kỳ hai so với nhiệm kỳ đầu. 

Trong nhiệm kỳ đầu, ngôi sao truyền thông Trump còn dựa vào kinh nghiệm của các tướng lĩnh như Jim Mattis, John Kelly và HR McMaster - những người được coi là "người lớn" để kềm bớt những ý tưởng kỳ quặc của tổng thống. 

Còn lần này, những rào chắn như vậy không còn và những ý tưởng có vấn đề nhất của ông Trump như biến Gaza thành "khách sạn Riviera của Trung Đông", tiếp quản kênh đào Panama, sáp nhập Canada và Greenland, đều được cả nội các ủng hộ.

Kết quả là nội các hiện toàn nhân sự chủ yếu trung thành với ông Trump hơn là có năng lực thật sự (cùng hình ảnh người đó lên tivi thế nào, một tiêu chí quan trọng với ông Trump).

Nghi ngờ năng lực của Hegseth

Một số đồng minh của ông Trump giờ mới để ý một loạt sai lầm của ông bộ trưởng quốc phòng. Trong khi nhiều người đồng ý Cố vấn An ninh Waltz, người vô tình mời nhà báo Goldberg vào nhóm chat, có thể bị sa thải để chịu trách nhiệm cho vụ bê bối, với nhiều thành viên phe Cộng hòa, giới chức Lầu Năm Góc và thậm chí Nhà Trắng, chính Hegseth mới mắc sai lầm lớn khi gửi thông tin mật qua điện thoại. 

Điều này sẽ ảnh hưởng tới uy tín của ông, người được ông Trump chọn vì từ lâu thể hiện lòng trung thành cùng… khả năng lên hình tốt trên tivi.

Vụ việc phủ bóng lên chuyến thăm đầu tiên của ông tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và nó diễn ra sau một loạt sự cố khác của ông hồi tháng 2 khi phát ngôn về cuộc đàm phán Ukraine cũng như kế hoạch đổ bể đưa hàng nghìn người nhập cư tới vịnh Guantanamo.

Tới giờ thì hàng chục nghị sĩ Dân chủ đang kêu gọi ông Hegseth từ chức. Các nhóm dân sự cũng yêu cầu việc điều tra ông bộ trưởng. Ủy ban Quân lực Thượng viện thì đã cho tiến hành điều tra liên quan vụ việc tin nhắn.

"Việc cố tình để thông tin mật trên các kênh không bảo mật là phạm tội", hạ nghị sĩ Dan Bacon từ Nebraska của phe Cộng hòa, một cựu tướng không quân, viết trên X. Theo People Magazine thì Tổng thống Trump đã bắt đầu thăm dò ý kiến về chuyện nên xử lý như thế nào với Hegseth và Waltz. 

Việc phê chuẩn Hegseth, người hoàn toàn không có kinh nghiệm về quản trị, đã gây tổn thất khá nhiều vốn chính trị của Nhà Trắng và những đồng minh thân cận của ông Trump lo ngại một cuộc chiến dai dẳng nữa để kiếm người thay thế Hegseth. ■

Nguy cơ cho lực lượng tác chiến

Ngoài chuyện bảo mật, nhiều chuyên gia ở Mỹ lo rằng về lâu dài, lãnh đạo Lầu Năm Góc sẽ gây tổn hại cho chính binh sĩ dưới quyền.

"Chúng tôi chủ ý không chia sẻ thông tin với những người không cần biết -, một phi công F/A-18 nói với New York Times - Không chia sẻ thời gian tiếp cận mục tiêu. Không thông tin về loại máy bay sẽ được sử dụng. Những thông tin đó đều có thể gây rủi ro cho lực lượng".

Một số tin nhắn của ông Hegseth được gửi đi hai tiếng trước khi máy bay xuất kích. Có tin trước cả ba tiếng.

Một số chi tiết tác chiến trong nhóm chat lẽ ra phải được giữ bí mật đến mức ngay cả phi công đang đợi lệnh xuất kích cũng không được biết. Trên hàng không mẫu hạm, phi công sẽ phải đốt luôn lệnh mà họ nhận được.

Các quan chức quốc phòng Mỹ nói lực lượng Houthi có hệ thống phòng thủ đủ sức bắn hạ máy bay Mỹ. "Houthi có vài tên lửa đất đối không của Iran có thể đối phó với máy bay chiến đấu, kể cả ở tầm cao", theo Fabian Hinz, chuyên gia phân tích quân sự tại Viện IISS.

Thực tế hôm 19-2, phiến quân Houthi từng bắn tên lửa đất đối không vào máy bay F-16 của Mỹ nhưng trượt, nhưng họ từng bắn hạ được vài drone bay chậm hơn của Mỹ.

Một cựu quan chức quốc phòng có kinh nghiệm chiến đấu thừa nhận tin nhắn của ông Hegseth miêu tả thời gian xuất kích và loại máy bay triển khai là thông tin mật có thể gây nguy hại cho tính mạng của phi công.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận