Đánh giá các kết quả đạt được là đáng khích lệ, song Thủ tướng cho rằng bối cảnh tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội gia tăng; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi với giá dầu thô, lương thực biến động mạnh; một số chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Nêu cao tinh thần chủ động, tích cực
Ở trong nước, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu tác động, ảnh hưởng ngày càng lớn; trong thời gian giáp hạt phải tập trung lo cho dân. Việc bảo đảm an ninh năng lượng, cung ứng đủ điện, xăng dầu… cần đặc biệt lưu ý.
Do đó, ông nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bảo đảm hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo điều hành. Theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả. Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm "thắng không kiêu, bại không nản".
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm được người đứng đầu Chính phủ giao các bộ ngành là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Bảo đảm lưu thông tiền tệ tốt hơn, cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.
Tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa đổi nghị định của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.
Phấn đấu quyết liệt tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu.
Đặc biệt, ông yêu cầu trong tháng 3 này, nếu các cửa hàng xăng dầu không sử dụng hóa đơn điện tử thì dứt khoát thu giấy phép. Cùng với đó, giảm chi thường xuyên không cần thiết, hội họp; chi thường xuyên có tính chất đầu tư.
"Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; lưu ý tập trung triển khai các công trình truyền tải điện, phát điện. Phải rà soát việc này hằng tháng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Làm mới các động lực tăng trưởng
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, bao gồm các động lực truyền thống là hoạt động đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng.
Các động lực mới là hoàn thiện thể chế, thúc đẩy 6 vùng kinh tế - xã hội, tranh thủ cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, lĩnh vực chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tài chính xanh, năng lượng mới, phát triển các trung tâm tài chính...
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Ông cũng nhấn mạnh việc phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, bao gồm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, tiết giảm chi phí vận tải, logistics; tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài như Thép Việt Trung, Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Đóng tàu Dung Quất, Bột giấy Phương Nam…
Chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1-7. Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa; chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường hướng dẫn, phổ biến, quán triệt các nội dung trong các cuốn sách quan trọng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhất là những nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận