18/01/2019 21:17 GMT+7

'Trong cơn hồng thủy phong ba, DK1 - bản hùng ca lưu đời...'

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Những chuyến tàu của hải quân ra đến thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đều dừng lại tổ chức lễ tưởng niệm, gửi vòng hoa đến các chiến sĩ nhà giàn đã hi sinh trong quá trình làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.

Lễ tưởng niệm các chiến sĩ nhà giàn trên tàu Trường Sa 19 tại bãi cạn Phúc Nguyên - Video: SƠN LÂM

Vừa ra đến bãi cạn Phúc Nguyên trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, tàu Trường Sa 19 chở đoàn chúc tết các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn do Bộ Tư lệnh vùng 2 tổ chức đã neo lại để tổ chức buổi các chiến sĩ nhà giàn hi sinh trong quá trình bảo vệ biên cương đất nước.

Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến - phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân - cho biết đây là thông lệ của những chuyến tàu của lực lượng hải quân mỗi khi ngang qua thềm lục địa phía Nam làm nhiệm vụ.

26 năm qua, từ khi các nhà giàn được thành lập, tạo nên những cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ làm điểm tựa linh thiêng cho ngư dân giữa trùng khơi, luôn có bao thế hệ các chiến sĩ sẵn sàng gác lại những tình cảm, cá nhân riêng tư của tuổi trẻ để làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương biển đảo.

Cũng đã có không biết bao tấm gương hi sinh anh dũng khi cố bám trụ, bảo vệ nhà giàn giữa bão giông, trên đầu sóng ngọn gió.

Đêm 4 rạng sáng 5-12-1990, cơn bão số 10 với sức gió trên cấp 12 đã cuốn trôi nhà giàn /3 ở bãi cạn Phúc Tần, đẩy cả 8 chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ nhà giàn xuống biển. Thượng úy Trần Hữu Quảng, thượng úy chuyên nghiệp Trần Văn Là và chiến sĩ Hồ Văn Hiền đã anh dũng hi sinh.

Ngày 12-12-1998, cơn bão số 8 tiếp tục làm nhà giàn DK1/6 ở Bãi cạn Phúc Nguyên bị đổ, thêm 3 người con ưu tú của đất nước là đại úy Vũ Quang Chương, chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An mãi mãi nằm lại, hóa thân vào sóng nước.

Đến khi hi sinh, các chiến sĩ vẫn chấp hành nguyên mệnh lệnh, dũng cảm quên mình cốt yếu lo cho nhà giàn, là biểu tượng hoa tiêu của đất nước trên Biển Đông mênh mông.

Sự hi sinh của các chiến sĩ đã để lại tấm gương cao đẹp của người lính hải quân trong thời kỳ đổi mới, luôn vì biển đảo quê hương, vì sự bền vững của Tổ quốc.

Tại buổi lễ tưởng niệm, đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến thay mặt đoàn công tác trên tàu Trường Sa 19 hướng về vong linh các chiến sĩ đã hi sinh bằng những vần thơ trầm hùng:

"Ngỡ ngưng bom đạn chiến trường

Mà sao sinh tử vẫn thường xảy ra

Trong cơn hồng thủy phong ba

DK1 - bản hùng ca lưu đời…

Hương trầm quyện gió tỏa quanh

Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương

Sống không mưu lợi tầm thường

Hồn thiêng thanh thản ở nơi vĩnh hằng…".

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên