04/10/2024 17:43 GMT+7

Trụ điện nằm trên đỉnh núi Van Cà Vãi xây dựng trái phép

Trụ điện 110kV nằm trên đỉnh núi Van Cà Vãi đang sạt lở được xây dựng trái phép. Vì 'dính' trụ điện này mà dự án chống sạt lở khẩn cấp tiêu tốn 14 tỉ đồng không thể hạ độ cao đỉnh, giảm mái cơ, bớt rủi ro.

Trụ điện nằm trên đỉnh núi Van Cà Vãi đang sạt lở xây dựng trái phép - Ảnh 1.

Trụ điện trên đỉnh Van Cà Vãi hiện rất gần mái cơ hạ độ cao chống sạt lở - Ảnh: TRẦN MAI

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi (chủ đầu tư dự án khắc phục sạt lở núi Van Cà Vãi) cho biết nếu trụ điện di dời, phương án thi công dự án chống sạt lở núi Van Cà Vãi dễ dàng hạ thấp độ cao đỉnh núi.

Trụ điện trên đỉnh núi sạt lở xây trái phép

Một nguồn tin cho biết trụ điện trên đỉnh núi Van Cà Vãi được xây dựng năm 2016, nhằm truyền tải điện từ thủy điện Sơn Trà 1A, Sơn Trà 1B và Sơn Trà 1C đấu nối vào trạm biến áp 220kV Sơn Hà (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà).

Chủ của trụ điện trên đỉnh Van Cà Vãi là Công ty cổ phần 30/4 Quảng Ngãi (năm 2022 đổi tên thành Công ty cổ phần thủy điện Đạt Phương Sơn Trà). Đơn vị này cũng là chủ đầu tư dự án thủy điện nói trên.

Năm 2015, nhà máy thủy điện Sơn Trà 1A và 1B được xây dựng (mỗi nhà máy 30MW). Năm 2016 "chủ thủy điện" có văn bản về hướng tuyến đường dây 110kV kéo dòng điện từ nhà máy đến trạm biến áp 220kV Sơn Hà để hòa vào điện lưới quốc gia.

Hướng tuyến này được cơ quan chức năng chấp thuận nhưng các thủ tục pháp lý về đất đai (chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất…) để xây dựng thực tế chưa được cấp phép.

Song song với hoàn thiện thủ tục đất đai, chủ đầu tư dự án thủy điện đã xây dựng 64 trụ điện 110kV, kéo dài 25km qua huyện Sơn Hà và Sơn Tây.

Năm 2018 đường dây đi vào hoạt động, truyền tải điện từ nhà máy thủy điện Sơn Trà 1A và 1B hòa vào lưới điện quốc gia.

Trong năm 2018, thủy điện Sơn Trà 1C (công suất 9MW) được xây dựng, đến năm 2021 thì hòa điện lưới quốc gia theo đường dây nói trên.

Với tổng công suất 69MW, cụm nhà máy thủy điện Sơn Trà là công trình thủy điện lớn thứ 2 tại Quảng Ngãi.

Dù truyền tải để bán điện trong nhiều năm, nhưng đến nay những thủ tục pháp lý về đất đai để thi công các trụ điện, trong đó có trụ điện trên đỉnh Van Cà Vãi vẫn chưa được cấp phép.

Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về trụ điện trên đỉnh Van Cà Vãi đã được giao đất, cho thuê đất hay chưa, đại diện Công ty cổ phần thủy điện Đạt Phương Sơn Trà không trả lời trực tiếp câu hỏi mà nói rằng "thủ tục thì lâu lắm, vướng này không phải riêng đơn vị mà nhiều thủy điện khác cũng gặp phải".

Trụ điện nằm trên đỉnh núi Van Cà Vãi đang sạt lở xây dựng trái phép - Ảnh 2.

Công ty cổ phần thủy điện Đạt Phương Sơn Trà xác nhận trụ điện trên đỉnh Van Cà Vãi là của đơn vị - Ảnh: TRẦN MAI

Trụ điện nằm trên đỉnh núi Van Cà Vãi đang sạt lở xây dựng trái phép - Ảnh 3.

Nhà máy thủy điện Sơn Trà 1A - Ảnh: TRẦN MAI

Nếu di dời, việc chống sạt lở núi Van Cà Vãi thuận hơn nhiều

Nhà thầu đang khẩn trương thi công công trình khẩn cấp chống sạt lở núi Van Cà Vãi. Phương án bạt nửa núi Van Cà Vãi, tạo 9 mái cơ từ đỉnh xuống chân núi để hạ thấp độ cao được chủ đầu tư thực hiện.

Lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển huyện Sơn Hà nói: "Nếu di dời trụ điện chúng tôi sẽ thay đổi phương án thi công, hạ thấp độ cao đỉnh núi xuống thì sẽ an toàn hơn rất nhiều. Nhưng vướng trụ điện nên không thể làm được".

Trong rất nhiều cuộc họp giữa UBND huyện Sơn Hà, Sở Công Thương và lãnh đạo Công ty cổ phần thủy điện Đạt Phương, cơ quan chức năng nhiều lần đề nghị di dời trụ điện nhưng đơn vị chưa di dời.

Nói về vấn đề này, "chủ trụ điện" cũng thông tin đã nhiều lần họp với chính quyền và huyện Sơn Hà từng yêu cầu di dời trụ điện trên đỉnh Van Cà Vãi, nhưng đơn vị không thể chuyển đến vị trí khác. Bởi dịch chuyển qua trái hai phải đều "dính" quy hoạch thị trấn Di Lăng.

"Năm 2016 chúng tôi xây dựng trụ điện trên đỉnh Van Cà Vãi đâu có sạt lở, đất cứng lắm, sau này đào dưới chân núi mới sạt. Huyện chống sạt lở như giờ là tốt rồi, cả trăm năm cũng chẳng sao. Trụ điện cũng được đường dây neo kỹ, rất an toàn", chủ trụ điện nói.

Trái ngược, UBND huyện Sơn Hà cho biết Van Cà Vãi là điểm sạt lở từ năm 2013, qua thời gian sạt nặng hơn. Vì thế nên mới đầu tư 14 tỉ đồng bạt núi chống sạt lở. Vướng trụ điện trên đỉnh núi đã ảnh hướng rất nhiều đến phương án thi công.

"Tháng 6-2024, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai thị sát điểm sạt lở núi Van Cà Vãi cũng yêu cầu xử lý khẩn trương, khắc phục sạt lở và tính phương án đối với trụ điện trên đỉnh núi. Nói núi Van Cà Vãi ổn định là không đúng", lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà nói.

Phóng viên Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục cập nhật vì sao chưa hoàn tất thủ tục pháp lý về đất đai mà trụ điện lại mọc lên, và giờ khi sạt lở xảy ra, yêu cầu "chủ trụ điện" di dời lại khó khăn đến vậy.

Trụ điện nằm trên đỉnh núi Van Cà Vãi đang sạt lở xây dựng trái phép - Ảnh 5.

Vì vướng trụ điện này nên phương án thi công chống sạt lở núi Van Cà Vãi không thể hạ thấp độ cao đỉnh núi - Ảnh: TRẦN MAI

Trụ điện nằm trên đỉnh núi Van Cà Vãi đang sạt lở xây dựng trái phép - Ảnh 6.Chi 14 tỉ đồng bạt núi chống sạt lở cho 5 hộ dân: Sao không di dời?

Một nửa ngọn núi Van Cà Vãi được bạt trơ đất để chống sạt lở. Chủ đầu tư nói gì khi chi 14 tỉ đồng chống sạt lở cho 5 hộ dân?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên