12/11/2019 09:50 GMT+7

Trong thế giới nữ cascadeur - Kỳ 1: Máu và nước mắt

MỄ THUẬN
MỄ THUẬN

TTO - Cascadeur (diễn viên đóng thế) là công việc đặc biệt âm thầm sau ánh hào quang điện ảnh và chịu nhiều thiệt thòi, hiểm nguy. Đặc biệt khi cascadeur lại là các cô gái với chuyện nghề, chuyện đời có cả nụ cười lẫn mồ hôi, nước mắt hòa máu.

Trong thế giới nữ cascadeur - Kỳ 1: Máu và nước mắt - Ảnh 1.

Diễn viên hành động, cascadeur xinh đẹp Phi Ngọc Ánh - Ảnh: NVCC

Phi Ngọc Ánh là cái tên hàng đầu khi người ta nhắc đến nữ cascadeur Việt. Để khẳng định tên tuổi trong sự nghiệp mình, cô đã phải trả giá bằng máu và nước mắt.

Máu và nước mắt

Nhắc nghề cascadeur, ai cũng mường tượng đó là công việc đặc biệt thường xuyên đối diện với nguy hiểm. Nhưng hiểm nguy ra sao? Đối diện với lằn ranh sinh - tử như thế nào?

Câu chuyện về tai nạn dẫn đến vỡ sụn, rách bao khớp và đứt dây chằng vai trái của Ngọc Ánh là một điển hình. Nghe nữ cascadeur này kể chi tiết khiến ai cũng phải rùng mình.

Đó là năm 2014, Ngọc Ánh gặp tai nạn khi thực hiện cảnh quay hành động phim Vết dầu loang (đạo diễn Trọng Hải). Vào vai đánh nhau dữ dội với ông trùm băng đảng xã hội đen, cô phải quăng người trên cao với sợi dây quấn quanh mình.

Lực dây kéo đột ngột quá mạnh, ngược chiều với quán tính xoay cơ thể của Ngọc Ánh khiến cô bị thương nghiêm trọng ở vùng vai trái...

Chấn thương của Ngọc Ánh khiến các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM) rất lưỡng lự trước khi quyết định tiến hành phẫu thuật. Một số người tư vấn Ngọc Ánh bay sang gặp bác sĩ Singapore, nhưng cô không đủ tiền đi. Suốt 3 tháng sau đó, Ngọc Ánh sống với cánh tay trái bất động và vai, tay trái bắt đầu có dấu hiệu teo lại.

Ba tháng bế tắc, tia hi vọng cuối cùng cũng xuất hiện. "Tôi có người bạn là bác sĩ. Anh ấy biết tin có vị giáo sư Mỹ qua thỉnh giảng cho sinh viên và các bác sĩ tại thành phố trong 3 ngày nên đã lấy hồ sơ bệnh án của tôi nhờ vị giáo sư xem.

Anh cũng trình bày tính chất công việc của tôi để ông hiểu được khó khăn mà tôi gặp phải. Sau khi xem, vị giáo sư đồng ý đổi lịch làm việc, ở lại VN thêm một ngày để phẫu thuật cho tôi", Ngọc Ánh nhớ lại.

Và cô đã may mắn trong ca phẫu thuật phức tạp kéo dài suốt 6 tiếng đồng hồ do đích thân giáo sư Dr. Pietro Tonino kết hợp với giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Hoàng Mạnh Cường thực hiện.

Với các bác sĩ ở đây, đó cũng là cơ hội để họ học hỏi kinh nghiệm trực tiếp từ ca phẫu thuật đa chấn thương: vỡ sụn, rách bao khớp và đứt dây chằng vai. Mất 10 tiếng sau ca phẫu thuật thì Ngọc Ánh mới tỉnh lại.

"Thực sự trước khi bước lên bàn mổ tôi rất sợ, không biết sẽ như thế nào. Và sau khi phẫu thuật, tôi đã nghĩ mình sẽ bỏ nghề vì thấy nghề bạc bẽo quá. Tôi nghĩ có lẽ tuổi nghề của mình chỉ được tới đây thôi. Nhưng sau đó tôi tập vật lý trị liệu, tay phục hồi được 80% và lại ngứa tay ngứa chân.

Thấy đồng nghiệp mình đi quay, lên sân thấy đồng nghiệp tập luyện thì không chịu được nên quay trở lại với công việc cascadeur", Ngọc Ánh tâm sự. Mặc dù cho tới giờ, Ngọc Ánh vẫn không thể tập nặng với tay trái, nhất là các động tác nhào lộn cần dùng sức mạnh trực tiếp từ tay trái thì cô phải hạn chế tối đa.

Cô bảo mình gặp được vị giáo sư Mỹ như thấy ánh sáng cuối đường hầm. "Bởi chi phí phẫu thuật chỉ bằng 1/3 so với qua Singapore mổ. Nếu không có vị giáo sư này, có lẽ tôi sẽ mang thương tật vĩnh viễn.

Bởi thực tế nghề cascadeur của tôi không bao giờ đủ tiền đi Singapore phẫu thuật. Mà nghề này cũng không ai chấp nhận bán bảo hiểm cho mình. Và mỗi khi ký hợp đồng công việc cũng không bao giờ có điều khoản sẽ nhận được bảo hiểm khi tai nạn xảy ra. Vậy nên những khi gặp nạn, cascadeur phải đành tự lo liệu", Ngọc Ánh chua chát nói.

Trong thế giới nữ cascadeur - Kỳ 1: Máu và nước mắt - Ảnh 2.

Phi Ngọc Ánh trong pha hành động trên phim trường - Ảnh: NVCC

Đừng tưởng chúng tôi... "trâu bò"

Vào nghề hơn 12 năm, Phi Ngọc Ánh khẳng định tên tuổi mình ở lĩnh vực cascadeur và là nữ diễn viên hành động được tham gia đến 5 phim hành động quốc tế. Được đi nhiều, Ngọc Ánh thấy sự khác biệt trong cách làm việc của êkip làm phim quốc tế so với VN, nhất là khâu bảo hộ cho cascadeur.

Cô chia sẻ: "Ở nước ngoài, cascadeur được bảo hộ tận răng. Mọi thứ đều hiện đại, chuyên nghiệp. Trong khi ở VN, mọi dụng cụ bảo hộ đều rất thô sơ, tạm bợ. Chủ yếu do nhóm cascadeur tự thực hiện".

Ngọc Ánh chia sẻ với cảnh nhảy lầu từ nhà cao 3, 4 tầng, nếu ở nước ngoài thì đoàn phim sẽ trang bị nệm hơi khổng lồ bao quanh tòa nhà. Còn ở VN, đạo cụ bảo hộ chỉ có một vài tấm nệm. Cascadeur trước khi nhảy lầu phải tự mình thả hình nhân với trọng lượng nặng tương đương cơ thể mình để tự phán đoán hướng gió, sức gió, rồi mới dám nhảy.

"Chỉ cần sơ suất, cascadeur có thể mất mạng như chơi với một cảnh quay tưởng như ít nguy hiểm", Ngọc Ánh cho biết.

Cô kể thêm trong phim Bảy lá bài, cô phải thực hiện cảnh quay bị quăng trong tư thế nằm ngửa xuống dòng sông từ cây cầu cao 15m tại Nhà Bè vào lúc 2 giờ sáng. Ngọc Ánh lại không hề biết bơi.

Các anh trong êkip dặn Ngọc Ánh khi bị quăng xuống nước, cứ bình tĩnh chờ khi nào chân chạm đáy thì đạp mạnh, rồi quạt tay cho tới khi trồi lên mặt nước sẽ có cascadeur nam "nắm cổ kéo vào bờ". Ngoài lời dặn dò như thế, cô hầu như không còn sự bảo hộ nào khác giúp mình có thể xử trí tốt hơn khi chìm xuống lòng sông.

"Nhưng sau khi chân chạm đáy, tôi đã đạp mạnh mà mãi không thấy lên tới mặt nước, chỉ thấy màu tối đen mù mịt. Dòng nước lúc 2 giờ sáng thì lạnh thấu xương.

May là khi mình hoảng sợ thì cuối cùng anh cascadeur cũng đã bơi ra đúng lúc nắm cổ tôi lôi lên thuyền cứu hộ. Mặt tôi tái nhợt không còn giọt máu. Tôi bị cảnh quay này ám ảnh cả tuần, mỗi khi đi ngủ nhắm mắt lại thấy sợ hãi", cô nhớ lại.

Theo Ngọc Ánh, có một thực tế là trong khi tập cho cảnh quay hoặc lúc diễn ở phim trường, cascadeur mà bị bạn diễn đánh trúng thì rất ít người quan tâm hỏi han. "Bởi có câu cửa miệng mọi người hay đùa: Không sao đâu, cascadeur "trâu bò" mà lo cái gì. Câu nói tưởng như đùa nhưng rất chua chát.

Vì nhiều người nghĩ như vậy thật, nghĩ chúng tôi không biết đau, chịu đòn tốt. Nhưng thực ra chúng tôi cũng là con người mà, ai mà không biết đau, chẳng qua vì công việc nên buộc chúng tôi phải cố gắng nén nỗi đau lại", Ngọc Ánh tâm sự.

"Lúc trước, người trong gia đình không hiểu việc này là đam mê của tôi nên cứ ngao ngán nói con gái con lứa mà chọn cái nghề...

Giờ thì cha mẹ hiểu, chỉ nói con có còn đủ sức khỏe để làm không? Lúc trước tôi hay giấu, khi nào người lành lặn mới dám về thăm cha mẹ dưới quê. Sau này cha mẹ hiểu chuyện thương tích với mình là chuyện thường ngày nên hầu như ngày nào cũng điện hỏi thăm. Mẹ hay nói tôi nếu có chuyện thì cứ nói để mẹ lên chăm", Ngọc Ánh tâm sự.

Với nữ cascadeur, chỉ đam mê nghề thực sự mới có thể giúp họ vượt qua những nỗi sợ hãi thường trực, vượt qua những pha "một sống, hai chết" mong manh và ngày càng nâng cao cấp độ nguy hiểm .

Kỳ tới: Nỗi sợ hãi thầm lặng

Nữ cascadeur Phi Ngọc Ánh đu dây lụa đăng quang Nữ cascadeur Phi Ngọc Ánh đu dây lụa đăng quang 'Kẻ thách thức'

TTO - Trải qua hơn hai tháng luyện tập, Phi Ngọc Ánh từ một nữ cascadeur không biết gì về xiếc đã biểu diễn đu dây lụa điêu luyện và đăng quang tại đêm chung kết Kẻ thách thức vào tối 17-3 qua.

MỄ THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên