Trong thế giới “phẳng từng mặt”

ĐỨC HOÀNG 26/09/2016 16:09 GMT+7

TTCT - Phong trào “phản toàn cầu hóa” trỗi dậy từ mấy tháng qua: Từ Hungary cho đến nước Mỹ, các chính trị gia dùng “nhân công nội, hàng nội” làm vũ khí tranh cử. Từ Vương quốc Anh đến bang Texas, người ta nói về việc rời khỏi những thể chế chung. Các đảng cực hữu lên như diều. Chuyện gì đang diễn ra?

Minh họa
Minh họa


Danh tính quốc gia

Nếu bạn làm một cuộc khảo sát nhỏ với những người xung quanh với câu hỏi: “Kể một sản phẩm văn hóa đặc trưng của người Đức?”, thì những câu trả lời chiếm tỉ lệ cao chắc chắn sẽ bao gồm “bia”, “xe hơi” và “xúc xích”.

Bây giờ hãy tự đặt ra cho mình một câu hỏi, rằng bạn có thể tưởng tượng được một ngày có những người Đức bị cấm ăn xúc xích trên chính nước Đức hay không? Câu trả lời của bạn không quan trọng, vì chuyện đó đang diễn ra rồi.

Trong vòng hơn một năm qua, nhiều trường học tại Đức đã quyết định sẽ không phục vụ các món có thịt heo trong căngtin nhà trường. Tức là không có thịt hun khói, thịt muối và xúc xích.

Lý do: các học sinh đạo Hồi không được ăn thịt gia súc trừ khi nó là thực phẩm “halal” (được phép sử dụng theo quy định của đạo Hồi) - gia súc được giết bởi một người đạo Hồi theo cách riêng của họ. Phụ huynh của các em này cho rằng việc nhìn thấy các bạn ăn thịt heo ở trường sẽ khiến chúng thèm ăn. Trước sức ép của họ, một số trường bỏ thịt heo ra khỏi thực đơn.

Không cần nói cũng biết rằng phụ huynh của các em không theo đạo Hồi phẫn nộ ra sao. Và cả các chính trị gia cánh hữu. Xúc xích, gắn liền với văn hóa uống bia và lễ hội quốc gia Oktoberfest, là quốc hồn quốc túy của nước Đức.

Họ tin rằng đây là một luồng quan điểm hủy hoại các giá trị gốc rễ của nước Đức. Và quan trọng nhất, nó lại được tạo ra bởi những người nhập cư.

Đó là một xung đột văn hóa tiêu biểu trong đời sống chính trị của châu Âu bây giờ. Kể ra để thấy rằng ngay cả ở quốc gia có nền kinh tế ổn định nhất, có chính sách cởi mở với dân nhập cư nhất, cũng có những khúc mắc không thể giải quyết.

Ngay cả các thành viên Đảng trung hữu CDU của bà Angela Merkel - người ủng hộ việc chào đón dân nhập cư từ Syria - cũng lên tiếng bất bình vì những “miếng thịt heo tràn ly” này.

Cách đây ba tháng tại Thụy Sĩ, một gia đình đang tị nạn người Syria đã bị hoãn hồ sơ xem xét nhập tịch sau 15 năm sống ở quốc gia này. Lý do: hai con trai của gia đình này, 14 và 15 tuổi, tức là sinh ra và lớn lên tại Thụy Sĩ, đã từ chối bắt tay một nữ giáo viên tại trường. Hai cậu còn thông báo với nhà trường rằng việc tiếp xúc cơ thể với phụ nữ ngoài gia đình là vi phạm luật lệ của đạo Hồi.

Phản ứng của dư luận Thụy Sĩ, như đã thấy, chuyển thành hành động của chính quyền nước này.

Chúng tôi không chấp nhận điều này, ngay cả nhân danh tự do tôn giáo - Bộ trưởng Tư pháp Simonetta Sommaruga tuyên bố đanh thép - Bắt tay là một phần văn hóa của chúng tôi”. Và trước nguy cơ không chốn dung thân, cậu con trai 14 tuổi đau khổ trước ống kính máy quay: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi không biết quốc gia nào ngoài Thụy Sĩ”.

Chàng thiếu niên đó, người đã sinh ra tại một quốc gia phát triển bậc nhất thế giới, có nền văn minh 7.000 năm tuổi, lại từ chối bắt tay giáo viên, có phải người Thụy Sĩ hay không?

Câu trả lời rất khó - nó tạo ra một cuộc luận chiến về văn hóa, cũng như sự khó xử cho chính cộng đồng Hồi giáo tại nước này, vốn chiếm hơn 4% dân số. Một số người tuyên bố: “Không ai có thể ép chúng tôi chạm vào tay người khác”.

Còn Montassar Benmrad, chủ tịch Hiệp hội các tổ chức Hồi giáo Thụy Sĩ, lại nghĩ ngược lại: “Việc một học sinh Hồi giáo thể hiện sự tôn trọng với người đã dạy dỗ mình là điều rất quan trọng”.

Và cách đây hai tháng, đã có trường học đầu tiên tại Thụy Sĩ ngừng phục vụ thịt heo trong nhà trường. Cuộc chiến văn hóa vẫn tiếp diễn.

Những câu hỏi về xung đột văn hóa trước dòng người nhập cư, đặc biệt là người nhập cư Hồi giáo, đang chia rẽ các quốc gia phương Tây.

Và sự khó khăn trong tìm điểm dung hòa, đang trở thành cơ hội cho các đảng cực hữu, những người truyền bá chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại châu lục này. Không phải là kinh tế, mà văn hóa đang là thuốc thử cho châu Âu. Từ những quốc gia có điểm tín dụng AAA như Hà Lan, cho đến một nước cận kề phá sản như Hi Lạp, các đảng cực hữu đang trỗi dậy.

Chúng tôi chỉ phục vụ đồ ăn sản xuất tại Hi Lạp cho công dân Hi Lạp” - người phát ngôn Đảng Bình Minh Vàng nói với đám đông chờ phát chẩn trước cửa tòa nhà nghị viện.

Họ kiểm tra kỹ danh tính của từng người đến nhận đồ ăn, trước khi cho họ hoa quả, rau và mì. Bình Minh Vàng là một trong số những đảng cựu hữu mới nổi ở châu Âu. Đảng này, dù mới lập, đã có 18 ghế trong nghị viện sau cuộc bầu cử năm 2012.

Tại Hà Lan, Đảng PVV, thành lập năm 2005, đến năm 2010 đã là đảng có quyền lực chính trị lớn thứ ba tại nước này, nhờ việc chống lại dòng người nhập cư Hồi giáo. Thủ lĩnh đảng này, Geert Wilders, gọi Hồi giáo là một “tôn giáo lạc hậu” và đòi cấm kinh Koran.

Các đảng cực hữu ngày nay không giống với thời Hitler khởi nghiệp. Họ tiếp nhận các giá trị văn minh mới kiểu châu Âu, như là PVV vẫn đấu tranh cho quyền phụ nữ và quyền của người đồng tính. Họ không thừa nhận mình là “phát xít mới”. Nhưng tinh thần dân tộc cực đoan và bài xích người nhập cư vẫn là thông điệp chính trị chủ đạo.

Sau Brexit là gì?

Brexit không phải là phong trào ly khai lớn đầu tiên xuất hiện trong thế kỷ 21. Nó chỉ là phong trào “thành công” nhất khi mà những lá phiếu được bỏ vào ngày 23-6 gần như sẽ đưa Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

Trước Brexit, thì Texas đã đòi rời khỏi nước Mỹ để lập quốc gia riêng, xứ Catalunya đã trưng cầu ý dân để rời khỏi Tây Ban Nha và Scotland đã trưng cầu ý dân để ra khỏi Vương quốc Anh (một cuộc bỏ phiếu tương tự có thể sẽ được tiến hành trong tương lai khi Scotland muốn ở lại EU).

Và nếu tháng 11 này, người làm lễ nhậm chức tổng thống ở Nhà Trắng tên là Donald J. Trump, thì người ta sẽ chứng kiến một đỉnh cao mới của chủ nghĩa cực hữu: đó là người mà cương lĩnh tranh cử gắn liền với việc chỉ trích mọi thế lực bên ngoài ông ta cho rằng đang đe dọa “nước Mỹ vĩ đại”, từ Trung Quốc, người Mexico cho đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Một trong những lý do quan trọng khiến người Anh bị thuyết phục bởi Brexit chính là việc bỏ quyền tự do đi lại. Tức là giúp họ kiểm soát dòng người nhập cư.

Đây cũng chính là điểm khó dung hòa nhất giữa Anh và EU, khi Chủ tich Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: “Không có cơ hội tiếp cận thị trường chung cho Anh nếu không có tự do đi lại”. Còn các lãnh đạo cực hữu của Anh, như Liam Fox thì nói: “Giá đó tôi sẵn sàng trả”.

Sau sự kiện 11-9 và quyết định can thiệp vào Trung Đông và Bắc Phi của NATO, một làn sóng tị nạn hàng triệu người từ các quốc gia nơi này chảy tới châu Âu và Mỹ. Không khí văn hóa bị xáo trộn đột ngột, cộng thêm chủ nghĩa khủng bố lên ngôi khiến cho khái niệm “Hồi giáo” trở thành ngòi nổ xung đột văn hóa tại khắp nơi.

Những quả cầu cách biệt

Nhưng đó chỉ là lý do quan trọng nhất. Những chia rẽ trong chính thế giới văn minh, sau nhiều thập kỷ toàn cầu hóa, đã ngấm ngầm hình thành. Từ lâu, các xã hội phương Tây đã hình thành một mô hình mà học giả Yudal Levin mô tả là “sự tập trung chia rẽ”.

Người dân có xu hướng tập trung lại vào các “quả cầu” khác nhau. Ví dụ, khoảng cách giàu nghèo tăng lên tại Mỹ khiến cho người giàu tập trung lại một quả cầu, người nghèo tập trung lại một quả cầu và khoảng cách giữa các quả cầu này đang tăng lên.

Trong tôn giáo, trong chính trị, trong văn hóa, các nhóm người trong xã hội từ tập trung cộng đồng đã chuyển sang tập trung vào các khía cạnh khác nhau.

Theo Levin, thì Internet - thứ được coi là tạo ra thế giới phẳng, khuyến khích toàn cầu hóa - không kích thích tiến trình hòa nhập của các cộng đồng, mà thay vào đó, khuyến khích chủ nghĩa cá nhân. Điều này gia tăng cơ hội cho sự “tập trung chia rẽ”.

Quan điểm của Yudal Levin về việc Internet thật ra khuyến khích chủ nghĩa cá nhân và “sự tập trung chia rẽ” rất đáng lưu tâm. Việc Internet củng cố chủ nghĩa cá nhân là điều đã được khoa học thừa nhận, nhưng từ trước tới nay, các nghiên cứu thường tập trung phản biện việc chủ nghĩa cá nhân kiểu Internet có thách thức tính gắn kết của xã hội hay không.

Câu trả lời là không: Internet vẫn gắn kết mọi người. Pew Research, một cơ quan nghiên cứu uy tín của Mỹ, từng viết một báo cáo dài trong đó phản biện “nỗi sợ cho rằng công nghệ số đang giết đời sống xã hội”. Trong đó, họ tuyên bố Internet vẫn đang khuyến khích mọi người “gắn kết nhau như tổ tiên họ đã làm”.

Nhưng giờ thì thế giới đang nhận ra rằng phản biện như vậy có vẻ hơi đơn giản. Không phải sự gắn kết nào cũng giống sự gắn kết nào.

Thế giới đang được gắn kết theo thứ mà các nhà khoa học gọi là “chủ nghĩa cá nhân được nối mạng” (networked individualism). Điều này đồng nghĩa với một khả năng: người ta dễ tìm thấy các cá nhân có cùng điểm chung để nối mạng hơn là chia sẻ sự khác biệt. Cực hữu tìm thấy cực hữu, ghét EU tìm thấy ghét EU, bài Hồi giáo bắt tay bài Hồi giáo.

Nếu điều này là thật thì cùng với việc chủ nghĩa tư bản hoang dã đang hình thành ở khắp nơi trên thế giới, khoảng cách giàu nghèo tăng lên, chiến tranh và xung đột văn hóa lên cao trào, thì người ta sẽ còn chứng kiến tinh thần kiểu Brexit tiếp diễn trong một thời gian dài nữa.■

Không phải cứ thủ cựu, ghét người nhập cư và muốn bám vào các giá trị cũ thì mới muốn ly khai. Nhiều người dân tại Texas, thiên đường của người nhập cư, thiên đường của năng lượng sạch, nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới, cũng muốn tuyên bố độc lập.

Cùng với việc tôn thờ các giá trị văn hóa đặc thù, họ không muốn gánh vác một nước Mỹ đang suy thoái. Tương tự là Catalunya, một vùng giàu có của Tây Ban Nha - không muốn “chung chiếu” với một chính quyền Madrid nợ đầm đìa. Chủ nghĩa cực hữu có nhiều hình dạng. Nhưng đặc tính chung là khi nhiều nhóm người nhận ra rằng họ không muốn, hoặc không thể chia sẻ các giá trị với phần còn lại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận