Phóng to |
Ca sĩ Trọng Tấn: “Tôi chưa hề có một đêm nhạc của riêng mình” - Ảnh: Tuấn Phùng |
Đó là chương trình - như Trọng Tấn chia sẻ - được ấp ủ và thực hiện sau nhiều “trăn trở và tự ái” về nghề. Dù vậy, diễn ra chỉ một tháng sau sự kiện xin nghỉ dạy tại Học viện âm nhạc quốc gia VN, không ít người hoài nghi Trọng Tấn muốn “tranh thủ” sự chú ý của công chúng để làm chương trình. Trả lời Tuổi Trẻ, Trọng Tấn nói: “Tôi không có ý đặt tâm tư riêng vào trong sô diễn này, nó chỉ thuần túy là âm nhạc. Là một nghệ sĩ chuyên nghiệp được mọi người yêu mến lâu thế nhưng lại không dành nhiều thời gian cho hoạt động nghệ thuật thì thật lãng phí”.
Mang “nhạc đỏ” đến với sinh viên Ngoài các dự án âm nhạc đang khởi động, ca sĩ Trọng Tấn cũng ấp ủ dự định tổ chức đêm nhạc tại các trường đại học. “Lâu nay, nhạc trẻ gần gũi với sinh viên hơn. Nhưng thực tế đi diễn các chương trình đơn lẻ ở trường, tôi thấy các bạn trẻ vẫn rất yêu quý dòng nhạc cách mạng. Tôi rất muốn tổ chức thường xuyên các đêm diễn cho sinh viên, truyền tải tình cảm từ những ca khúc dân gian, ca khúc về quê hương, đất nước đến với các em, vé cũng rất rẻ thôi” - ca sĩ Trọng Tấn chia sẻ. |
* Đến bây giờ anh mới nghĩ đến chuyện làm nghệ thuật để thỏa mãn mình?
- Thật ra cũng vặn cựa khá lâu rồi. Bản thân mình thấy nếu không sắp xếp thời gian, sức lực, tâm huyết để làm nghệ thuật thật sự thì không biết đến bao giờ sẽ bắt đầu. Vừa rồi xin nghỉ, tôi cũng giãi bày là muốn sắp xếp về thời gian thôi. Những tha thiết của sinh viên khiến tôi cũng rất buồn. Có thể đến tuổi 50-55 sẽ quay trở lại với giảng dạy sau thời gian cháy hết mình cho nghệ thuật.
* Dù sao anh cũng đã quen với một môi trường có sự quy củ, nó cho anh sự ổn định. Khi nghỉ, anh có e ngại gì không bởi thị trường âm nhạc hiện nay như nhiều người đánh giá cũng khá hỗn loạn?
- Học viện thật sự là môi trường chỉn chu, ổn định. Tôi đã suy xét rất lâu về vấn đề nghỉ dạy. Nếu thi thoảng một năm diễn 2-3 cuộc thì không phải là vấn đề, có thể tập trung hoàn toàn cho chuyện dạy học. Nhưng lịch diễn của tôi tương đối liên tục, nhiều lúc cũng thấy kiệt sức trong chuyện sắp xếp. Có những cuộc diễn ở xa, về ngay trong đêm, 2-3g sáng mới về đến nhà, hôm sau có tiết không thể bỏ các em được. Nó giống như tôi phải đi hai chân trên hai cuộc sống song song. Khi sắp xếp lịch diễn và lịch giảng dạy thì có lúc tôi không đáp ứng được tốt nhất cho công việc giảng dạy. Mà tôi không đành lòng làm việc này một cách hời hợt. Nếu không thể làm tốt việc giảng dạy và còn yêu cái nghề diễn của mình nhiều lắm thì nên nhường công việc đó lại cho những người phù hợp hơn. Đương nhiên tôi không bỏ dạy đâu.
* Cả khi cựa quậy như thế thì bản thân anh cũng thấy đã lâu lắm rồi mình không có một sô nhạc nào đúng như anh mong muốn?
- Tôi luôn nghĩ về những đêm diễn với ban nhạc sống, có sự đầu tư công sức, đúng một không gian âm nhạc thật sự. Tôi cảm thấy thèm thật sự. Tại sao mình cứ đến cơ quan, hội nghị hát hai bài rồi về? Dù rằng trong một không gian mà người ta chỉ cần hát hai bài thì mình chỉ làm được như thế thôi. Nhưng mình không thể thỏa mãn được.
Sau mỗi đêm diễn nghệ thuật, mình cứ gai hết cả người. Những khán giả ở dưới khán phòng là những người có đời sống thưởng thức thật sự, không phải khán giả ở nhà xem qua truyền hình, có thì xem, không có thì thôi. Nếu các nghệ sĩ dòng nhạc cách mạng, dân gian, trữ tình mà không làm thì các dòng nhạc khác sẽ lấn át và khẳng định thị trường của họ. Đôi khi sẽ khiến người ta nghĩ hình như thị trường chỉ có loại nhạc đó thôi. Đó cũng là điều trăn trở.
* Hơn 10 năm đi hát, anh chưa từng có một live show riêng?
- Chưa hề có một đêm nhạc của riêng mình. Duy nhất chỉ có Con đường âm nhạc làm chung với Anh Thơ. Nói thật là tôi cũng cảm thấy trăn trở và tự ái thật sự. Rất nhiều câu hỏi “tại sao” đã tự đặt ra. Nếu chỉ một sô diễn này thôi thì không đến mức mình phải tính cả một con đường. Tôi muốn thỏa mãn đam mê nghệ thuật của mình trong cả một chặng đường. Và điều đó chỉ có thể thực hiện khi mình ở thế chủ động.
* Theo đuổi một dòng nhạc lâu nay, ở khá lâu trong môi trường đào tạo có tính chất hàn lâm, sự tiếp xúc và va chạm với thị trường biểu diễn không nhiều, anh đã bao giờ trăn trở về sự cũ kỹ đó của mình?
- Trăn trở cũng lâu rồi, nhất là khi xem những chương trình ca nhạc của thế giới. Hiện nay, sự kết hợp giữa hiện đại và kinh điển là xu hướng. Tôi muốn thử nghiệm những điều đó để mang lại sự hấp dẫn cho những bài hát cách mạng. Như bài Đường chúng ta đi chẳng hạn, nếu biểu diễn trong một chương trình hòa nhạc, tầm vóc của bài hát sẽ rất khác. Dĩ nhiên, phải có tập luyện kỹ, phải mang đến chất lượng nghệ thuật cao chứ không phải “nhộm nhoạm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận