24/04/2020 09:17 GMT+7

Trục lợi từ dịch bệnh: tham lam và vô cảm

MINH LUẬN
MINH LUẬN

TTO - Còn bao nhiêu cán bộ như PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm? Còn bao nhiêu cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát bệnh tật cho người dân đã mua thiết bị y tế phòng dịch với giá 'trên trời'?


Trục lợi từ dịch bệnh: tham lam và vô cảm - Ảnh 1.

Người bệnh dùng máy thở trong phòng điều trị - Ảnh: METICULOUSBLOG

Trong khi cả hệ thống chính trị tất bật chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc"; trong khi nhiều người dân sẵn sàng "nhường cơm sẻ áo" với người nghèo bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19 và trong khi nhiều cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, bác sĩ… hi sinh quyền lợi bản thân, lao lên tuyến đầu chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho người dân thì buồn thay vẫn có kẻ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) - có thể được xem là điển hình của "trục lợi từ dịch bệnh", khi cùng 6 thuộc cấp và đồng phạm nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng chống dịch COVID-19.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, giá trị của thiết bị y tế phòng dịch bị ông Cảm và đồng phạm nâng khống từ 2,3 tỉ lên 7 tỉ đồng, nghĩa là gấp 3 lần giá nhập. Hành vi của ông Cảm khiến dư luận xã hội không khỏi bức xúc và đòi hỏi phải có những biện pháp xử lý cứng rắn.

CDC Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động chuyên môn về công tác y tế dự phòng trên địa bàn Hà Nội.

CDC Hà Nội có trách nhiệm và hoạt động với mục đích làm giảm tỉ lệ mắc, tử vong do các dịch bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm với toàn bộ người dân, giảm thiểu tác hại kinh tế, sức khỏe, thời gian do dịch bệnh gây ra, thông qua các hoạt động dự phòng tích cực.

Cá nhân ông Cảm biết rất rõ nhiệm vụ của mình và CDC Hà Nội là tuyến đầu trong phòng chống COVID-19 với các nhiệm vụ sàng lọc, kiểm soát, xét nghiệm, đưa ra cảnh báo và công bố những người nhiễm bệnh.

Trách nhiệm lớn lao như thế, vinh quang như thế, vậy mà vì lòng tham ông Cảm đã vô cảm trước sức khỏe và tính mạng của nhân dân để trục lợi, vun vén cho cá nhân mình.

Tất nhiên, ông Cảm không phải là một ngoại lệ của chuyện trục lợi mùa dịch. Bởi theo tiết lộ của thiếu tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng Bộ Công an, thời gian qua, cơ quan công an đã phát hiện 15 vụ sản xuất thiết bị y tế là hàng giả, hàng kém chất lượng, 98 cơ sở kinh doanh tăng giá bán thiết bị y tế, 50 trường hợp đầu cơ, găm hàng và hơn 100 vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép không hóa đơn, chứng từ các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi là hành vi không thể chấp nhận được, pháp luật luôn dành cho những kẻ trục lợi, chiếm đoạt tài sản những hình phạt thích đáng cho tội danh này. Nhưng trục lợi trong điều kiện dịch bệnh thì càng phải xem như một tình tiết tăng nặng và cần xử lý thật nghiêm để làm gương.

Còn bao nhiêu cán bộ như PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm? Còn bao nhiêu cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát bệnh tật cho người dân đã mua thiết bị y tế phòng dịch với giá "trên trời"? Và còn bao nhiêu kẻ lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ găm hàng, nâng giá, sản xuất và mua bán thiết bị, thuốc men giả?

Rất cần cơ quan chức năng vào cuộc rốt ráo, quyết liệt để những kẻ bán rẻ lương tâm, mờ mắt vì đồng tiền phải chịu sự trừng phạt của pháp luật và để công cuộc "chống dịch như chống giặc" đang thành công với nhiều tín hiệu tích cực không bị ảnh hưởng vì những "con sâu" như ông Cảm.

Bắt ông Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Bắt ông Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội

TTO - Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) - bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm xung quanh quá trình mua sắm máy xét nghiệm COVID-19.

MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên