Thạch nhũ trong động Đăng - Ảnh: Y.T. |
Nằm trong lòng núi Trường Sinh, chừng năm năm nay động được đưa vào khai thác du lịch vì vẻ hoang sơ và có nhiều thạch nhũ tạo hình độc đáo.
Đường hầm bí ẩn
Chiều dần buông, người đến suối cá Cẩm Lương vẫn còn đông. Đâu đó vang lên bài hát của người Mường, gợi lại những điệu múa truyền thống duyên dáng. Dẫn chúng tôi lên những bậc thang thoai thoải để đến cửa hang cách mặt đất gần 10m, chị Phạm Thị Ngàn - hướng dẫn viên của khu du lịch suối cá Cẩm Lương - nói rằng trước đây khách rất ít ghé vào hang động mà chỉ tham quan suối cá.
“Họ không biết trong hang động, người dân từ rất lâu đã tự giải thích hình dạng các thạch nhũ, vách hang bằng những câu chuyện thần thoại bốn phương. Điều này đã biến những khối đá vô tri vô giác trở nên có linh hồn” - chị Ngàn chia sẻ.
Vì động trong lòng núi tối và ẩm lạnh nên người đi tham quan được thuyết minh viên đưa một chiếc đèn pin để có thể trông rõ lối đi và hình thù các thạch nhũ trên vách động. Mới 16g nhưng trời nơi đây đã sập tối do mưa phùn. Dù vậy, một đoàn khách khoảng 20 người vẫn quyết định khám phá hang động.
Đến cửa động, chị Ngàn nói với cả đoàn: “Tất cả quý khách tập trung nhìn theo ánh đèn pin của tôi, mỗi khi tôi chiếu vào đâu thì những câu chuyện sẽ hiện lên đến đó”. Đi sau chị, đoàn khách vừa hồi hộp vừa thích thú bám chặt tay vào vách đá. Từ cửa hang trên cao, khách vào động di chuyển qua một lối đi nhỏ, lách mình qua những khe đá, có chỗ chỉ là một vòm đá nhỏ, chỗ lại rộng thoáng và gây cảm giác choáng ngợp.
Khách nhanh chóng bị cuốn hút bởi lời thuyết minh của chị Ngàn về hình thù các thạch nhũ, vách đá. Có nơi chị nói đó là sự tích chú voi đi đánh trận khi khách thắc mắc về một mô đá hình dạng như chú voi.
Rồi đến cột chống trời với khối đá tạo hình sừng sững gần giữa hang. Đến vách đá tạo hình như hai dòng thác tuôn chảy, chị giải thích đó là sự tích thác vàng thác bạc từ xa xưa. Có cả động Sơn Tinh, Thủy Tinh, cả khung cảnh trên tiên giới với những khối đá nhiều hình thù.
Hướng dẫn viên còn dùng tay gõ vào những mảnh vách đá, tạo âm thanh như một chiếc đàn lớn. “Đá ở đây lạ quá, có cát lấp lánh nhìn rất thu hút. Tôi đã đi tham quan nhiều động ở Việt Nam nhưng hang động này quả là hoang sơ, sự lý giải của hướng dẫn viên cũng rất sáng tạo” - ông Thạch Cường (50 tuổi, khách tham quan) chia sẻ.
Lối vào cửa động được đặt tên là cửa Cha, lối ra ở bên kia núi được đặt là cửa Mẹ. Lối vào hẹp nhưng lối ra thoáng rộng và trông rõ mảng thiên nhiên hoang sơ phía ngoài. Trước khi ra cửa Mẹ, hang còn đặt một đền thờ, thờ dòng họ Trương.
Theo lời của chị Ngàn, khu vực này trước đây có một phụ nữ họ Trương sau nhiều năm lấy chồng nhưng không có con nên đã lên hang lập đền thờ khấn vái. Sau đó, người này đã sinh được con. Từ đó đến nay những người hiếm muộn nghe kể về sự linh thiêng của đền thờ đã đến đây thắp nhang cầu khấn.
Đội hướng dẫn viên nhí trong động Đăng - Ảnh: Y.T. |
Đội hướng dẫn viên “nhí”
Khách tham quan hang động còn thích thú bởi nơi này có một nhóm hướng dẫn viên mới mười mấy tuổi nhưng rất rành các sự tích trong hang. Bằng lời kể dí dỏm, các em khiến khách vừa ngạc nhiên vừa gật gù hài lòng khi giải thích hình thù thạch nhũ, cửa hang...
Vì còn trong tuổi đi học nhưng do sống và gắn bó với suối cá từ nhỏ, thuộc nằm lòng các câu chuyện về suối cá nên khi nào rảnh, các em lại đến cửa hang đợi khách để làm hướng dẫn viên không chuyên.
Kháu khỉnh nhất trong nhóm là em Bùi Ngọc Thanh (13 tuổi). Nét mặt sáng và giọng nói líu lo, em kể: “Em đi dẫn từ lúc 6 tuổi. Không ai dạy tụi em cả, hồi nhỏ tụi em đi phụ bán nhang cho khách, đi theo các anh chị lớn vào hang nên được nghe kể nhiều sự tích”.
Chỉ qua vài lần, Thanh đã ghi nhớ những câu chuyện và kể lại theo cách riêng của mình. Càng lớn việc học càng chiếm nhiều thời gian nên hiện giờ Thanh chỉ vào hang hai ngày cuối tuần. Mỗi lần khách nhờ hướng dẫn, thường trả cho em 50.000 đồng và tiền thuê đèn pin là 20.000 đồng.
Em cho biết không cần tiêu xài gì nên tiền này em đem về cho mẹ. Chị gái 16 tuổi của em, tên Bùi Thị Linh Thùy, cũng thi thoảng vào hang làm hướng dẫn viên như em.
Vì còn nhỏ tuổi nên trong lúc rảnh rỗi không có khách vào hang, các em tụ lại ăn uống và bày trò chơi. Em Lê Thế Nam (15 tuổi) ngồi cùng 4-5 em, nói việc thuyết minh hang động tuy đơn giản nhưng do di chuyển nhiều và trả lời thắc mắc của khách liên tục nên cũng rất mệt.
Tuy là “đồng nghiệp” nhưng các em không tranh giành, ngày nào đi làm thì các em canh chừng để chia nhau dẫn khách, do đó không ai bị “ế”. Nam nói với vẻ người lớn: “Làm cái này mà không yêu hang động, không thích thì không làm được đâu. Tụi em đi dẫn quen rồi, ngày nào học nhiều không vào hang được là lại thấy nhớ nhớ”.
Còn Nguyễn Thị Phượng (25 tuổi) là hướng dẫn viên khá nổi tiếng nơi này. Phượng dẫn khách từ năm 14 tuổi, ngày trước có khi một ngày dẫn cả 10 đoàn khách. Phượng nói: “Lần đầu dẫn tôi cũng hồi hộp lắm, có khi quên mất sự tích.
Nhưng càng dẫn càng thấy thích, nhất là khi khách cũng hào hứng với những câu chuyện của mình”. Giờ Phượng hiếm khi hướng dẫn vì còn bận buôn bán phụ gia đình, nhưng cô chia sẻ bản thân thấy rất vui khi trở thành một phần của hang động này.
Tương tự như Phượng là Phạm Văn Thắng (hiện 26 tuổi) rất hứng thú khi đưa khách lên động. Thắng cho biết cạnh cửa ra của động Đăng còn có một động rất dài được người dân bản địa đặt tên là hang Dơi. Cậu cho biết: “Hang này rộng và dài lắm.
Trước đây từng có người vào rồi nhưng sau nhiều giờ vào trong lại quay ra vì chưa thể đến điểm cuối. Trong hang rất đẹp nhưng chưa được khai thác, điện chưa có nên vào rất nguy hiểm, dễ đi lạc không tìm thấy lối ra”.
Khởi nguồn của suối cá thần Người dân nơi này cho biết họ không rõ hang động có từ khi nào, nhưng từ nhỏ đã nghe ông bà kể rằng động đã tồn tại hàng ngàn năm. Trong lòng hang, từ lâu đã có một lỗ hang dẫn sâu vào lòng đất mà bà con nơi này lý giải đó là khởi nguồn của hang cá thần. Bà Bùi Thị Thiếp (78 tuổi) kể: “Cách đây chừng 50 năm, người trong làng từng chui vào hang cá thám hiểm. Họ phát hiện rất nhiều suối ngầm, chia làm hai dòng nước nóng lạnh khi ra khỏi hang thì hòa vào nhau. Đàn cá sống trong dòng nước ấm nên chỉ quanh quẩn khu vực có nước tinh khiết từ lòng núi”. Động Đăng không những được cho là nơi bắt nguồn suối cá, mà còn gắn với sự tích thần rắn - những vị thần được dân lập miếu thờ bên bờ suối. Về sự tích thần rắn, người trong thôn kể rằng đã xưa lắm, cứ vào tiết thanh minh các “ông rắn” cỡ bằng ngón tay lại bò ra nhiều đến hàng nghìn hàng vạn. Thi thoảng còn xuất hiện đôi rắn trắng đen bơi qua bơi lại trên mặt suối. Người dân tin rằng thần rắn sẽ phù hộ cuộc sống ấm no, trở thành một phần đời sống tâm linh của người dân nơi này. |
______________
Kỳ tới: Sống nhờ “cá thần”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận