26/12/2019 10:39 GMT+7

'Trong mắt bạn bè, tôi không còn là thằng nghiện game'

NGUYỄN THANH THIỆN
NGUYỄN THANH THIỆN

TTO - LTS: Từ một học sinh nghiện game phải lưu ban, Nguyễn Thanh Thiện (sinh viên năm 2 ngành công nghệ thông tin, Trường CĐ nghề Đà Nẵng) giờ đây tìm thấy niềm hạnh phúc và gặt hái được thành công bước đầu trên con đường học nghề mà mình đã chọn.

Trong mắt bạn bè, tôi không còn là thằng nghiện game - Ảnh 1.

Nguyễn Thanh Thiện - sinh viên năm 2 Trường CĐ nghề Đà Nẵng - Ảnh: NVCC

Bài viết nằm trong cuộc thi viết "Tôi chọn nghề" lần 2 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Tấm lòng của cha

Tôi sinh ra trong gia đình nghèo vùng nông thôn, từng lên Gia Lai đi kinh tế mới nhưng chỉ ở mức đủ ăn. Thời còn đi học, tôi mơ ước được đứng trên giảng đường làm thầy truyền đạt kiến thức cho sinh viên. Ước mơ luôn cần sự cố gắng, thế nhưng một thời gian dài, tôi sa đà vào những cuộc chơi với đám bạn, rồi lại nghiện game nên thường xuyên trốn học.

Lúc đó, ba mẹ tôi rất buồn và thất vọng. Đỉnh điểm, khi biết tin tôi bị lưu ban, ba mẹ còn bảo hãy ở nhà làm nông cùng gia đình. Tôi dường như đã buông xuôi vì nhận thấy không còn kiến thức gì trong đầu nữa. Tôi đã chuẩn bị tâm lý sẽ nghỉ học đi làm.

Nhà tôi có người chị cả trước đó đã tốt nghiệp trường nghề ở Đà Nẵng. Lúc còn đi học, chị năm nào cũng đạt được học bổng và là sinh viên giỏi toàn trường, lại thường tham gia các hoạt động Đoàn của trường, rảnh thì đi dạy thêm, làm thêm. Ra trường, chị tôi bắt đầu vẽ thiết kế thời trang cho một công ty Hàn Quốc và khá thành công khi tự lo cho bản thân, lại còn hay đỡ đần gia đình.

Chính chị là người gợi ý cho tôi theo học trường nghề. Tôi nghe theo và chọn ngành công nghệ thông tin bởi học và làm việc trên máy tính, vả lại là thứ mình thích từ nhỏ.

Hạnh phúc với từng sản phẩm

Sau 2 năm theo học công nghệ thông tin, tôi cũng tự tay thiết kế được nhiều website như website bán hàng, thông tin, blog cá nhân, các loại đồ họa, logo... Khi lần đầu giao được một website ưng ý cho khách hàng, tôi thực sự không biết diễn tả niềm hạnh phúc như thế nào, bởi chính cái nghề mình đang theo học, sản phẩm chính tay mình tạo ra cho nhiều người dùng sử dụng truy cập trơn tru.

Hiện tại, mỗi ngày tôi đều sống trong niềm vui với việc học và công việc, lại thường xuyên mở ra xem những tác phẩm mình đã làm được. Những điều đó khiến tôi ngày càng yêu nghề và muốn gắn bó, tiếp xúc với nó hơn nữa. Tôi có gọi cho nhà báo tin những kết quả đã đạt được, ba mẹ cũng rất vui và tiếp thêm nguồn động lực tinh thần to lớn đến người con phương xa.

"Mục đích là thứ tạo ra hạnh phúc thực sự" - câu nói của Mark Zuckerberg đã truyền cảm hứng cho tôi. Cũng chính ông - một con người thành công trên con đường công nghệ thông tin - là tấm gương cho tôi phấn đấu trong hiện tại và cả tương lai để đạt đến những đích đến của cuộc đời.

Bài dự thi "Tôi chọn nghề" không quá 1.500 chữ và phải để tên thật, địa chỉ của nhân vật, số điện thoại để ban tổ chức liên lạc khi cần thiết.

Thời gian nhận bài dự thi từ khi phát động đến hết ngày 29-5-2020.

Gửi bài qua địa chỉ email [email protected] hoặc địa chỉ: Ban giáo dục - khoa học báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ghi rõ dự thi "Tôi chọn nghề".

Giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng, giải ba 10 triệu đồng và năm giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng.

Bỏ đại học đi học nghề: chọn nghề như thế nào? Bỏ đại học đi học nghề: chọn nghề như thế nào?

TTO - Để chọn nghề, trước tiên dựa trên sở thích, năng lực, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội. Hiện nay và sắp tới, các ngành CNTT, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, y tế, du lịch, dịch vụ, logictics... nhu cầu nhân lực rất lớn.

NGUYỄN THANH THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên