![Đường một chiều hay song hành: - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/base64-1739436786958726582261-17394989146521018695986.jpeg)
Đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) thuộc top đường kẹt xe nhiều ở TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN
Để giảm kẹt xe tại khu vực mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa (TP.HCM) nên làm đường Cộng Hòa một chiều hướng An Sương vào trung tâm, đường Phan Thúc Duyện nối dài một chiều từ trung tâm ra An Sương.
Trước đề xuất này của bạn đọc Tuổi Trẻ Online, mới đây Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã thông tin việc thành phố sẽ giữ nguyên hiện trạng đi lại hai chiều và bổ sung một số giải pháp tại các giao lộ để giảm kẹt xe trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình).
Chuyên gia giao thông, tiến sĩ Phạm Sanh nói gì về vấn đề này?
Làm đường một chiều hay song hành?
Mô hình tổ chức đường một chiều được xem là giải pháp tổ chức quản lý điều hành giao thông tức thời trên một đoạn đường hay một khu phố nhằm điều chỉnh tạm thời dòng xe, cả quy định đậu đỗ xe.
Từ đó có ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt, sinh kế người dân hai bên cả tuyến đường và khu vực.
Mô hình xem ra có phản ứng nhanh, làm nhanh, hiệu quả trên một số tuyến đường mật độ cao trong một thời gian cao điểm cụ thể.
Việc này thường được bố trí trên những cặp đôi một chiều trong một mạng lưới đường dạng lưới ô bàn cờ tương đối hoàn chỉnh ở khu vực trung tâm.
Đường một chiều làm xe chạy nhanh hơn nhưng chạy dài nhiều vòng hơn. Với các thành phố mới hay thành phố cực lớn, việc tìm ra các cặp đôi hoàn chỉnh tương đối khó, vậy chỉ còn là tương đối lược bỏ đi một số tiêu chí.
Ví dụ ở TP.HCM, có thể hoàn chỉnh khu vực quận 1, 3, 5, nhưng chỉ tạm xem nghiên cứu hoàn chỉnh ở Lê Quang Định - Phan Văn Trị mà thôi.
TP.HCM đã có hướng nghiên cứu tổ chức thêm các cặp đường một chiều từ lâu nhưng xem ra rất khó.
Mô hình đường song hành được xem là anh em sinh đôi của đường một chiều, xét về ý nghĩa tổ chức quản lý vận hành hệ thống giao thông hiện hữu. Nhưng khái niệm đường song hành mang tính quy hoạch chiến lược định hướng phát triển mạng lưới giao thông lâu dài của đô thị.
Mọi không gian chức năng thành phố đều được dựa trên hình thái và bộ khung nền mạng lưới giao thông. Giao thông phải luôn tiếp cận dễ dàng, an toàn thông suốt và đáp ứng theo nhu cầu sinh động, da dạng của phát triển đô thị và cuộc sống thành thị.
Để đáp ứng yêu cầu đi lại thông suốt và tiếp cận dễ dàng của một mạng lưới, tính an toàn và tính hệ thống bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là tính tổ chức theo tầng bậc.
Bất cứ mạng lưới đường đô thị nào trên thế giới cũng đều tổ chức rõ ràng theo hướng từ trên xuống từ ba đến bốn cấp hay nhiều hơn nữa.
Ba cấp: trục chính, nối kết và khu vực. Bốn cấp: trục chính toàn thành phố, trục chính khu vực, đường khu vực, đường chức năng đặc biệt như hẻm, khu công nghiệp, nút giao thông lớn, song hành…
Sau phân cấp rõ mới là đánh giá mức độ từng đoạn từng tuyến phục vụ dựa theo chỉ số LOS (Level of Srevice) theo sáu cấp độ A, B, C, D, E, F. Từ đây đánh giá lại việc quản lý khai thác điều hành, thậm chí là tình trạng ùn ứ, kẹt xe.
Lựa chọn nào cho đường Cộng Hòa?
Trở lại một ví dụ cụ thể nóng hổi cho vấn nạn kẹt xe kéo dài trục đường Cộng Hòa - Trường Chinh. Trục đường này là trục chính toàn thành phố, luôn trong top 10 các trục đường có mật độ xe đi lại đông đúc.
Trục đường từ lâu chịu áp lực nối kết giao thông mặt đất sân bay Tân Sơn Nhất và bây giờ thêm trục Phạm Văn Đồng.
Đường Phan Thúc Duyện đã có từ lâu, nhưng chỉ so sánh chức năng ngang tầm Cộng Hòa chỉ khi nói trục Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn, tức là sau khi mở rộng hoàn chỉnh trục đường này từ Phan Thúc Duyện ra mũi tàu Trường Chinh.
Chú ý chức năng chính trục đường này là lối ra cho nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sắp đưa vào khai thác tháng 5-2025.
Chức năng hỗ trợ giải tỏa áp lực lên đường Cộng Hòa xem ra khá nhẹ, thậm chí còn làm tăng thêm áp lực. Vì thực chất vẫn là một đoạn trục đường vành đai sân bay Tân Sơn Nhất mà thôi.
Như vậy, việc nghiên cứu đánh giá xem xét vai trò trục Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn với trục Cộng Hòa - Trường Chinh có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cặp đường song sinh một chiều, là hai trục song hành hay chỉ là các trục đường có chức năng riêng và hỗ trợ lẫn nhau.
Đường Cộng Hòa chủ yếu là đường trục chính đô thị, Trần Quốc Hoàn phục vụ chính cho sân bay và nối kết thành phố.
Thật ra, các thành phố lớn phát triển lâu đời ở Mỹ và châu Âu cũng như các thành phố lớn mới phát triển ở Trung Quốc đều đang gặp các bài toán kết nối giao thông giống Việt Nam, đặc biệt giữa đô thị và sân bay.
Tất cả đang tiếp tục nghiên cứu phát triển, cả vấn đề đường một chiều, đường song hành vẫn còn đang tranh luận...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận