Nhiều người lên tiếng chỉ trích về cách cầm còi khó hiểu của trọng tài đẳng cấp FIFA - ông Kasem Matar Al-Hatmi (Oman) trong trận loạn đả giữa U22 Thái Lan với U22 Indonesia ở trận chung kết SEA Games 32. Trong đó, đáng nói nhất là hiệu lệnh còi của ông này ở phút 90+7.
Ngộ nhận bởi tiếng còi
Nói với Tuổi Trẻ Online, một cựu trọng tài FIFA (đề nghị không nêu tên) nói: "Tôi cho rằng ông Kasem không sai khi thổi phạt cầu thủ U22 Indonesia trong tình huống phạm lỗi.
Đội U22 Indonesia nhầm lẫn hiệu lệnh của trọng tài vì nghĩ rằng đó là tiếng còi dứt trận. Đây là suy nghĩ sai hoàn toàn. Điều này do khi hết giờ thi đấu mỗi hiệp, hay hết trận thì trọng tài luôn thổi hồi còi dài hoặc thổi liên tục vài lần, đưa tay lên cao rồi chỉ tay về điểm giao bóng giữa sân.
Trong tình huống nói trên, ông Kaem thổi còi ngắn và ra ký hiệu cho U22 Thái Lan đá phạt. Khi ấy là phút 90+8. Đội Indonesia ngộ nhận về ký hiệu nên ăn mừng sớm vì nghĩ là đã hết giờ.
Cái sai của họ là cho rằng thời gian bù giờ 7 phút đã hết. Đó cũng là cái sai chung của nhiều đội bóng, HLV lẫn cầu thủ.
Bởi thời gian bù giờ đúng là đã hết, nhưng trong lúc bù giờ trận đấu có thể bị gián đoạn bởi thay người, cầu thủ chấn thương… nên trọng tài có quyền cộng thêm thời gian chết. Và ít khi thông báo cho trọng tài thứ tư nếu thời gian bù ngắn.
Tôi cho rằng ngộ nhận xuất phát từ những cái sai đó. Không thể đổ lỗi vụ việc loạn đả trong trận chung kết cho trọng tài Kasem, bởi ông ấy cùng các trợ lý trọng tài đã làm quá tốt, rất chuẩn mực, bản lĩnh.
Đặc biệt là xử phạt nghiêm khắc với mọi pha bóng phạm lỗi của đôi bên một cách có tình có lý. Ông ấy đã rút ra 7 thẻ đỏ, 12 thẻ vàng. Một kỷ lục nhớ đời của trọng tài Kasem. Nếu như có VAR can thiệp, thẻ phạt sẽ không dừng lại ở đó…".
Hai đội cùng khiêu khích
Nói về vết nhơ của trận đấu này, giám sát trận đấu ở V-League - ông Trần Ngọc Thái Tuấn (cựu HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam) cho rằng: "Tôi không tin HLV trưởng kiêm giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá Indonesia không biết luật nên vội vàng ăn mừng sớm. Chẳng qua là họ đang tiến gần với chiếc HCV sau hơn 30 năm chờ đợi, nên có những hành vi bộc phát.
Tổ trọng tài đã quán xuyến rất tốt trận đấu, hành xử đúng luật, hết sức công tâm. Cả ba trọng tài trên sân đã can thiệp quyết liệt để vãn hồi trật tự khi sự cố xảy ra.
Trong đó, đáng khen nhất là trọng tài thứ tư đã quan sát tinh tường, cố vấn cho trọng tài chính rút thẻ đỏ đúng đối tượng có hành vi manh động. Tất nhiên, thẻ phạt là chưa đủ vì loạn đả xảy ra với số đông nên khó có thể quan sát tường tận.
Phía U22 Thái Lan là bên khơi mào sự cố sau lúc gỡ 2-2. Đến lượt U22 Indonesia đáp trả khi nâng tỉ số lên 3-2. Những hành vi xấu xí, đáng chê trách.
Luật bóng đá không cho phép lực lượng an ninh chạy thẳng vào sân can thiệp. Họ chỉ được phép ngăn cản khi sự cố diễn ra ngoài phạm vi sân cỏ. Thậm chí FIFA cũng khuyến cáo lực lượng an ninh không đi cùng cầu thủ bị thẻ đỏ để tránh hình ảnh phản cảm.
Nhiệm vụ của giám sát trận đấu, giám sát trọng tài là phải tỉnh táo để quan sát tường tận khi sự cố xảy ra. Sau đó, giám sát trận đấu sẽ có báo cáo riêng đến liên đoàn bóng đá châu lục hay liên đoàn bóng đá khu vực. Từ đó, cộng với nhiều dữ liệu khác thì hội đồng kỷ luật sẽ họp, xem xét toàn diện để đưa ra hình thức xử lý tiếp theo.
Nếu giám sát trận đấu có kinh nghiệm, có khả năng "đọc" tình huống tốt, ông ấy sẽ xuống sân trao đổi nhanh với quan chức địa phương, với lãnh đạo bộ phận an ninh để lưu ý, có biện pháp ngay. Ở đây, mọi chuyện diễn biến quá nhanh nên khó có thể chu toàn mọi việc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận