Xe cẩu kéo xe từ dưới sông đưa qua sà lan chờ sẵn - Ảnh: NGỌC TÀI
Lần trục vớt này thực hiện cẩn thận và bài bản. Do xe cẩu "té sông" lần hai cách xa đường dây điện trung thế nên xe cẩu không cần phải cẩu xe lên cao, lừa lên khỏi mặt nước lập tức được đưa lên sà lan đang chờ sẵn.
Toàn bộ thời gian trục vớt chỉ kéo dài khoảng 10 phút, thu hút rất đông người hiếu kỳ đến xem.
Trục vớt xe tải sau 3 ngày nằm sông sau vụ sập cầu Tân Nghĩa - Video: NGỌC TÀI
Hôm qua ngày 2-6, đội thi công đã trục vớt nhịp giữa cầu bằng cách cắt ra thành nhiều đoạn, cẩu lên từ từ. Ông Trần Trí Quang - giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp - túc trực chỉ đạo tại hiện trường, cho biết ngay trong buổi chiều sẽ thông báo thông luồng giao thông thủy kênh Nguyễn Văn Tiếp.
Riêng việc lắp nhịp giữa mới cho cầu đã tiến hành song song với quá trình trục vớt. Dự kiến chậm nhất đến 7-6, cầu Tân Nghĩa sẽ khắc phục xong, thông xe cho người dân đi lại.
Rất đông người dân tập trung xem trục vớt xe tải - Ảnh: NGỌC TÀI
Xung quanh dư luận cho rằng khi cầu khắc phục xong sẽ tiếp tục thu phí cầu Tân Nghĩa, ông Quang khẳng định không có việc này. UBND tỉnh đã mua lại trạm thu phí từ phía nhà đầu tư, chắc chắn sẽ không thu phí trở lại.
Riêng những chi phí phát sinh trong quá trình sửa chữa, trục vớt, tổ chức đưa rước người dân miễn phí, ông Quang cho biết trước mắt ngân sách địa phương sẽ tạm ứng. Sau khi có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra sẽ tiến hành các bước yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với bên làm sập cầu.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, trưa 31-5, cầu Tân Nghĩa thuộc xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp bị sập nhịp giữa. Cây cầu này được đầu tư theo hình thức BOT với tổng kinh phí 5 tỉ đồng và vừa chấm dứt thu phí vào tháng 2-2019, sau 11 năm thu phí.
Ngày 1-6, trong quá trình trục vớt xe tải, cần cẩu đã gãy đôi, xe tải lao ùm xuống sông làm nhiều người chứng kiến một phen hoảng sợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận