Nhiều người dân đến chứng giấy tờ tại UBND P.13, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) rất ấn tượng với tấm bảng ghi nội dung: "Cán bộ, công chức, người lao động Ủy ban nhân dân phường 13 quyết tâm thực hiện 4 biết": biết nói, biết cười, biết xin lỗi, biết cảm ơn" - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sau Hà Nội, Cần Thơ, mới đây Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất để TP ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Ủng hộ hay không ủng hộ, bên cạnh những tranh luận của bạn đọc, Tuổi Trẻ ghi nhận thêm một số ý kiến của người nước ngoài sống ở Việt Nam.
* Anh JAKE MALLALIEU (người Anh, sống tại TP.HCM):
Công chức là bộ mặt của cơ quan
Hơn một năm sống ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ có trải nghiệm nào xấu với cán bộ công chức ở đây. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ công chức của TP là việc làm rất hợp lý.
Bởi vì công chức phải lịch sự và chuyên nghiệp, đặc biệt là khi tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài hoặc người nước ngoài sống ở Việt Nam, hành động của họ dù tốt hay xấu cũng để lại ấn tượng lâu dài trong lòng du khách quốc tế không chỉ đối với cơ quan họ mà còn cả đất nước nữa.
Tôi từng là cảnh sát ở Anh. Ở Anh, chúng tôi có bộ quy tắc ứng xử rất nghiêm ngặt về hành vi và cách cư xử trong khi làm nhiệm vụ với tư cách một cảnh sát.
Những quy tắc này bao gồm nhiều điều khoản, từ việc mặc quần áo đồng phục, cạo râu sạch sẽ và không có hình xăm dễ nhìn thấy, cho đến các chuẩn mực về hành vi khác.
Trên hết, điều quan trọng cần nhớ là khi làm việc, bạn đại diện cho một tổ chức chứ không phải là cá nhân, vì vậy bạn phải luôn có ý thức với một tiêu chuẩn cao về tính chuyên nghiệp và tôn trọng mọi người.
Tại Anh, không chỉ ngành cảnh sát mà cán bộ công chức ở các ngành khác cũng có các bộ quy tắc ửng xử của riêng mình.
Theo quan điểm của tôi, cán bộ công chức có nhiệm vụ rất quan trọng trong bất kỳ xã hội nào. Công việc hằng ngày của họ đòi hỏi sự giao tiếp với các thành viên khác của xã hội, nên tinh thần chuyên nghiệp cao phải luôn được giữ vững.
Quy tắc ăn mặc là một trong những yếu tố quan trọng vì thể hiện được vẻ bề ngoài văn minh, lịch sự. Thêm vào đó, việc cấm sử dụng các thiết bị điện tử cho mục đích cá nhân cũng nên được đề ra để chống nạn lười biếng trong giờ làm việc và thúc đẩy tính chăm chỉ.
* Anh ALLISTER ESGUERRA (người Philippines):
Ăn mặc lịch sự là tôn trọng dân
Ở đất nước chúng tôi có quy định rõ ràng về trang phục, quy tắc ứng xử... cho nhân viên làm việc ở các văn phòng hoặc cơ quan nhà nước.
Cụ thể, những điều này được nêu ra trong đạo luật cộng hòa 6713 về quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức cho cán bộ và nhân viên nhà nước. Bộ quy tắc bao gồm các quy tắc, quy định chung cho nhân viên nhà nước và quy tắc, quy định riêng cho một vài trường hợp khác biệt.
Nhưng về cơ bản, các quy tắc, quy định này đều hướng đến yêu cầu cao nhất là mọi người làm việc ở các cơ quan nhà nước luôn phải mặc trang phục lịch sự. Điều này ngoài tạo ra sự lịch sự của công chức khi tiếp xúc với dân, còn tạo ra hình ảnh thân thiện, gần gũi và tôn trọng công dân của cán bộ và công chức nhà nước.
Ngoài ăn mặc, tác phong khi làm việc với công dân của công chức nhà nước ở các cơ quan công quyền, nơi xứ tôi cũng luôn được nhắc nhở như phải nhanh nhẹn, thái độ vui vẻ, tận tình hướng dẫn người dân trong giải quyết công việc của họ...
Người dân được quyền hưởng những dịch vụ tốt nhất
Từ lâu, nhiều nước đã ban hành các quy tắc, quy định về hành vi và cách ứng xử của cán bộ, công chức nhà nước nhằm phục vụ dân được tốt hơn.
Thậm chí, bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ công chức ở Nam Phi còn yêu cầu cán bộ phải xem người dân như khách hàng của mình để phục vụ.
Theo đó, cán bộ khi tiếp xúc với công chúng phải luôn phục vụ dân một cách khách quan, không thiên vị để tạo sự tin tưởng của người dân với dịch vụ công.
Ngoài ra, cán bộ công chức được yêu cầu phải lịch sự, luôn sẵn sàng giúp đỡ và có cung cách làm việc hợp lý với người dân, luôn đối xử với người dân như khách hàng và họ xứng đáng được hưởng những dịch vụ tốt nhất.
Bên cạnh đó, công chức phải xem xét hoàn cảnh và những quan ngại của công chúng khi làm nhiệm vụ, cũng như khi đưa ra những quyết định có thể ảnh hưởng đến người dân.
Cán bộ công chức không được phân biệt đối xử với bất kỳ người dân nào vì màu da, giới tính, tôn giáo, tuổi tác... của họ. Đồng thời cũng không được lạm dụng chức quyền, phải công nhận quyền được biết thông tin của người dân, trừ những thông tin nào được bảo mật theo quy định của pháp luật.
Tại Nhật Bản, bộ luật quy định đạo đức dịch vụ công đăng trên trang web của Cơ quan Nhân sự quốc gia Nhật Bản quy định rõ: cán bộ công chức không được phép đối xử không công bằng, phân biệt với công chúng; phải phân biệt giữa việc công và tư và không được sử dụng các nhiệm vụ hoặc vị trí của mình vì lợi ích cá nhân cho bản thân hoặc cho cơ quan; không được có hành động tạo ra sự nghi ngờ hoặc mất tín nhiệm với sự công bằng của dịch vụ công khi làm việc (ví dụ như nhận quà cáp từ các đối tượng chịu sự ảnh hưởng bởi quá trình làm nhiệm vụ của công chức).
Ngoài ra, cán bộ công chức cấp quản lý phải báo cáo với người đứng đầu cơ quan, bộ ngành của mình khi nhận quà có giá trị hơn 5.000 yen (khoảng 1 triệu đồng), nếu quà có giá trị hơn 20.000 yen (khoảng 4 triệu đồng) thì có thể sẽ phải công khai với công chúng nếu được yêu cầu.
N.ĐÔNG
Thăm dò ý kiến
TP Cần Thơ vừa ban hành quy định cấm công chức, viên chức mặc quần jean, áo thun đi làm. Bạn nghĩ gì về quy định này:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận