26/12/2015 14:29 GMT+7

Trong rừng sâm Hamyang

TẤN VŨ (hotanvu@tuoitre.com.vn)
TẤN VŨ ([email protected])

TT - “Ở Hamyang người nông dân trồng sâm tính doanh số bằng tiền triệu USD” - Yang Gyeong Myeong nói vậy.

 

“Vua sâm” Yang Gyeong Myeong giới thiệu sâm núi Hamyang với đoàn nghiên cứu của tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Tấn Vũ
“Vua sâm” Yang Gyeong Myeong giới thiệu sâm núi Hamyang với đoàn nghiên cứu của tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Tấn Vũ

 ​“Vua sâm núi” 43 tuổi này từng đến vùng núi hẻo lánh Quảng Nam để tìm hiểu về sâm Ngọc Linh. Bây giờ Yang Gyeong Myeong cho biết mình rất muốn qua Việt Nam để cùng trồng sâm.

Những nông dân triệu đô

Xuất phát từ trung tâm huyện Hamyang, tỉnh Gyeongsang lúc sáng sớm, chúng tôi ngược về phía tây nam của dãy núi Siri, thuộc xã So Sang khi trời đã đứng trưa.

Đẩy chiếc cổng khép hờ nơi bìa rừng, người làm vườn của “vua sâm” Yang Gyeong Myeong đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ trên môi với bộ áo quần truyền thống màu xanh lá, trên vai áo có thêu cánh hoa sâm màu đỏ.

Khác với những cánh rừng sâm trên đỉnh Ngọc Linh thâm u đầy chông và bẫy thò chống trộm mà chúng tôi từng đến, vườn sâm của ông Yang Gyeong Myeong như một khu nghỉ dưỡng thực thụ.

Những lối đi quang rạng được đổ bêtông hẳn hoi. Một phòng trưng bày với gần cả trăm loại rượu lớn nhỏ được chế biến từ sâm nằm lọt thỏm dưới tán lá rừng. Một chiếc bàn gỗ đặt trước sân cho du khách có thể ngồi thư giãn và thưởng thức loại rượu trứ danh của xứ sâm rừng này.

“Vua sâm núi” Yang Gyeong Myeong kể rằng ở xứ này người trồng sâm không sợ mất cắp mà chỉ sợ những bầy nai, heo rừng vào giẫm đạp và phá nát rừng sâm nên buộc phải rào lại.

Những con chó bẹcgiê làm nhiệm vụ canh giữ những con chồn bay có cánh và những con sóc chuyên đào xới các củ sâm và cắn phá.

Cũng như sâm Ngọc Linh, tùy mỗi độ tuổi, cân nặng mà giá từng cây sâm khác nhau. Và hai loài sâm Ngọc Linh và Hamyang đều giống nhau ở chỗ lá năm cánh, hoa màu đỏ, quả màu đen, chúng cùng sống dưới những tán lá rừng có độ che phủ đến 80%.

Ông Yang Gyeong Myeong nhổ một cây sâm trong khu vườn của mình to bằng ngón út, dài chưa đến hai gang tay bảo rằng nó trồng được hai năm có giá khoảng 200 USD.

Khu vườn sâm của ông Yang rộng tít tắp, chạy dài đến khuất tầm mắt. Để tránh sâu bọ, sâm của ông Yang Gyeong Myeong trồng trong những chậu cây như cây cảnh, rộng khoảng 1m2, 20 cây trong một chậu.

Những cây sâm năm lá với cánh hoa màu đỏ li ti mọc ken kín khu vườn dưới những tán lá che khuất mặt trời.

Vườn sâm của ông Yang Gyeong Myeong phần lớn được trồng dưới tán lá thông. Cây được trồng trong chậu nhưng sâm phát triển rất tốt.

Anh Trịnh Minh Quý, phó giám đốc Trung tâm sâm giống Ngọc Linh, ngạc nhiên khi phân tích rằng ông không thể hiểu được tại sao loài sâm núi Hamyang có thể sống và phát triển mạnh dưới tán lá thông và lớp lá thông rụng trong rừng như vậy.

Bởi lá thông rất nóng, trong khi đó độ tơi xốp của đất nơi này không cao.

Khác với khu rừng của các vua sâm ở Ngọc Linh không cho người lạ vào thăm, thậm chí giấu biệt lối vào, ông Yang Gyeong Myeong cho biết trang trại của ông hằng năm đón gần 50 đoàn khách quốc tế đến thăm.

Những du khách đến từ châu Âu không những mua sâm mà họ còn đăng ký ở lại làm nông dân với ông, cùng dọn cỏ, cuốc đất, làm vườn và thu hoạch sâm...

“Chẳng có gì phải giấu cả. Chúng tôi còn mơ đến một khu nghỉ dưỡng kiểu như khu rừng “trường sinh bất lão” trên đỉnh núi này” - ông Yang chia sẻ tham vọng của mình.

Bên cạnh việc quảng bá ra bên ngoài, người Hamyang luôn gìn giữ những giá trị truyền thống của cư dân trong vùng. Những hình nộm gợi nhớ về người dân vùng Hamyang đi tìm sâm và mất tích trên rừng núi - Ảnh: Tấn Vũ
Bên cạnh việc quảng bá ra bên ngoài, người Hamyang luôn gìn giữ những giá trị truyền thống của cư dân trong vùng. Những hình nộm gợi nhớ về người dân vùng Hamyang đi tìm sâm và mất tích trên rừng núi - Ảnh: Tấn Vũ

Muốn qua Việt Nam trồng sâm!

Ông Yang Gyeong Myeong kể rằng 13 năm trước ông lấy bằng cử nhân kinh tế ở Trường đại học Busan và một việc làm ổn định, nhưng rồi ông đã từ bỏ tất cả để về quê.

“Tôi mang cả vợ con bỏ phố lên rừng, khi đó rất nhiều người phản ứng nhưng tôi vẫn quyết khi nhìn thấy được tương lai của loài cây này” - ông Yang kể.

Dãy Siri lạnh lẽo đầy tuyết rơi của 13 năm trước bây giờ là trang trại sâm rộng hơn 10ha, với đủ loại sâm từ 1-2 tuổi đến 10 tuổi. Ông Yang Gyeong Myeong cười vui rằng bây giờ mình là người nông dân rất giàu có và khó có thể tính hết tài sản ra tiền mặt.

Để loài sâm tồn tại và đứng vững ở các thị trường khó tính, người trồng sâm phải nắm rõ các quy định của nông sản cũng như các chuẩn mực chất lượng từng thị trường.

“Chúng tôi phải công khai kết quả liên quan đến thuốc nông nghiệp, kim loại nặng và quy trình chế biến. Không sử dụng các loại chất cấm trong trồng trọt. Điều đó đã tạo nên thương hiệu sâm Hamyang, để rồi từ đó nhiều nông dân trồng sâm ở đây có thể tính doanh số bằng triệu USD” - Yang Gyeong Myeong vui vẻ nói.

Từng đến Việt Nam, vào tận vùng núi Ngọc Linh của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) để khảo sát, ký kết hợp tác trong việc trồng sâm núi và hỗ trợ nông dân vào năm 2013, ông Yang Gyeong Myeong cho biết khí hậu ở Nam Trà My rất thích hợp với việc trồng sâm bởi cái lạnh vừa phải và không có tuyết rơi.

Độ mùn trong đất dày, lá rừng che phủ gần như kín mặt đất là điều kiện lý tưởng để loài sâm phát triển.

Chia sẻ với chủ tịch huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu, ông Yang Gyeong Myeong cho rằng ông muốn quay lại Việt Nam và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người dân nơi này.

“Mong muốn của tôi là có thể trồng sâm núi Hàn Quốc ngay trên đất Việt Nam và ngược lại người Việt có thể trồng sâm và bán ngay trên đất Hàn Quốc. Đó là cơ hội để người nông dân có thể lựa chọn phương thức sản xuất và làm giàu bền vững” - ông Yang nói.

Ông Bửu cho rằng ý tưởng này rất tốt và chính quyền huyện trân trọng điều đó...

... Rừng sâm Hamyang lúc ấy đang vào giữa thu. Đến mùa đông khi tuyết phủ kín núi đồi thì loài sâm núi ở Hamyang bắt đầu kỳ ngủ đông. Những vườn sâm bắt đầu trụi lá, củ sâm co lại giấu mình trong lớp đất chờ nắng xuân để khoe lá mới.

Người Hamyang thu hoạch sâm vào giữa mùa thu và tổ chức một lễ hội để bày bán những sản phẩm truyền thống của mình. Hàng trăm gian hàng với nhiều chủng loại sâm, lớn nhỏ bày bán cho khách thập phương.

Bà Yang Gyeong Ouk, 75 tuổi, thành viên một dòng họ có nhiều đời trồng sâm trên ngọn núi Jillisan, cũng mang sâm đến lễ hội bày biện ra. Nhưng bà kể rằng không phải chỉ bán sâm để mang tiền về, mà đây là dịp để bà tưởng nhớ đến người ông của mình.

Ông ấy đã bỏ mình trên đỉnh núi cao lúc tìm sâm trong một trận lở tuyết. Sau lúc tuyết tan, người làng cất công tìm kiếm nhưng người đàn ông vẫn biệt tích. Người làng cho rằng ông lão đã hóa thân thành một loại sâm quý giá nhất và ban tặng nguồn sống của mình cho quê hương.

Đi một vòng lễ hội sâm Hamyang, chủ tịch huyện Nam Trà My nói như thổn thức: “Sâm Ngọc Linh của mình nức tiếng là loại sâm có hàm lượng dưỡng chất tốt cho con người cao hơn cả các loài sâm khác trên thế giới, nhưng sâm Việt Nam vẫn chưa được biết đến nhiều.

Không kỳ vọng mỗi năm mang về mấy tỉ USD như Hàn Quốc nhưng trước mắt học cách trồng sâm, làm sâm để người dân thoát nghèo cũng là điều cần phải học...”.

__________

Các kỳ trước

>> Kỳ 1: Giữ rừng để trồng sâm

>> Kỳ 2:  

>> Kỳ 3: 

___________

Kỳ tới: Lễ hội Hamyang, khát vọng Ngọc Linh

TẤN VŨ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên