Hoa Trần với vai diễn Thanh Sói trong phim điện ảnh Hai Phượng - Ảnh: NVCC
Căng thẳng sau vai Thanh Sói
Nữ cascadeur mở đầu cuộc trò chuyện: "Ở thời điểm này, tôi có thể chia sẻ với bạn. Nhưng nếu thời điểm phim mới ra rạp, chắc tôi né vì quá sợ và căng thẳng".
Hoa Trần kể lúc bộ phim Hai Phượng ra rạp, có thời điểm cô cùng lúc nhận được vài chục cuộc gọi hẹn phỏng vấn. Suốt một thời gian, trung bình mỗi ngày cô trả lời không dưới 5 cơ quan truyền thông.
Gần 20 năm theo nghề, Hoa Trần nói cô cũng như mọi cascadeur khác luôn hoạt động âm thầm, chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng, báo giới.
"Tôi vì thế chưa từng trải qua kinh nghiệm nói chuyện với truyền thông, nên thời điểm đó tôi cảm thấy vô cùng áp lực. Đến nỗi đã có lúc tôi cảm thấy sợ và stress, vì có vai diễn Thanh Sói mà kể đi kể lại hoài cũng cảm thấy mệt mỏi", Hoa Trần nhớ lại.
Trong công việc cũng vậy, trước giờ cô như nhiều học trò khác của người thầy cascadeur, đạo diễn Quốc Thịnh, "khi thầy chỉ đâu thì mình đánh đó". Nhưng sau vai Thanh Sói, cô bắt đầu thấy áp lực vì phải làm quen với việc đưa ra quyết định độc lập khi được các đạo diễn phim "book" đích danh vào các dự án riêng.
"Nhưng dù mình đi bất cứ đâu, vào vai diễn nào thì tôi cũng đều báo thầy Thịnh", Hoa Trần nói.
Thực ra, trước khi tham gia Hai Phượng, Hoa Trần đã xuất hiện qua nhiều vai nhỏ trên truyền hình lẫn phim điện ảnh, tất cả đều là vai nữ giang hồ "hầm hố". Nhưng các vai diễn trước đó đều lướt qua màn ảnh, cho đến vai Thanh Sói trong Hai Phượng, Hoa Trần mới thực sự tạo dấu ấn không thể phai trong lòng công chúng. Cũng chính điều này vô tình tạo áp lực lớn cho Hoa Trần.
"Thời gian đầu sau thành công vai Thanh Sói, tôi cảm thấy cực kỳ áp lực cho việc chọn vai diễn mới. Nhưng tới thời điểm này, tôi suy nghĩ thoáng hơn và đã ra khỏi được áp lực ấy. Tôi đặt áp lực đó cho đạo diễn, nhà sản xuất. Vì rõ ràng, Thanh Sói đã đóng đinh tên tuổi tôi rồi.
Vậy nên khi mời tôi tham gia dự án mới, họ cũng tính toán, xây dựng nhân vật sao cho mới mẻ hơn, khác hơn", cô chia sẻ suy nghĩ khiến mình cảm thấy nhẹ nhõm hơn trong công việc.
Hoa Trần trong một cảnh quay hành động - Ảnh: NVCC
Gian nan với đời, khổ cực với nghề
Có một điểm chung của nhiều nữ cascadeur, đó là họ không tự mình chọn nghề mà đều là nghề chọn mình.
Hoa Trần cũng vậy, khi còn là cô gái 21 tuổi, cô đến với sàn tập chỉ vì sự tò mò, nghe lời rủ rê của bạn. Để rồi sau đó, khi thấy mọi người tập, khi được các anh chị dẫn ra phim trường, được tiếp cận những diễn viên ngoài đời thực, cô gái tuổi đôi mươi khi ấy mới nhận ra mình mê cái nghề này.
Hoa Trần nhớ lại những ngày đầu gian nan mới bước vào nghề: "Lúc đó tới sân tập tại CLB Hồ Xuân Hương, thấy mọi người tập, tôi rất thích thú. Nhưng thật sự mà nói, giai đoạn đầu tập rất khó khăn, vì tập đủ thứ võ thuật, không theo một môn phái nào. Vừa có nhào lộn, đánh đấm, vừa phải sử dụng kiếm, đao.
Khó nhất là những màn đá xoay và nhào lộn. Tôi tự nhủ hãy cho mình một cơ hội, cứ tập thử một tháng xem thế nào. Nếu vượt qua được mình sẽ tập tiếp".
Một tháng, hai tháng, ba tháng... dần trôi qua. Dù có khi đau đớn, muốn bỏ cuộc, nhưng lòng tự ái của một vận động viên karatedo từng đoạt HCB toàn quốc khiến Hoa Trần quyết tâm trụ lại.
"Tôi nghĩ người ta làm được mà mình chịu thua sao?", Hoa Trần tự nhủ và cố gắng luyện tập. Và phải hơn sáu tháng ròng rã luyện tập, cô mới nhận được vai diễn thế thân rất nhỏ trong bộ phim truyền hình với một cảnh hành động cực kỳ đơn giản.
"Với nữ cascadeur, cơ hội không nhiều vì có nhiều hạn chế. Nhất là lúc mới vào nghề, còn non kinh nghiệm, chúng tôi chỉ được chủ nhiệm giao đúp (thế thân) những pha rất đơn giản, ít nguy hiểm. Vì rõ ràng với những pha phức tạp, nguy hiểm như tông xe, cháy nổ, nhảy lầu... thì nam cascadeur vẫn là lựa chọn đầu tiên.
Mà cứng nghề rồi cũng vậy, nếu muốn nhận cảnh quay mạo hiểm, nữ cascadeur phải thể hiện được sự quyết tâm thực sự. Nếu còn có bất cứ sự do dự nào thì lựa chọn an toàn sẽ là một nam cascadeur", Hoa Trần chia sẻ.
Không chỉ đi lên từng nấc thang đầy thử thách với nghề, trong đời sống, Hoa Trần cũng là người chị cả chịu nhiều thiệt thòi nhất nhà. Khi mới học đến lớp 6, gia đình gặp khó khăn, cô phải nghỉ học ở nhà phụ mẹ ra chợ bán cá tại một chợ nhỏ ở Q.4 (TP.HCM).
Cho đến năm 2009, các em cô đứa đã tốt nghiệp đi làm, đứa đang học năm cuối, đứa mới vào đại học thì Hoa Trần dù đã bước qua tuổi 27 mới có cơ hội quay trở lại với việc học văn hóa.
Cô tâm sự: "Lúc đi học lại lớp 6, tôi đã 27 tuổi, cũng tự ti lắm. Tôi đã tự đấu tranh tư tưởng trong suốt hai năm rồi quyết định đi học trở lại. Mục đích không phải có bằng cấp mà để có kiến thức".
Hoa Trần kể thêm về những nỗi niềm sâu kín khiến cô quyết tâm trở lại với con đường học vấn: "Trước đấy, những lúc nói chuyện với bạn bè, đôi khi mọi người nói chuyện về vấn đề gì đó, trong khi ai cũng hiểu, chỉ có mình mình không hiểu. Những lúc đó tôi cảm thấy mình thua người ta rất nhiều.
Hoặc khi khác, vì mình không có trình độ, mình dễ bị cho là ngông, vì điều mình muốn nói thì lại nói một cách cộc lốc do suy nghĩ nông cạn và do không biết cách diễn đạt".
Nhưng đúng thời điểm cô quay trở lại trường bổ túc thì mẹ mất. Cha cô cũng đã mất trước đó 2 năm. Việc bán cá ngoài chợ kể từ đó chỉ một mình Hoa Trần đảm đương.
Từ ngày ấy tới nay đã tròn 10 năm, Hoa Trần duy trì cuộc sống với buổi sáng bán cá ngoài chợ, chiều và tối đi tập võ và học văn hóa.
Kết thúc 6 năm phổ thông ở trường bổ túc, cô học tiếp lên ở Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM. Hiện nữ cascadeur nổi tiếng vẫn đang là sinh viên năm cuối của trường.
"Càng học, tôi càng nhận ra kiến thức là thứ duy nhất giúp mình tự tin hơn trong giao tiếp xã hội", nữ diễn viên khẳng định. Cô cũng khoe mình vừa đăng ký học thêm tiếng Anh tại Trung tâm ngoại ngữ của Bộ Ngoại giao được 3 tháng...
Ngay lần đầu vào nghề, cô gái đóng thế đã ngồi phóng xe máy để xe tải tông nát bét. Thầy nói: "Rồi, theo nghề được rồi". Thế là từ ấy, cô tiếp tục "thế mạng" trong nhiều pha cực kỳ hiểm nguy.
Từ khi thành danh sau phim Hai Phượng với vai Thanh Sói, điều ngạc nhiên là Hoa Trần vẫn không rời bỏ quầy hàng cá ở chợ.
Chị lý giải: “Thực ra giờ có phim ra, thua hay thắng gì tôi cũng không thể bỏ công việc ở chợ. Bởi đó là cuộc sống của gia đình tôi bao nhiêu năm nay. Và mình cũng vẫn có lượng khách của mình. Nghề nào kiếm được đồng tiền trong sạch thì tôi không có gì phải cảm thấy xấu hổ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận