22/04/2018 11:58 GMT+7

Trụ sở UBND TP.HCM và số phận dinh Thượng Thơ: ý kiến trái chiều

KHÁNH YÊN
KHÁNH YÊN

TTO - Những ngày qua thị dân Sài Gòn không quên dành sự quan tâm quanh phương án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP, cũng như số phận của tòa nhà dinh Thượng Thơ.

Video về ý tưởng thiết kế tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM

Từ ngày 16-4 đến 1-5, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM trưng bày phương án thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500 và kiến trúc công trình xây dựng, mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP tại Trung tâm Trưng bày triển lãm TP. 

Phương án thiết kế của tòa nhà trụ sở nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và các nhà chuyên môn.

Không giữ lại tòa nhà ơ

Trong sổ góp ý cho phương án thiết kế đặt ngay tại phòng triển lãm ở Nhà triển lãm TP.HCM, ông Nguyễn Đức Anh (quận 9, TP.HCM) cho rằng công trình được thiết kế quá đẹp nhưng lại đặt không đúng chỗ.

Ông Anh đánh giá cao các ý tưởng được đưa vào công trình thiết kế như vườn hoa, cây cối ở lõi, vườn cây ở tầng hầm thứ 2 thông lên lấy ánh sáng trời, liên kết các phòng ban với nhau, đường nội bộ giảm ùn tắc giao thông cho khu vực xung quanh, biến trụ sở cũ thành bảo tàng...

Trụ sở UBND TP.HCM và số phận dinh Thượng Thơ: ý kiến trái chiều - Ảnh 2.

Theo ý tưởng thiết kế của công ty Gensler (Mỹ) nhìn từ xa, khối nhà phía sau của trụ sở UBND TP như một quả đồi bề mặt phủ cây xanh. Mặt trước trụ sở nhìn ra sông Sài Gòn, trong phong thủy gọi là vị trí tiền án, hậu chẩm, minh đường. Ngôi nhà nhìn mặt ra sông, tựa lưng vào núi.

Tôi (và có thể nhiều người Sài Gòn khác) tiếc những kỷ niệm xưa dần biến mất, không chỉ là những công trình mà cả những con đường, lề đường lát đá với hàng cổ thụ rợp bóng, những kỷ niệm vô giá mà không biết bao giờ người Sài Gòn có thể tìm thấy lại!

KTS DƯƠNG NGỌC DŨNG

Tuy nhiên, ông Anh lại "phản đối dự án này" vì nó đã phá bỏ tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng (người Sài Gòn vẫn quen gọi là dinh Thượng Thơ, nay là trụ sở của Sở Thông tin - truyền thông và Sở Công thương - PV).

"Đây là công trình hơn 120 năm tuổi, có giá trị kiến trúc cao cần được bảo tồn... Tôi đề nghị xem xét bảo tồn và giữ lại công trình trên để TP vẫn còn cái hồn cốt của cha ông ta ngày xưa. Hơn nữa, bản thân tôi thấy công trình này quá to lớn, đồ sộ, kiến trúc quá hiện đại, không phù hợp với kiến trúc xung quanh" - ông Anh góp ý.

Một người dân khác không ghi tên cho rằng thiết kế mặt ngoài của trụ sở sử dụng nhiều lam ngang, nhỏ trông giống thiết kế bệnh viện hơn là công trình hành chính.

Mặt ngoài của công trình sử dụng nhiều kính, không thân thiện với môi trường, hành lang đi bộ cần rộng hơn, khối mới cao hơn khối cũ của công trình, nhìn từ đường Nguyễn Huệ sẽ không thấy đường chân trời.

Nhiều khách tham quan công trình góp ý cần làm cho công trình thân thiện hơn bằng cách kết nối công trình với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Cụ thể mở đường xuyên qua tòa nhà trụ sở cũ để kết nối mảng xanh của công trình mới và đường Nguyễn Huệ.

Điều này làm cho không gian cây xanh của công trình không bị cô lập và khối trụ sở không trở thành "trụ sở chết" khi hết thời gian làm việc. Việc kết hợp trụ sở công quyền và nơi tham quan ngoài giờ cũng là xu thế của những khu trung tâm hành chính hiện đại trên thế giới.

Trụ sở UBND TP.HCM và số phận dinh Thượng Thơ: ý kiến trái chiều - Ảnh 4.

Dỡ bỏ hay bảo tồn Dinh Thượng thơ thành Gia Định được xây những năm 1860 (nay là trụ sở Sở TT-TT và Sở Công thương TP.HCM) - Ảnh: X.HƯNG

Năm 2015, Sở Quy hoạch kiến trúc tổ chức cuộc thi thi tuyển phương án thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình trong khu trung tâm hành chính TP.HCM. Kết quả là phương án quy hoạch, thiết kế của Công ty Nikken Sekkei Ltd đoạt giải nhì (không có giải nhất).

Hai phương án của các đơn vị Công ty TNHH CPG Việt Nam và Công ty DCM Studios Hong Kong đoạt giải ba. Liên danh Viện Kiến trúc quốc gia và Jaspers - Eyes Architecture, Boydens Engineering (Bỉ) đoạt giải khuyến khích. Tuy nhiên, dự án xây dựng trung tâm hành chính TP đã bị ngưng lại do chính sách của Nhà nước.

Theo cách nói của Sở Quy hoạch kiến trúc, phương án lần này chỉ là thiết kế cho công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP chứ không phải trung tâm hành chính.

Trụ sở UBND TP.HCM và số phận dinh Thượng Thơ: ý kiến trái chiều - Ảnh 5.

Khối nhà mới có 6 tầng nổi, 4 tầng hầm, vừa đủ chỗ làm việc các cơ quan như HĐND, UBND TP và 8 sở ngành. Tuy nhiên, công trình không cao hơn quy hoạch của khu vực.

Công trình mang ý nghĩa quan trọng?

Ông Nguyễn Thanh Toàn, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, cho biết phương án thiết kế tòa nhà trụ sở của HĐND, UBND TP.HCM đang trưng bày là một trong ba phương án thiết kế được Hội đồng tuyển chọn của TP chọn trong cuộc tuyển chọn vào tháng 10-2017.

Đây là công trình mang ý nghĩa quan trọng đối với TP. Một phần của trụ sở UBND TP đã được công nhận di tích, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của TP. Vì vậy, phần công trình mới phải bảo đảm tính trang nghiêm, xứng đáng với tầm vóc, vị trí của TP.

Về việc giữ lại tòa nhà dinh Thượng Thơ, ông Toàn cho biết tòa nhà này không thuộc công trình bảo tồn. Khi tuyển chọn phương án thiết kế, hội đồng thống nhất không chọn phương án bảo tồn tòa nhà này.

Trái ngược với nhiều ý kiến kêu gọi cần bảo tồn tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng như một trong những di sản hiếm hoi còn lại của Sài Gòn, một thành viên Hội đồng tuyển chọn cho rằng tòa nhà này hiện cũng đã xuống cấp, không thể di chuyển mà còn giữ được nguyên vẹn.

Vị này cho hay phương án đưa trung tâm hành chính TP sang Thủ Thiêm cũng đã được bàn bạc từ nhiều năm trước nhưng không có nhiều ý kiến tán thành. Nguyên nhân là chưa đo lường được hiệu ứng kích thích phát triển khu đô thị mới của trung tâm hành chính.

khuong-van-muoi

KTS Khương Văn Mười - Ảnh: TỰ TRUNG

* KTS KHƯƠNG VĂN MƯỜI (phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam):

Cần có đề án bảo tồn công trình kiến trúc Pháp

Công trình dinh Thượng Thơ mang dáng dấp của kiến trúc Pháp. Từ trước tới nay cũng có nhiều ý kiến nên giữ gìn công trình này. Tuy nhiên theo tôi, giữa bảo tồn và phát triển cũng cần phải cân nhắc kỹ. Nếu bảo tồn mà không dành chỗ cho phát triển hoặc phát triển lấn nhiều sang bảo tồn đều không hợp lý.

TP.HCM hiện còn khá nhiều công trình giữ được nét đặc trưng kiến trúc Pháp của nhiều trường phái, nhiều thời kỳ, trong đó có trụ sở UBND - HĐND TP hiện nay. Do vậy, TP.HCM cần có đề án về việc bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp còn lại để làm rõ ràng nên và không nên giữ lại những công trình nào.

Công trình dinh Thượng Thơ là loại kiến trúc đơn giản, mặt ngoài không có các họa tiết trang trí chi tiết. Do vậy ý tưởng tháo dỡ các công trình này để phát triển là hợp lý.

Tuy nhiên, về mặt kiến trúc khi thay thế vào đó một công trình hiện đại, cần tính toán giữ lại được hình bóng của những công trình này sẽ là tốt nhất. Có thể làm lại mô hình hoặc chụp hình công trình làm phòng lưu niệm.

nguyen-ngọc-dung

KTS Nguyễn Ngọc Dũng - Ảnh: DUYÊN PHAN

* KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG:

Sài Gòn xưa dần thu nhỏ lại

Hiện nay, phương thiết kế kiến trúc công trình xây dựng và mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP tính toán xây chen công trình hiện đại trong một công trình có tuổi thọ trăm năm và mang tính chất biểu tượng của TP đó là điều đáng tiếc.

Lâu nay mình quen cách xây chen như chung cư xây chen trong các ô phố, nhà cao tầng xây chen bên cạnh những công trình cổ... trong khi di sản kiến trúc bao gồm một quần thể có nhiều con đường, công trình quần tụ trong một khu vực. Nếu bảo tồn phải bảo tồn cả cảnh quan chứ không chỉ bảo tồn tuyến và điểm; còn không sẽ phá vỡ cảnh quan đó.

Việc TP cho phép nhà cao tầng, những dự án đồ sộ xây dựng chen trong lõi trung tâm có từ thời định cư, lập ấp, xây thành 300 năm trước đang phá vỡ dần cảnh quan Sài Gòn xưa. Và bây giờ viên ngọc quý trụ sở UBND TP tồn tại hàng trăm năm, tuyệt đẹp, uy nghi đang có nguy cơ bị xây chen với ngọn núi nhôm kính phía sau...

Kết hợp với phố đi bộ Nguyễn Huệ, công trình này có thể trở thành điểm tham quan du lịch có giá trị cho người dân và du khách, để du khách tìm hiểu văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam thông qua những cuộc triển lãm. Theo tôi, cần bảo tồn trung tâm cũ, di dời trụ sở HĐND và UBND TP ra khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Nếu di dời trụ sở HĐND và UBND TP ra đây sẽ tạo động lực thu hút, thúc đẩy sự phát triển của khu đô thị này, đồng thời giúp giảm áp lực kẹt xe trong nội ô TP.

Tại sao không phải là một phố Đông hiện đại, ngăn nắp với trụ sở làm việc của UBND thân thiện, khiêm tốn và một phố Tây cổ kính hoài niệm cùng phát triển, bổ sung cho nhau?

Sài Gòn xưa đang dần thu nhỏ lại và biến thành hình ảnh trong các nhà hàng "phố cổ", "phố xưa" và nếu cần chiêm nghiệm một thời đã qua, có lẽ chẳng bao lâu nữa người Sài Gòn chỉ có thể vào đó xem lại những hình ảnh còn lưu lại và ngậm ngùi cho một "hồn đô thị"...

TIẾN LONG ghi

Trụ sở UBND TP.HCM mới có thế minh đường, hậu chẩm

TTO - Ý tưởng xây dựng trụ sở HĐND, UBND TP.HCM được công ty Gensler, Mỹ, thiết kế. Toàn bộ ý tưởng về trụ sở mới này đang được trưng bày ở Trung tâm Triển lãm Thành phố số 92 Lê Thánh Tôn, Q.1 lấy ý kiến của người dân đến hết tháng 4-2018.

KHÁNH YÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên