Em ruột bà nội tôi hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Tuổi 20 ra đi không vướng bận, gia đình nhiều lần tìm kiếm phần mộ của ông nhưng vô vọng. Tất cả chỉ là một dòng tên còn lại trên tấm bảng vàng ghi danh các liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ ở nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1.
Biết bao liệt sĩ đã nằm lại ở Điện Biên, để người thân day dứt vì chưa tìm thấy mộ. Nhưng không lớp bụi thời gian nào phủ mờ được niềm thương nhớ và tự hào về bậc cha ông đã hy sinh vì nghĩa lớn.
Không chỉ có hy sinh của người chiến sĩ trực tiếp cầm súng, mà còn bao tấm gương dân công hỏa tuyến không quản gian khổ, hiểm nguy tải lương tải đạn, bao gia đình nhịn ăn góp gạo nuôi bộ đội để tất cả cho chiến thắng.
Những ngày tháng năm lịch sử này, dòng người đổ về viếng nghĩa trang, thăm đồi A1, đồi Him Lam, cánh đồng Mường Thanh, Hồng Cúm... Có những Việt kiều xa quê canh cánh tìm về. Có những cụ già tận miền Nam chỉ mong một lần tận mắt thấy mảnh đất chiến trường xưa.
Dòng người đội mưa từ sáng sớm dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Cũng rất đông các bạn trẻ về với Điện Biên, sống lại cảm xúc chiến thắng năm nào. Dường như trong sâu thẳm tâm khảm mỗi người đều có một Điện Biên Phủ hào hùng không thể nào quên.
Nhưng Điện Biên Phủ không chỉ của riêng dân tộc Việt Nam. Sự hội tụ của lịch sử khiến mảnh đất hiền hòa vùng Tây Bắc đã trở thành biểu tượng chiến thắng chung của loài người tiến bộ chống lại chủ nghĩa thực dân xâm lược, chống lại cái ác, cái bạo tàn.
Sự có mặt của vị khách đặc biệt, bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp, trong lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng cho sự hòa giải, gác lại quá khứ, hướng đến hiện tại và tương lai hợp tác, tin cậy.
Trong thế giới còn nhiều bất ổn và phức tạp, sự kết nối ấy càng quý giá và đáng tự hào biết chừng nào.
Bài học lớn của Điện Biên Phủ là quân đội nhân dân phải luôn dựa vào nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu và chiến thắng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về những người lính của mình: "Thật hạnh phúc khi dân tộc có được những người con như vậy trong chiến tranh!
Mệnh lệnh của người chỉ huy, dù chính xác đến đâu, cũng trở thành vô nghĩa nếu không được những người cầm súng trên chiến trường thực hiện một cách chủ động và sáng tạo".
Có những người lãnh đạo tâm sáng, trí cao, yêu thương cấp dưới của mình như thế, làm sao người lính trên chiến trường chẳng xả thân không tiếc tuổi 20?
70 năm, đất nước qua bao cơn binh lửa, giờ đã vững bước trong dựng xây và hội nhập. Suy cho cùng, mọi hy sinh cũng chỉ để thế hệ sau được sống hòa bình.
Chiến thắng năm xưa càng oanh liệt thì trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay càng đặt ra nặng nề. Làm sao cho xứng đáng với máu xương cha ông đã đổ xuống? Làm sao sống động tinh thần, ý chí Điện Biên Phủ trong mỗi hành động, việc làm dựng xây đất nước hôm nay?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: "Tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử". Lắng nghe ý kiến nhân dân, hành động vì nhân dân chính là xây gốc sâu bền rễ cho sự nghiệp cách mạng và dựng xây đất nước.
Bởi trong mỗi người đều có một Điện Biên, trong mỗi công dân đất Việt đều có tình yêu và tự hào về Tổ quốc. Tin dân, trọng dân, phát huy được lòng yêu nước của mỗi người dân, sức mạnh Việt Nam là vô địch mà Điện Biên Phủ là minh chứng!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận