01/12/2019 11:00 GMT+7

Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Ba tuần đầu tháng 11, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt ở Nam Sudan để trực tiếp chứng kiến các bác sĩ, chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam tích cực thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan - Ảnh 1.

Dìu nữ bệnh nhân đầu tiên tập đi sau phẫu thuật trong nhà lều - Ảnh: THÔNG PHÁN

Đoàn Việt Nam thay bệnh viện dã chiến cấp 2 của Anh đến từ nước phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam đã khẳng định được uy tín một cách ấn tượng. Các bạn làm việc tận tụy với động lực mạnh mẽ, đối xử tốt với bệnh nhân, trình độ chuyên môn cao.

Ông Iqbal Mohd (trưởng y tế phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan)

Đó là những chuyện chưa kể về việc cứu người thầm lặng mà cao cả, những sẻ chia nhẹ nhàng mà thấm sâu lòng người xuyên biên giới...

Trải qua bốn chặng bay dài kể từ TP.HCM với tâm trạng đầy háo hức, cuối cùng tôi đã có mặt ở thủ đô Juba, Nam Sudan.

Chuyến bay mong đợi

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân xuống sân bay xa xôi này là rất nhiều máy bay của các cơ quan Liên Hiệp Quốc (LHQ) như Cao ủy tị nạn, Chương trình lương thực thế giới... Một chốt gác đơn sơ kiểm tra nhiệt độ và chứng nhận đã tiêm văcxin sốt vàng của người nhập cảnh. Các hành lý đều được kiểm tra bằng tay và mắt mà không thiết bị soi chiếu. 

Giữa thủ đô Nam Sudan, tôi vẫn có thể cảm nhận được hậu quả chiến sự đầy khó khăn của đất nước này. Nhưng tôi cũng được an lòng khi nghe bạn bè quốc tế dành nhiều lời ngợi khen chân tình cho lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam đang gìn giữ hòa bình ở đây.

Ngày hôm sau, tôi lại tiếp tục ngồi chuyến bay trực thăng Mi-8 để đến Bentiu, thủ phủ bang Unity, Nam Sudan. Cảm giác háo hức và xúc động đợi máy bay hạ cánh để tôi được siết chặt tay đồng hương đang giúp giảm bớt tai ương, khổ đau cho người dân nước bạn.

Cuối cùng, giây phút trông đợi nhất cũng đến. Những ánh mắt ấm áp, những lời hỏi han thân tình bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi được chu đáo bố trí ăn, ở gần gũi cùng các anh chị bác sĩ để có thể chứng kiến và cảm nhận thật rõ ràng mọi chuyện. Trên đầu chúng tôi, lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc lúc nào cũng lộng gió tung bay.

Chính thức nhận nhiệm vụ ngày 27-10-2018 tại Bentiu, Nam Sudan, bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam thay thế bệnh viện của Anh. Là đơn vị tham gia gìn giữ hòa bình đầu tiên của Việt Nam ở nước ngoài, bệnh viện dã chiến cấp 2 hoạt động theo tiêu chuẩn của LHQ. 63 người là quân số tối đa cho tất cả các bộ phận gồm khoa khám bệnh, ngoại chuyên khoa, nội truyền nhiễm, dược trang bị, ban hậu cần bảo đảm và đội cấp cứu đường không...

Đến ngày 27-10-2019, tức trước hôm tôi có mặt vài ngày, các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã khám và điều trị cho gần 2.000 lượt bệnh nhân, trong đó có 59 ca phẫu thuật nội trú (gồm 19 ca trung đại phẫu và 40 ca tiểu phẫu). Bệnh tật rất phức tạp với đủ thứ từ đau răng, tiêu hóa, cơ, khớp, chấn thương, sốt rét và tim mạch...

Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan - Ảnh 3.

Y bác sĩ Việt Nam nẹp bột cho công binh Ấn Độ bị chấn thương tay tại bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam ở Bentiu, Nam Sudan - Ảnh: HỒNG VÂN

Những ca mổ đặc biệt

Các bác sĩ tâm sự lúc mới qua không kịp quen với cái nắng châu Phi, mọi người đã lao vào khiêng vác hàng tấn đồ đạc, rồi lại lắp ráp thiết bị y tế, bàn ghế, tủ... mang từ Việt Nam sang. Đặc biệt, hai tháng đầu ở Bentiu, họ phải khám chữa bệnh và phẫu thuật trong lều được dựng bằng những vòm sắt, lều này nối với lều khác như tổ ong nóng bức.

Đại úy, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo kể: "Khi bước vào lều phẫu thuật, thấy chỉ có bạt trải sàn đất, tôi đã thốt lên làm sao mổ ở đây được khi điều kiện vô khuẩn không đảm bảo?". Nhưng rồi ngay đêm đầu tiên sau khi nhận bàn giao, các bác sĩ Việt đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân cấp cứu viêm ruột thừa. Điều lo lắng lớn nhất lúc đó của bác sĩ Lại Bá Thành và kíp mổ là công tác vô trùng.

Bệnh viện huy động tất cả sang phòng phẫu thuật, dùng đủ mọi phương tiện để lau sát khuẩn sàn, bàn mổ, dụng cụ. Chưa yên tâm, họ còn dùng thêm máy phun sương tiệt trùng, đèn cực tím với hi vọng tạo ra môi trường vô khuẩn tốt nhất có thể. Một êkip khác thì gấp rút tìm kiếm các dụng cụ phẫu thuật cần thiết đang còn trong các thùng thiết bị vừa mang sang. Bệnh nhân nhập viện lúc 18h, đến 23h kíp mổ bắt đầu. Vừa phẫu thuật, họ vừa vượt qua áp lực tâm lý khi phải mổ với dụng cụ, bàn mổ, êkíp... không quen.

Bác sĩ Thảo nhớ lại: "Tôi là một trong các phụ mổ đêm đó. Ở Việt Nam tôi mổ đêm, ca mổ 3-5 tiếng là bình thường. Đêm đó do thời gian chờ mổ và cuộc mổ dài, gần sáng tôi định ngồi xuống nghỉ một tí nhưng ngất luôn. Nhưng nghĩ lại, tôi cho rằng mình ngất là do quá buồn ngủ chứ không có điều gì đáng nói. 

Bình thường một ca mổ viêm ruột thừa như vậy là dài. Nhưng trong điều kiện đặc biệt của ngày làm việc đầu tiên ở bệnh viện dã chiến, đó là ca mổ thành công. Chúng tôi cũng theo dõi rất kỹ bệnh nhân nhiều tháng sau đó".

Chia sẻ với tôi, thiếu tá, bác sĩ Hồ Ngọc Phát nói thêm: "Sau khi sang Nam Sudan, mọi người nhận ra là y bác sĩ ngày nay được đào tạo và thực hành trong môi trường y học hiện đại, có nhiều thuốc tốt trong tay, nhân sự đầy đủ. Trong khi đó ở môi trường dã chiến, mọi thứ đều thiếu thốn. Chúng tôi khám bệnh nhưng như bị trói tay chân vì không đủ thuốc, thiết bị. Cần sự thích nghi và vượt khó rất cao để làm việc".

Phòng chống "cô nàng Malaria"

Nam Sudan có hai mùa với mùa nắng thì rất nắng, nóng, nhiệt độ bên ngoài có thể đến 45 độ C, còn mùa mưa thì mưa to, mưa liên tục, dông lốc, ngập lụt... Cũng trong mùa mưa, tình trạng sốt rét tăng rõ rệt, trong đó sốt rét ác tính làm bệnh nhân có thể bị suy thận, tổn thương nặng.

Các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã điều trị 35 ca, trong đó có 8 cán bộ của bệnh viện cũng bị sốt rét. Mỗi tuần hai lần, trung úy, y sĩ vệ sinh dự phòng Cao Tiến Huỳnh phải mang bình đi phun thuốc khắp khuôn viên khu nhà ở và bệnh viện. Việc đọc sách, nghỉ ngơi dù là ban ngày cũng phải ở trong màn.

"Tôi có chuyện này vui lắm kể cho cô phóng viên nghe", một y sĩ của bệnh viện tâm sự với tôi. "Em ơi, bên này có cô Malaria, cô lỡ cắn anh một lần mà anh nhớ cô ấy suốt đời. Vợ nghe xong không nói gì, nhưng từ đấy về sau tôi gọi điện là cô tránh mặt, toàn đưa điện thoại cho con. Đến khi tôi thú thật là em ơi, Malaria là sốt rét đấy, anh bị muỗi cắn bị sốt rét rồi, cô ấy mới hết giận và hỏi han, lo lắng. Sốt rét xong, người xuống sức hẳn".

Tách từ Sudan, Cộng hòa Nam Sudan lập quốc năm 2011 và xảy ra xung đột giữa quân chính phủ với phe đối lập cùng một số lực lượng khác. Để bảo vệ người dân và hỗ trợ triển khai hiệp ước giảm leo thang xung đột, Hội đồng bảo an LHQ đã thông qua việc triển khai phái bộ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan năm 2014. Tính đến tháng 9-2019, tổng nguồn nhân lực của phái bộ có mặt ở Nam Sudan hơn 19.300 người gồm quân nhân, cảnh sát, chuyên gia, dịch vụ dân sự, tình nguyện viên. Trong đó có đội bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam sang từ năm 2018...


---

Kỳ tới: Đội cấp cứu đường không

Đoàn bác sĩ bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam đã đến Nam Sudan Đoàn bác sĩ bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam đã đến Nam Sudan

TTO - 11h trưa 20-11, giờ Nam Sudan, máy bay C17 chở đoàn cán bộ đầu tiên của bệnh viện dã chiến 2.2 của Việt Nam đã đáp xuống sân bay quốc tế Juba, thủ đô Juba, Nam Sudan.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên