CEO AT&T Randall Stephenson phát biểu tại một hội thảo tại Washington, Mỹ năm 2017 - Ảnh: REUTERS
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã nghi ngờ Trung Quốc có thể lợi dụng thiết bị của để thực hiện hành vi do thám. Thế nhưng, chính quyền ông Trump vẫn chưa công bố bằng chứng nào để củng cố cho nghi vấn đó. Ngược lại, phía Huawei cũng kịch liệt bác bỏ các cáo buộc này.
Đài CNN ngày 20-3 (giờ Mỹ) dẫn lời ông Stephenson, CEO của Hãng viễn thông AT&T, nhận định rằng ông Trump đã đúng khi tỏ ra cảnh giác đối với nguồn gốc thiết bị viễn thông mà chính quyền sử dụng.
Dù vậy, ông Stephenson cho rằng các quan chức Mỹ chưa làm tốt trong việc giải thích rõ nguy cơ an ninh thật sự từ những thiết bị của Huawei.
Phát biểu tại thủ đô Washington (Mỹ) ngày 20-3, ông Stephenson khẳng định "nguy cơ lớn nhất không nằm ở chỗ chính phủ Trung Quốc có thể nghe lén điện thoại, hay thu thập thông tin của chúng ta nếu chúng ta sử dụng thiết bị của họ. Đó không phải là vấn đề (trọng tâm)".
Thay vào đó, CEO của AT&T lo ngại rằng các thiết bị 5G này cuối cùng sẽ kết nối hàng triệu thiết bị hạ tầng của Mỹ, chẳng hạn như xe không người lái, nhà máy sản xuất, nhà máy lọc dầu và cả hệ thống quản lý giao thông đô thị ở các thành phố.
"Chúng ta phải tự hỏi rằng nếu nhiều phần như thế trong cơ sở hạ tầng của chúng ta có thể kết nối với loại công nghệ mới này, liệu chúng ta có cảnh giác về công ty đứng đằng sau nó hay không? Đương nhiên là chúng ta nên cảnh giác", ông nhấn mạnh.
Ông Stephenson cho rằng Mỹ vẫn chưa thua Trung Quốc trên đường đua 5G - Ảnh: REUTERS
Ngoài vấn đề an ninh, Mỹ hiện được cho cũng rất lo ngại về khả năng cạnh tranh với Trung Quốc trong thế hệ mạng không dây mới 5G. Song ông Stephenson có phần lạc quan hơn khi cho rằng Trung Quốc vẫn chưa hạ gục được Mỹ trên đường đua này.
Ông chỉ ra rằng trong khi mạng 5G của AT&T đã đi vào hoạt động ở hơn 10 thị trường, mạng 5G của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Trung Quốc đầu tư rất mạnh tay vào phát triển công nghệ.
"Trung Quốc rất cam kết với việc này. Họ từng nói đây là một trong những trọng tâm chính ở cả khía cạnh phát triển kinh tế và an ninh", ông Stephenson nói.
Vị CEO này còn cho biết sẽ mất khoảng 2-3 năm để xin giấy phép xây dựng một trạm di động gốc (cell site) ở Mỹ, trong khi quy trình cho việc này tại Trung Quốc nhanh hơn rất nhiều.
CNN cũng nhận định còn một chướng ngại khác cho các doanh nghiệp Mỹ trong cuộc đua 5G. Đó là Hãng viễn thông Huawei của Trung Quốc đang đi đầu trong việc sản xuất các thành phần thiết bị cần thiết cho hệ thống mạng thế hệ mới.
Washington đã nhanh chóng chặn công ty này trong các hợp đồng đấu thầu của chính phủ. Các nhân viên chính quyền liên bang cũng bị cấm sử dụng sản phẩm của Huawei.
Chính quyền Trump cũng gây sức ép với các quốc gia khác nhằm thuyết phục họ ngừng sử dụng công nghệ của Huawei. Nhưng tới nay, nhiều nước vẫn chưa có động thái nào để xúc tiến việc này.
Điển hình, Đức hồi đầu tháng này tuyên bố sẽ không cấm bất cứ doanh nghiệp nào đấu thầu xây dựng mạng 5G của họ.
Ông Stephenson cho rằng châu Âu không có sự lựa chọn nào khác. Lý do là vì họ đang sử dụng thiết bị của Huawei cho hệ thống mạng 4G. Công ty này không cho phép hệ thống mạng 4G được tương tác với hệ thống 5G mới.
AT&T là hãng cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn thứ hai và là hãng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định lớn nhất ở Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận