23/06/2011 07:19 GMT+7

Trui rèn ở "địa ngục trần gian"

(Trích nhật ký của trại sinh Đặng Gia Huy)
(Trích nhật ký của trại sinh Đặng Gia Huy)

TT - 0g30, tiếng tù và dồn dập xé ngang giấc ngủ say nồng. Vốn đã quen với những điều bất ngờ của khóa huấn luyện, nhưng bị dựng đầu dậy giữa thời khắc ngon nhất của giấc ngủ lại là điều quá bất thường với trại sinh “Đến Côn Đảo rèn bản lĩnh”.

vdsdDOzB.jpgPhóng to
Rèn luyện kỹ năng đi rừng - Ảnh: Q.LINH

Các bạn nhỏ bị dựng dậy để hành quân, giữa nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”!

Cuộc hành quân lúc 0 giờ

“Tôi sẽ thay đổi”

“Tôi nhận ra mình phải cố gắng nhiều hơn, dẹp bỏ những tật xấu để có thể trở nên hoàn thiện hơn. Chắc chắn khi về nhà tôi sẽ thay đổi tích cực hơn để làm vui lòng bố mẹ và không phụ lòng mong mỏi của những người đã hướng dẫn, đặt nhiều hi vọng vào tôi”.

Chỉ có vài phút thay đồng phục, té nước lên mặt cho quên cơn ngái ngủ, không ai có thời gian kịp súc miệng. Từng người lần lượt được đưa lên xe, phải dò dẫm đi khi đôi mắt đã bị chiếc khăn che kín. Đến một nơi, các trại sinh níu tay nhau bước đi trong ánh trăng lờ mờ giữa đất trời Côn Đảo. Không tiếng nói, chẳng tiếng cười. Chỉ có tiếng lộp cộp của những bước chân vang lên trong tĩnh mịch của đêm.

Và cuộc hành quân mới chỉ bắt đầu. Men theo lối đi sau lưng trại Phú Tường - nơi một thời được gọi là chuồng cọp - họ đi mà chưa hề biết đích đến nơi đâu. Những bãi cỏ ướt đẫm sương đêm sột soạt dưới chân. Con đường ngoằn ngoèo đi theo chấm đỏ nhỏ xíu của những dấu chân nhang. Chui hàng rào kẽm gai, băng qua đồi cát, lội mương nước quá đầu gối. Đích đến cuối cùng hiện ra trước mắt - nghĩa trang Hàng Dương - nơi yên nghỉ của những tên tuổi đã đi vào lịch sử.

Anh Quang Cường (Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - đơn vị tổ chức trại huấn luyện) - cho biết: “Cuộc hành quân giữa thời khắc như thế, với điểm đến như thế sẽ ít nhiều rèn luyện sự dũng cảm, giúp các bạn chiến thắng nỗi sợ hãi đôi khi do chính mình tự tạo ra”. Hà Giao - một trong tám nữ trại sinh - nói: “Thắp hương trước mộ chị Võ Thị Sáu, tôi càng khâm phục sự anh dũng của các liệt sĩ và nhận ra rằng mình phải yêu đất nước nhiều hơn nữa”.

Khát vọng từ xà lim

Có vô số thử thách đưa trại sinh đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ngày thứ hai, trong những bộ bà ba nâu và đen, mỗi trại sinh bước vào hành trình bằng sự trải nghiệm chưa từng nghĩ đến trong đời - sắm vai tù nhân chính trị trong chính các xà lim giam giữ tù nhân Côn Đảo năm xưa. Trong vòng 30 phút, các bạn được biết thế nào là không gian của trại tù, là chiếc cùm chân, là cảm giác ngột ngạt đến khó thở.

Tại hai phòng biệt giam, sáu trại sinh còn nếm trải cảm giác đặc biệt hơn số đông còn lại. Tình huống đưa ra cho các “nữ tù nhân”: Nếu mỗi tuần chỉ có một gàu nước, bạn làm cách nào để giữ lấy nguồn nước hiếm hoi ấy? Trong ánh sáng le lói của chiếc cửa sổ bé xíu, ba “nữ tù” đúc kết: “Chiếc áo sẽ là phương tiện giữ nước để sử dụng tới giọt cuối cùng”.

Trong khi đó, ba “nam tù nhân” ở phòng biệt giam cách đó không xa cùng giải quyết bài toán cách nào để sinh tồn trong lao tù. Thiện Thư chia sẻ: “Tôi không biết lúc ấy các cô chú nghĩ gì nhưng nếu là tôi, cách tốt nhất chính là đoàn kết lại, chúng tôi sẽ chia sẻ những câu chuyện về gia đình, nhưng tuyệt đối chỉ là những điều vui, không kể chuyện buồn. Đó sẽ là cách giữ cho tinh thần sáng suốt chờ đến ngày thắng lợi cuối cùng”.

Có một nữ trại sinh khá đặc biệt: Thanh Mai, cô bé nhỏ nhất đoàn, đã đi tìm cho ra chuồng cọp mang số 30 trong dãy chuồng cọp Pháp vì đó là nơi bà nội của mình - nữ tù Huỳnh Ngọc Thanh (Mười Thanh) - bị giam năm xưa. Mai nói: “Bà nội cũng kể cho mình nghe nhiều, còn cho coi phim tư liệu nhưng mình chưa cảm nhận được hết những gì xảy ra. Đến đây thì mình hiểu hơn gian khó mà bà nội mình và các đồng đội đã trải qua”.

Từ những xà lim im lìm ấy, có bao nhiêu khát vọng được thổi bùng lên trong suy nghĩ của những trại sinh đều là lứa 9X. Trần Thiện Nghĩa bộc bạch: “Có thể mình chưa hiểu hết gian khó của các cô chú ngày xưa nhưng nhận ra rằng mình sẽ phải cố gắng hơn. So với các cô chú ngày xưa, những khó khăn mình gặp hôm nay chẳng là gì và tự hứa với lòng sẽ không than vãn mà luôn tìm cách giải quyết mỗi khi gặp vướng mắc trong cuộc sống”.

Tôi nhìn lại tôi

Đêm chia tay tại cầu tàu 914 lịch sử, có những giọt nước mắt đã rơi trong tiếng sóng biển nối nhau đều đặn vỗ bờ. Có bạn đã ước giá như chuyến đi không phải là bốn ngày mà là... nửa tháng, để được sống, được chia sẻ với nhau nhiều hơn nữa. Thậm chí có bạn còn muốn, nếu có thể, sẽ sống ít nhất một năm tại mảnh đất thiêng liêng này.

Phút lắng đọng sau những ngày hoạt động liên tiếp cũng đủ để nhiều bạn kịp nhìn lại mình. Một phút nói thật về chính mình, về những cảm nhận sau những trải nghiệm làm nhiều bạn rơi nước mắt. Thiện Thư chia sẻ: “Tôi đã nhận ra một điều rất đơn giản mà trước đây chưa từng nghĩ đến, đó là phải biết quan tâm đến những người xung quanh. Tôi từng nghĩ chỉ cần biết chính mình là đủ, nhưng đến lúc này tôi đã nghĩ lại”.

Lặng lẽ hơn, trại sinh Tuấn Vinh tự đúc kết: “Tôi từng băn khoăn việc đi nghĩa vụ quân sự, nhưng sau kỳ trại này tôi chắc chắn một điều khi Tổ quốc gọi, tôi sẵn sàng hiến dâng sức lực và cuộc đời dù nhỏ nhoi của mình. Kết thúc kỳ trại, kết thúc những suy nghĩ ích kỷ cho bản thân”.

Nói như lời gợi mở của anh Hà Trung Thành (Trường Cán bộ TP.HCM): “Dù các bạn làm gì, ở bất cứ đâu thì hãy nhớ mãi những giây phút này, khi chúng ta bên nhau, được cùng chia sẻ với nhau mọi điều. Nhưng quan trọng nhất, mỗi bạn hãy luôn ghi nhớ hai chữ Việt Nam trong tim, để thấy yêu và có trách nhiệm hơn với đất nước thân yêu của mình”.

Những bài học phong phú

ft7imZNQ.jpgPhóng to

Trại sinh với những giây phút trải nghiệm trong vai “tù nhân chính trị” tại nhà tù Côn Đảo năm xưa - Ảnh: Q.LINH

Trong bốn ngày, các trại sinh trải qua rất nhiều bài huấn luyện. Từ leo núi rèn thể lực đến vượt rừng để khám phá khả năng làm việc nhóm, xây dựng tinh thần đồng đội. Các bạn cũng đã có những giây phút trải nghiệm trong các trại giam với vai tù nhân hay du thám nhiều địa điểm hấp dẫn nổi tiếng của Côn Đảo. Ngoài ra, không chỉ tự lo mọi sinh hoạt hằng ngày như rửa chén, giặt đồ, sắp xếp chỗ ngủ, kỷ luật quân đội, các trại sinh còn được rèn luyện kỹ năng đi rừng, đánh cá, dò sóng điện thoại và nhiều chuyên đề chia sẻ kỹ năng nhận diện bản thân, sức mạnh của niềm tin...

Trại “Đến Côn Đảo - rèn bản lĩnh” do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức. Đây là một trại kỹ năng sống nằm trong chuỗi huấn luyện Học kỳ trong quân đội do nơi đây tổ chức suốt mùa hè này.

(Trích nhật ký của trại sinh Đặng Gia Huy)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên