31/01/2018 18:24 GMT+7

Trồng lúa trên đồng sạch

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

Từ nhiều năm nay, nông dân ở huyện biên giới An Phú, An Giang trồng lúa mà không hề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đồng thời hạn chế tối đa dùng phân bón.

Trồng lúa trên đồng sạch - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thao xuống đồng ruộng, hướng dẫn cho nông dân phương pháp phòng trừ dịch hại trên lúa không dùng thuốc bảo vệ thực vật - Ảnh: ĐỨC VỊNH

Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Hằng ngày khi đi qua các cánh đồng ở xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú (An Giang), nhiều người đều cảm nhận được không khí trong lành, hương đồng nội ngan ngát. Đó đây, nông dân đang chăm sóc lúa trên từng thửa ruộng, nhưng không phun xịt thuốc.

Nhiều nông dân ở đây kể, mỗi mùa vụ khi cày bừa, làm vệ sinh sạch mặt ruộng xong, họ gieo sạ thưa, mỗi công chỉ chừng 12kg lúa giống. Các nông dân này đều xuống giống cùng đợt để né rầy. Đặc biệt, suốt giai đoạn từ mạ đến bông trổ chín không dùng bất kỳ loại thuốc nào mà lúa vẫn phát triển tốt.

Trồng lúa không sử dụng thuốc BVTV hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học. Trước hết phải sạ thưa, bón phân cân đối giúp cho lúa ít nhiễm sâu bệnh. Không phun thuốc nhằm bảo vệ, phát triển thiên địch có ích, chúng khống chế được nhiều loại dịch hại.

ông Nguyễn Văn Thao

Chỉ ra đám lúa đông xuân đang "thì con gái", một nông dân giải thích việc bón phân với lượng vừa đủ không dư đạm hoặc dùng phân hữu cơ nên ruộng ít nhiễm bệnh. 

Các nông dân này còn trồng hoa dọc theo bờ thửa tạo điều kiện cho các loại thiên địch phát triển để phòng trừ sâu hại trên lúa rất hiệu quả. Nếu phát hiện rầy thì diệt bằng cách dùng bẫy đèn…

"Bao năm nay tụi tui mần ruộng chẳng bao giờ thèm đụng tới thuốc BVTV. Nhờ đó tiết giảm được chi phí giống, phân thuốc cùng tiền thuê nhân công phun xịt mỗi vụ khoảng 4 triệu đồng/ha.

Lúa cũng dễ bán nên lợi nhuận đạt cao hơn lối trồng lúa thường dùng nhiều phân, thuốc như trước đây", bà Lê Thị Hòa, làm 3ha ruộng ở ấp Vĩnh Hưng, khẳng định.

Ông Mai Văn Bộ, trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Phú, cho hay đến nay đã có hàng trăm hộ nông dân trong huyện, phần lớn ở hai xã Vĩnh Lộc và Phú Hữu canh tác 400ha lúa hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV và hạn chế dùng phân bón. Trồng lúa theo cách này năng suất vẫn đạt bình thường…

Từ "ruộng ông Thao"

Nhiều cán bộ ngành nông nghiệp và người dân ở huyện An Phú, khẳng định mô hình làm lúa không dùng thuốc này khởi đầu từ ông Nguyễn Văn Thao ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc.

Đầu những năm 90, ông Thao đã thử nghiệm cánh đồng không dùng thuốc BVTV, hạn chế phân bón thì thường thấy vụ nào lúa cũng ít nhiễm sâu bệnh hơn. Kết quả năng suất lúa giảm không đáng kể mà chi phí sản xuất lại thấp nên luôn có lợi nhuận khá hơn trước.

Thấy vậy, một số hộ làm ruộng lân cận bắt đầu áp dụng theo, được ông chỉ dẫn tận tình, ai nấy đều đạt mức lãi tương tự.

Theo ông Thao, tuy ngành nông nghiệp nỗ lực hướng dẫn, thậm chí thuyết phục nông dân hạn chế thuốc BVTV, phân bón, nhưng việc thay đổi tập quán canh tác của họ không phải dễ dàng. Bà con chỉ tin tưởng thực hiện sau khi đã chứng kiến tường tận hiệu quả thực tế.

Hồi đó, vốn là nông dân gắn bó với ruộng đồng, quanh năm chứng kiến cây lúa thường nhiễm sâu bệnh phải sử dụng nhiều phân thuốc. Sau này nhận ra việc này còn ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, từ đó ông càng thêm tâm huyết hoàn thiện rồi cho phát triển mô hình để tạo ra sản phẩm lúa gạo sạch.

"Bởi đây là cơ sở khoa học giảm chi phí mà đem lại hiệu quả kinh tế, đồng thời bảo vệ sinh thái đồng ruộng, đảm bảo an toàn sức khỏe lâu dài cho nông dân, cho cả người tiêu dùng", ông Thao tâm sự.

Mô hình trồng lúa lý tưởng đáp ứng thị trường

Mô hình trồng lúa trên đất sạch tại xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, An Giang mang ý nghĩa rất lớn trong canh tác lúa bền vững bởi lẽ đạt được hiệu quả về mặt kinh tế qua giảm chi phí sản xuất, giữ vững năng suất, nâng chất lượng gạo trong thị trường cạnh tranh.

Về xã hội, có nhân tố tích cực là anh Thao ứng dụng đầu tiên, cộng đồng nông dân của xã đã ý thức được giá trị trồng lúa sạch và liên kết lại để nhân lên, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp gắn kết và hỗ trợ.

Quan trọng hơn là môi trường nước vùng trồng lúa thượng nguồn ĐBSCL lại ít ô nhiễm hơn. Đây là mô hình trồng lúa lý tưởng đáp ứng thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Vì thế, cần nhân rộng mô hình trồng lúa sạch này và mở rộng thị trường gạo sạch và an toàn nhằm tăng giá bán lúa - gạo cho nông dân thực hiện mô hình; đặc biệt cho các địa phương trồng lúa đầu nguồn ĐBSCL.

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL


ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên