24/12/2017 16:10 GMT+7

Trong mắt người nước ngoài: Nhiều cách chia sẻ với người nghèo

HỒNG VÂN ghi
HỒNG VÂN ghi

TTO - Sự chia sẻ của cộng đồng với người nghèo, người kém may mắn là nét đẹp nhân văn được một số người nước ngoài chia sẻ dưới đây.

Trong mắt người nước ngoài: Nhiều cách chia sẻ với người nghèo - Ảnh 1.

Ông già Noel tặng quà cho trẻ em và công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại những công trình xây dựng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm Q. 2, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

“Cách giúp đỡ những người kém may mắn trong cộng đồng cũng nhiều và phong phú như chính những món quà được trao đi trong dịp lễ tết

Chị JENNA WADSWORTH MCCARTY

* Chị JENNA WADSWORTH MCCARTY (người Mỹ):

Trong mắt người nước ngoài: Nhiều cách chia sẻ với người nghèo - Ảnh 3.

Hỗ trợ thực phẩm cho người khó khăn

Tôi từng có nhiều năm làm giảng viên tình nguyện tại Việt Nam nên nhiều lần chứng kiến các bạn trẻ đi phát thức ăn, chăn mền cho những người kém may mắn phải mưu sinh trên đường phố trong đêm lạnh.

Khoảng thời gian từ lễ Tạ ơn đến lễ Giáng sinh là mùa lễ hội ở nước Mỹ, nó quan trọng như dịp tết của người Việt Nam. Đây là khoảng thời gian gia đình và bạn bè quây quần bên nhau, trao nhau quà tặng, cùng nấu ăn và có những bữa tiệc sum vầy. 

Chúng tôi thưởng thức những món ăn truyền thống ngọt ngào, trang trí nhà cửa và thắp sáng những cây thông. Những người đàn ông sẽ mặc trang phục ông già Noel mang quà cho trẻ nhỏ để giúp chúng duy trì niềm tin vào những điều mầu nhiệm.

Nhưng vẫn có những gia đình không đủ khả năng mua quà cho con cái, không có tiền mua thức ăn cho ngày lễ. Thậm chí có những người không có nhà để mà trang trí, không có cái giường ấm áp của riêng mình. 

Chúng tôi biết rằng còn nhiều người đang sống thiếu thốn và trái tim của chúng tôi hướng về với họ.

Thực phẩm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nhất là những ngày lễ tết nên nhiều người chọn cách hỗ trợ thực phẩm cho những người khó khăn hơn trong các dịp đặc biệt. Những gia đình không có điều kiện mua gà tây và thực phẩm trong dịp lễ có thể đăng ký để được hỗ trợ. 

Các gia đình khác trong cộng đồng sẽ đóng góp gà tây và loại thực phẩm cho bữa tiệc trong ngày lễ Tạ ơn. Thực phẩm sẽ được tập hợp và đưa đến những gia đình cần đến chúng.

Bếp súp là nơi người vô gia cư và thiếu đói được phục vụ bữa ăn. Nhà thờ sẽ tổ chức bếp ăn trong vùng hoặc gần các thành phố nơi có nhu cầu cao về sự hỗ trợ. 

Trong mùa lễ hội, bếp súp thường phục vụ các món ăn truyền thống để phần nào mang lại không khí đặc biệt cho những người cần sự giúp đỡ nhiều nhất trong cộng đồng.

Quà tặng là một phần quan trọng của lễ Giáng sinh. Để giúp những gia đình không đủ khả năng mua quà cho con cái, chúng tôi có phong trào quyên góp đồ chơi cho trẻ em.

Phong trào "Hỗ trợ một gia đình" cũng hoạt động tương tự như mô hình quyên góp đồ chơi nói trên nhưng khác biệt ở chỗ các món quà sẽ phù hợp với nhu cầu và mong muốn của gia đình cần đến chúng. Gia đình có điều kiện sẽ đăng ký hỗ trợ gia đình cần đến sự giúp đỡ. 

Họ sẽ nhận được danh sách những món quà mà các thành viên trong gia đình cần sự giúp đỡ mong muốn để ưu tiên mua tặng những thứ cần thiết nhất và được mong muốn nhất. Đôi khi, gia đình đăng ký giúp đỡ còn mang đến cây thông và giúp trang trí nhà cửa đón Giáng sinh cho gia đình kia.

Với những ai muốn sự giúp đỡ của mình có tính lâu dài và cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn bên ngoài nước Mỹ, họ thường chọn đóng góp cho các tổ chức từ thiện. 

Tổ chức Heifer là một tổ chức rất uy tín trong hoạt động này. Họ đại diện các nhà hảo tâm tặng trâu, bò, dê, lợn, lừa, gà, cá giống... cho các gia đình ở nhiều nơi trên thế giới.

Anh ARIF NURUL IMAM (nhà hoạt động xã hội, người Indonesia):

Trong mắt người nước ngoài: Nhiều cách chia sẻ với người nghèo - Ảnh 4.

Làm từ thiện rất tốt, nhưng nên giúp "cần câu"

Ở Indonesia, tôi nghĩ cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, chúng tôi có hai cách phổ biến để giúp những người kém may mắn trong xã hội.

Một là trực tiếp hỗ trợ những người còn khó khăn, đây là những hoạt động tự phát, quy mô nhỏ. Hai là thông qua những tổ chức xã hội. 

Các tổ chức này huy động được nguồn tài trợ tài chính, vật chất từ các mạnh thường quân và sau đó quản lý, điều phối nguồn lực này đến những địa chỉ cần sự giúp đỡ nhất. 

Theo tôi, đây là cách làm có hệ thống vì làm từ thiện - như đi giúp quần áo, thực phẩm, chữa bệnh là những hành động rất tốt, nhưng về lâu dài thì phải nâng cao năng lực cho những người đang gặp khó khăn để họ vươn lên.

Tôi thấy ở Việt Nam, các hoạt động từ thiện xã hội giúp đỡ người neo đơn, người thiếu thốn vào dịp năm hết tết đến là truyền thống tốt đẹp của các bạn. 

Hãy cứ phát huy các hoạt động từ thiện này, nhất là kêu gọi sự tham gia của các em học sinh, thanh niên, người trẻ để họ học được những điều tốt đẹp về lòng nhân ái, tình yêu thương thông qua hành động và điều này sẽ theo họ suốt cả cuộc đời. 

Rồi họ sẽ có con cái và lại trao tấm lòng thương người này cho con cái của mình.

Tuy nhiên, cho gì, cho như thế nào và cho đối tượng nào là những câu hỏi mà người đi giúp đỡ cần phải suy nghĩ để trả lời. Ví dụ, theo tôi, để giúp đỡ một người kém may mắn, chúng ta không chỉ giúp đỡ về vật chất trong ngắn hạn - kiểu như giúp họ một con cá ăn xong rồi thôi. 

Chúng ta cần làm sao để họ có thể tự lo cho mình, ví dụ như tập huấn cho họ về cách mua bán nhỏ để họ có cái "cần câu" kiếm sống lâu dài cho bản thân và gia đình.

* Anh MILIND DESHMUKH (người Ấn Độ):

Trong mắt người nước ngoài: Nhiều cách chia sẻ với người nghèo - Ảnh 5.

Giúp học sinh, sinh viên nghèo được đi học

Ấn Độ là một đất nước rất đa dạng với rất nhiều tôn giáo, các bang có ngôn ngữ, văn hóa khác nhau. 

Vào các dịp lễ lớn như Giáng sinh, lễ hội ánh sáng Diwali, chúng tôi có giúp đỡ những người nghèo nhưng chủ yếu mang tính cá nhân, tự phát, trong phạm vi gia đình, ví dụ như giúp những người làm, công nhân làm việc cho gia đình mình...

Tuy nhiên, người Ấn Độ rất chú trọng giúp đỡ các học sinh, sinh viên nghèo được đi học. Không chỉ những gia đình giàu có, các gia đình trung lưu cũng chung tay giúp những học sinh, sinh viên nghèo.

Chúng tôi làm việc này quanh năm. Nhiều quỹ từ thiện xã hội lập ra các ký túc xá cho sinh viên nghèo ở trọ và tiền hoạt động đến từ đóng góp hằng năm của những gia đình khá giả hơn. Các tổ chức khác thì giúp đỡ cho các bệnh nhân nghèo, bệnh nhân bị ung thư chẳng hạn.

Trong gia đình tôi, đã là truyền thống, vào ngày mất của cha tôi hay vào ngày sinh của các thành viên trong gia đình, chúng tôi thường tặng khoảng 2.000 rupee (khoảng 30 USD) cho trường học hoặc một quỹ từ thiện trong vùng.

Chúng tôi thường không giúp đỡ về thực phẩm vì ở Ấn Độ các gia đình dù nghèo vẫn không bị đói, họ vẫn kiếm được thực phẩm từ xung quanh mình. Hơn nữa, hỗ trợ họ bằng tiền hoặc thông qua một quỹ từ thiện có chương trình giúp đỡ họ lâu dài cũng tốt. Họ có thể dùng tiền mua những thứ thật cần thiết cho gia đình.

Ngoài ra, do Ấn Độ còn tồn tại chế độ đẳng cấp nên chính quyền can thiệp bằng cách dành riêng một tỉ lệ nhất định về việc làm và giáo dục cho những người ở những vị thế xã hội thiệt thòi hơn.

* Cô VERONNICA NAGATHOTA (người Úc):

6a033253

Nhiều người trẻ làm từ thiện là điều tuyệt vời

Ở Úc, rất nhiều người tham gia các hoạt động từ thiện giúp đỡ những người kém may mắn. Tuy nhiên, không giống ở Việt Nam là người trẻ tham gia gây quỹ nhiều, những người tình nguyện ở Úc hầu như là người đã về hưu.

Họ muốn mình vẫn là một nhân tố năng động trong cộng đồng, hoạt động tình nguyện có thể giúp họ chữa các vấn đề sức khỏe tâm thần và làm nguôi ngoai nỗi cô đơn khi về già.

Khi biết ở Việt Nam người trẻ rất nhiệt tình làm từ thiện, tôi cảm thấy rất tuyệt vời bởi vì thế hệ trẻ ngày nay quyết định sự thay đổi của tương lai.

Tôi ước gì ngày càng có nhiều người trẻ ở nước tôi cũng tham gia hoạt động tình nguyện giúp đỡ người nghèo như giới trẻ Việt Nam. Hiện nay một bộ phận giới trẻ ở nước tôi thích tận hưởng cuộc sống tiệc tùng và những thứ tiêu cực hơn là giúp đỡ xã hội.

HỒNG VÂN - NGỌC ĐÔNG ghi

HỒNG VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên