Tuy nhiên, xử lý những người liên quan về tội danh gì là vấn đề đang được các cơ quan tố tụng xem xét.
Thu lợi hàng trăm triệu đồng/tháng
Theo tìm hiểu, đầu năm 2015, Lê Thị Cẩm Vân đứng ra tổ chức in và “xe chở hàng” cho các chủ xe, tài xế để bảo kê xe quá tải trên địa bàn TP.HCM với giá 2,5 - 3 triệu đồng/logo/tháng.
Nếu ai mua thêm logo “ông mặt trời” giá 500.000 đồng/tháng, Vân sẽ “bao” xe quá tải chạy trên một số tuyến đường ở Đồng Nai, Bình Dương.
Trong khi đó, nhóm của Trần Văn Thới bán logo “Garage Thành Đô” từ đầu năm 2014 cho các chủ xe, tài xế với giá 2-2,5 triệu đồng/tháng. Nếu có kiểm tra, người mua logo sẽ liên lạc với Thới để nhờ can thiệp xin không lập biên bản vi phạm.
Tính đến thời điểm bị phát hiện, có khoảng 239 chủ xe, tài xế thừa nhận mua logo của Vân, Thới. Trước khi bị bắt, Thới đã bán logo và đang quản lý 1.500 xe, trung bình mỗi tháng thu lợi hàng trăm triệu đồng.
Có sự tiếp tay của lực lượng chức năng
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an, để đảm bảo việc bán logo “xe vua”, Vân, Thới đã chung chi cho một số cán bộ của các đơn vị CSGT trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Quá trình làm việc, hầu hết các cán bộ liên quan đều không thừa nhận đã nhận tiền để “bao” xe quá tải.
Nguồn tin cho biết riêng ông Nguyễn Cảnh Chân, cán bộ đội CSGT số 1 thuộc Phòng CSGT Đồng Nai, thừa nhận từ tháng 7-2014 đến tháng 8-2015 có nhận tiền của bị can Thới hai lần (thông qua chuyển khoản) để bảo kê xe quá tải mua logo của Thới.
Số tiền này ông Chân chỉ giữ lại khoảng 300 triệu đồng để tiêu xài, còn lại ông khai đưa cho hai người khác nhưng hai người này không thừa nhận. Sau đó ông Chân đã tự nguyện nộp 100 triệu đồng cho cơ quan điều tra.
Mỗi lần phát hiện xe gắn logo “Garage Thành Đô” vi phạm trên tuyến đường do đội CSGT số 1 quản lý, Thới sẽ điện thoại cho ông Chân báo biển số xe vi phạm. Ông Chân sẽ “nối mạng” với tổ công tác hoặc cán bộ trực tiếp kiểm tra để bỏ qua lỗi vi phạm, không lập biên bản.
Tội gì?
Ngày 4-9-2015, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Vân, Thới và sáu bị can khác về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng còn “lấn cấn” về tội danh trên.
Theo cơ quan điều tra, hành vi và ý thức chủ quan các bị can khai nhận chưa thể hiện rõ hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền. Vì các bị can khi bán logo đều thỏa thuận trước với các chủ xe, tài xế sẽ bảo kê việc chở hàng quá tải.
Thực tế hằng ngày Vân, Thới và đồng phạm nhắn tin cho các chủ xe, tài xế để “né” các tuyến đường có kiểm tra xe quá tải. Nếu bị kiểm tra thì Vân, Thới sẽ xin cho qua. Nếu bị xử phạt quá tải thì Vân, Thới sẽ đóng phạt giùm...
Từ lập luận này, các cơ quan tố tụng gồm: Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an), Viện KSND tối cao và TAND tối cao đã họp thống nhất tội danh và định hướng điều tra.
Theo đó, các cơ quan tố tụng cho rằng hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Vân, Thới và đồng phạm chưa đủ căn cứ thuyết phục nên thống nhất đổi tội danh, điều tra về hành vi “đưa hối lộ” theo điều 289 Bộ luật hình sự (BLHS).
Theo thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn - Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, hành vi của Vân, Thới và đồng bọn bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa thỏa đáng.
Nếu làm rõ mối quan hệ giữa các bị can với nhau và mối quan hệ giữa Nguyễn Cảnh Chân với các CSGT khác thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhóm tội tham nhũng.
Cụ thể, Vân, Thới và đồng bọn có thể bị khởi tố về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (điều 366 BLHS) hoặc tội đưa hối lộ.
Còn theo tiến sĩ Phan Anh Tuấn - trưởng bộ môn luật hình sự ĐH Luật TP.HCM, để xử lý Vân, Thới và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra phải chứng minh được nhóm này có dấu hiệu lừa dối các lái xe (nói rằng đã “bảo kê” nhưng thực tế không làm gì).
Đối với Nguyễn Cảnh Chân, thạc sĩ Sơn cho biết có thể khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (điều 281 BLHS), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (điều 283 BLHS) và tội nhận hối lộ (điều 279 BLHS).
Các dấu hiệu định tội như “vì vụ lợi” (nhận hàng trăm triệu đồng), làm trái công vụ, gây thiệt hại lợi ích nhà nước... đều có thể chứng minh được.
Khởi tố nguyên CSGT Công an Đồng Nai Thay đổi tội danh các bị can Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Cảnh Chân, nguyên cán bộ đội CSGT số 1 thuộc Phòng CSGT Đồng Nai, về hành vi “nhận hối lộ”. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo C45 cho biết trong quá trình điều tra, phát hiện ông Nguyễn Cảnh Chân có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên lãnh đạo Bộ Công an vừa chỉ đạo các đơn vị liên quan làm thủ tục tước danh hiệu CAND để tiến hành các biện pháp tố tụng. Tuy nhiên, sau đó ông Chân đã chủ động xin chuyển khỏi ngành công an. Về hành vi của ông Chân trong vụ án, lãnh đạo C45 cho biết việc ông Chân nhận tiền của các đối tượng là có. Đối với các cá nhân liên quan, cơ quan điều tra tiếp tục thu thập tài liệu, trường hợp nào đủ căn cứ xử lý hình sự thì khởi tố điều tra. Cơ quan điều tra cũng đã thay đổi tội danh đối với các bị can trong nhóm mua bán logo “xe vua” do Lê Thị Cẩm Vân và Trần Văn Thới cầm đầu từ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (đã khởi tố trước đó) chuyển sang tội “đưa hối lộ”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận