Trọng tài, còn ai trọng?

LOAN PHƯƠNG 24/03/2013 06:03 GMT+7

TTCT - Hình ảnh các cầu thủ Manchester United (M.U) vây quanh trọng tài người Thổ Nhĩ Kỳ Cuneyt Cakir và Rio Ferdinand vỗ tay vào mặt ông, trong khi HLV Alex Ferguson phản ứng dữ dội bên ngoài sân sau chiếc thẻ đỏ dành cho Nani trong trận M.U thua Real Madrid 1-2 mới đây đã trở thành quen thuộc trên các sân cỏ châu Âu, khi trọng tài ở mọi cấp độ đang phải đối mặt với cuộc chiến mà họ là nạn nhân.

Phóng to
Một trọng tài biên ở Tây Ban Nha bị ném vật thể lạ vào mặt - Ảnh: osasunista.net

Một trọng tài biên người Hà Lan bị đánh đến chết, một trọng tài trẻ người Tây Ban Nha bị tấn công và một trọng tài người Đức phải nhập viện chỉ là ba vụ nghiêm trọng nhất. Rất thường xuyên, các trọng tài bị xỉ vả, đe dọa, rượt đuổi, tấn công và trong những vụ bi kịch nhất bị thiệt mạng vì những gì xảy ra trên sân bóng. Đứng đằng sau tình trạng bạo lực đó là cả một văn hóa bóng đá biến trọng tài thành kẻ giơ đầu chịu báng đang cần được chấn chỉnh.

Lỗi của văn hóa bóng đá?

Hector Giner, một trọng tài 17 tuổi, đã bị đánh đập dã man ở Burjassot, Valencia, sau khi định đuổi một cầu thủ xúc phạm cậu trên sân. Khi Giner rút bút ra chuẩn bị ghi tên cầu thủ mình định đuổi thì bị một cảnh sát tên là Alberto M.M., theo báo chí Tây Ban Nha, đấm thẳng vào mặt và tặng thêm hai cú đá nữa khi Giner đã nằm dưới sân. Trong bệnh viện, chàng trọng tài sinh viên bị chẩn đoán mất ba lít máu. Kẻ tấn công Giner bị đuổi việc và đang chờ phiên tòa xét xử.

Ngày chủ nhật hôm đó, 17-2-2013, là một lời cảnh báo cho bóng đá Tây Ban Nha. Nhưng đó không phải là vụ bạo lực duy nhất với 15.000 trọng tài ở nước này. Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha cho rằng họ cần phải có giải pháp, nhưng cũng thừa nhận vấn đề phức tạp vì những sự xúc phạm liên tục và không ngần ngại từ các cầu thủ và khán giả là khó ngăn chặn.

Theo nhà báo Cayetano Ros, việc các cầu thủ nhí thiếu tôn trọng trọng tài bắt đầu từ những gì họ xem được trên truyền hình ở các giải lớn, với những cầu thủ chuyên nghiệp. Tháng 5 năm ngoái tại giải hạng nhất La Liga, tiền đạo đội Granada Dani Benitez bị treo giò vì ném một chai nước vào mặt trọng tài Clos Gomez để phản đối quả phạt đền (cũng là thổi cho Real Madrid). Tháng trước nữa, trọng tài biên Cesar David Escribano bất tỉnh nhân sự vì một vật thể lạ ném từ khán đài trong trận đấu ở giải hạng nhì tại Cartagonova.

“Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm, bao gồm giới truyền thông. Giờ tốt hơn 20-30 năm trước, nhưng thứ văn hóa thù ghét và gây sức ép lên trọng tài vẫn tồn tại dai dẳng” - nhà báo Ros, người đã đưa tin vụ tấn công Giner trên tờ El Pais, nói. Trong trận đấu tại La Liga giữa Getafe và Deportivo La Coruna đầu năm 2013, trọng tài đã đuổi một cầu thủ chủ nhà và bị các cổ động viên đe dọa cho tới hết trận. Mọi trẻ em trên sân đều phải lấp đầy tai những lời chửi bới tục tĩu, để rồi lưu ấn tượng trong đầu rằng trọng tài là người xấu.

Phil Ball, một chuyên gia về bóng đá Tây Ban Nha, bình luận: “Nếu không chửi trọng tài, bạn bị coi là đồ ngu. Tôi từng chứng kiến một trường hợp rất tệ ở Donosti Cup 2011 (một giải trẻ), khi trọng tài bị các cầu thủ đội Ciudad Jardin từ Valencia rượt đuổi chạy khỏi sân. Không thể thay đổi nếu không thay đổi văn hóa bóng đá”.

Phóng to
Các cầu thủ M.U bao vây và phản ứng với trọng tài Cuneyt Cakir - Ảnh: sportsdirectnews.com

Thay đổi như thế nào?

Bạo lực nhắm vào trọng tài trở thành bi kịch trong một sự cố gây sốc tháng 12-2012 ở Hà Lan. Một nhóm thiếu niên đã đánh trọng tài biên Richard Nieuwenhuizen, 41 tuổi, đến chết. Con trai ông chơi ở đội đối thủ của những kẻ tấn công. Sau sự kiện đó, Liên đoàn Bóng đá Hà Lan (KNVB) ra lệnh chỉ các đội trưởng được phép có ý kiến với trọng tài, mọi cầu thủ khác trên sân nói gì với trọng tài cũng đều phải nhận thẻ ngay lập tức.

Cựu tuyển thủ Hà Lan Ronald de Boer thừa nhận vụ tấn công khiến nhiều người phải suy nghĩ lại, nhưng lo lắng sự phản ứng của KNVB là quá mức. “Bóng đá là cảm xúc, những thay đổi đó có thể giết chết trận đấu. Giờ thì thẻ vàng được rút ra liên tục” - cựu cầu thủ Barcelona nói, đồng thời thừa nhận cầu thủ ở Hà Lan quả là có “than phiền quá nhiều”. Theo số liệu của KNVB, số thẻ vàng được rút ra ở giải vô địch nước này vì lỗi gây sự với trọng tài tăng gấp ba lần trước và sau vụ tấn công ngày 21-12, từ 0,17 thẻ/trận lên 0,48 thẻ/trận.

Ở Đức, hàng loạt vụ tấn công trọng tài cũng xảy ra, nghiêm trọng nhất là tháng 9-2011 ở Berlin, khi trọng tài Gerald Bothe bị đánh tới bất tỉnh ngay trên sân và phải nằm viện vài ngày. Một nghiên cứu từ Đại học Tubingen, Đức, với 2.600 trọng tài trong vùng cho thấy 40% từng bị đe dọa, 17% từng bị tấn công.

“Giáo dục sự tôn trọng cả trong và ngoài sân cỏ là hết sức quan trọng - cựu trọng tài nổi tiếng nhất thế giới Pierluigi Collina kết luận - Sự tôn trọng giữa cầu thủ và trọng tài khiến công việc của trọng tài dễ dàng hơn và là cách duy nhất làm thay đổi văn hóa bóng đá hiện nay”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận