TTCT - Ngày 15-12-2014, ở Phú Quốc (Việt Nam) đã diễn ra vòng thứ tám của cuộc đàm phán mà theo Bộ trưởng thương mại của Ủy ban Kinh tế Á - Âu Andrey Slepnyov (*), các cuộc thương lượng về tất cả vấn đề trọng yếu của việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEC) đã hoàn thành. Theo ông, dự kiến thỏa thuận thành lập khu vực thương mại tự do này sẽ được ký trong nửa đầu năm 2015. Đồ họa: LAPEAEC - thực thể hợp tác kinh tế mớiNếu tính theo mốc thời điểm chính thức vận hành (từ ngày 1-1-2015) thì EAEC là một trong những thực thể kinh tế mới nhất của thế giới năm 2015. Tiến trình chuẩn bị việc ra đời EAEC đã được khởi động từ rất lâu và trở nên mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng Ukraine: chỉ trong năm 2014 đã có năm lần diễn ra các cuộc gặp cấp cao của các tổng thống và một tuần trước khi EAEC đi vào hoạt động, khóa họp của hội đồng kinh tế cao cấp ở cấp độ nguyên thủ cũng vừa kết thúc tại Matxcơva.Ngày 19-5-2014, tại Astana (Kazakhstan), các tổng thống Nga, Kazakhstan và Belarus đã ký hiệp ước về EAEC, thông qua các cam kết sẽ phối hợp chính sách của ba nước trong các ngành kinh tế chủ chốt và bảo đảm tự do dịch chuyển bốn lĩnh vực kinh tế gồm: hàng hóa, dịch vụ, vốn và nhân lực lao động. Đến tháng 10-2014, hiệp ước đã được quốc hội ba nước trên phê chuẩn.Ngay sau khi chính thức vận hành từ ngày 1-1-2015, khối này đã được mở rộng: từ ngày 2-1-2015 có thêm Armenia và dự kiến Kyrgyzstan sẽ hoàn tất thủ tục gia nhập ngày 9-5-2015. Với Armenia, nước này đã thực hiện phần lớn công việc phối hợp luật cho phù hợp với EAEC nhưng ở một số mặt hàng nhạy cảm, thời gian chuyển đổi luật này cần 5-7 năm, nước này vẫn đang tiếp tục hoàn thiện luật. Còn Kyrgyzstan sau khi ký hiệp ước gia nhập EAEC từ ngày 23-12-2014 vẫn đang cập nhật, văn bản hóa chi tiết việc gia nhập này.Theo tác giả Eduard Pivovar trên trang tin Belta của Belarus, phát triển từ Liên minh thuế quan (TC - của chỉ ba nước Nga, Belarus, Kazakhstan, hoạt động từ năm 2011 và chủ yếu chỉ trao đổi tự do hàng hóa và dịch vụ), EAEC được hình thành như một thực thể quốc tế, tạo điều kiện để EAEC có thể ký kết hợp đồng và thỏa thuận với các phía thứ ba.Đến nay, ngoài hai thành viên mới nêu trên, EAEC chưa có kế hoạch thu nhận thêm thành viên vì EAEC năm thành viên vẫn đang còn rất nhiều vấn đề nội khối phải giải quyết (chẳng hạn như lục đục mới đây giữa Belarus với Nga do Nga thắt chặt quá cảnh các sản phẩm thực vật Belarus hồi tháng 10-2014 bởi nghi ngờ có tình trạng tái xuất hàng hóa từ EU). Do đó hiện nay một số nước chọn tham gia EAEC qua hình thức khu vực thương mại tự do. Một trong các cuộc thương lượng được xúc tiến thuận lợi nhất theo hướng này có Việt Nam.Khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và EAECTheo ước tính sơ bộ, một khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEC có thể giúp tăng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEC lên 2,5 lần, từ mức hiện tại là 4 tỉ USD lên 10 tỉ USD. Hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam vào EAEC là các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp nhẹ.Làm cách nào Việt Nam có thể thu lợi nhiều nhất từ EAEC?Việt Nam cần sử dụng chiến lược xuất khẩu toàn diện ra các thị trường EAEC. Cần tính những yếu tố như: sự tham gia của Việt Nam vào những dự án liên kết khác (như TPP), các mặt mạnh và yếu của TC, tình hình chính trị ở các nước EAEC. Một số thí dụ của việc sử dụng các yếu tố phối hợp này:Phần lớn xí nghiệp may của Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu này theo quy định về nguồn gốc của TPP sẽ không được vào thị trường Mỹ và các nước TPP. Thế nhưng hàng hóa này có thể xuất khẩu vào các nước TC. Cần tính đến tình hình khó khăn của công nghiệp dệt may các nước TC, chẳng hạn Kazakhstan đang trong tình trạng khó thể cạnh tranh với hàng dệt may Việt Nam. Nhưng cũng cần biết các nước trong EAEC sẽ bảo vệ công nghiệp dệt may non yếu của mình khỏi sự cạnh tranh của các nhà sản xuất Việt Nam. Từ phía khác, Kazakhstan có thể là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp dệt may Việt Nam bởi nước này là một trong những nhà xuất khẩu bông lớn nhất. Phía Việt Nam nên tính đến những yếu tố này trong các cuộc đàm phán.Việt Nam cần nỗ lực xuất khẩu nhiều hơn sang các nước EAEC những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, trong số đó có sản phẩm điện tử công nghệ cao, chip vi tính, điện thoại di động, cạnh tranh với các nhà xuất khẩu Đài Loan, Trung Quốc trên thị trường EAEC.Việt Nam cần đầu tư vào việc thành lập những liên doanh trên lãnh thổ các nước EAEC. Thí dụ trong điều kiện cấm vận các sản phẩm châu Âu, rất có lợi khi thành lập trên lãnh thổ Belarus các doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ những nguồn nguyên liệu Belarus và châu Âu, sản xuất thực phẩm cho các thị trường Nga, Kazakhstan, Armenia, Mông Cổ...Nhằm đảm bảo một vị thế đàm phán mạnh mẽ hơn cho việc tham gia khu vực thương mại tự do với EAEC, Việt Nam cần cho các nước EAEC biết lợi thế rằng qua Việt Nam, các nước EAEC có tiềm năng bước vào nhiều thị trường TPP, tức thị trường các nước như Mỹ, Canada, New Zealand... Hiện nay, các nước EAEC quan tâm tới các thị trường này nhưng chưa thể tiếp cận. Sử dụng việc tham gia của Việt Nam vào TPP, phía Việt Nam có thể giành được một số nhượng bộ của các nước đối tác từ TC. (*): Ủy ban Kinh tế Á - Âu là cơ quan hoạt động thường trực của Liên minh thuế quan và Không gian kinh tế thống nhất. Ủy ban có chín thành viên (mỗi nước ba người), một thành viên được chọn làm chủ tịch (luân phiên), các thành viên còn lại được gọi là bộ trưởng, đặc trách các lĩnh vực khác nhau như hội nhập và kinh tế vĩ mô, kinh tế tài chính, thương mại ◆ Liên minh kinh tế Á - Âu(EAEC) gồm: Nga, Kazakhstan, Belarus (dự kiến có thêm Armenia và Kyrgyzstan).◆ Gần 40 quốc gia lên kế hoạch thành lập vùng mậu dịch tự do với EAEC (Ấn Độ, Israel, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, khối ASEAN và Thị trường chung Nam Mỹ) Tags: EAECLiên minh kinh tế Á - ÂuKhu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEC
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.