20/03/2019 10:55 GMT+7

Trồng chanh leo phát triển bản làng nhờ 'đi chơi một chuyến'

MINH PHƯỢNG - HÀ THANH
MINH PHƯỢNG - HÀ THANH

TTO - Những chàng trai dân tộc Thái ở bản Púng Ngồ (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã tìm được một hướng đi mới cho mình: bỏ cây ngô, cây sắn bao đời gắn với bản làng để thay bằng cây chanh leo.

Trồng chanh leo phát triển bản làng nhờ đi chơi một chuyến - Ảnh 1.

Anh Lường Văn Thanh bên vườn chanh leo mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Gần hai năm nay, nhờ trồng chanh leo mà có tiền hơn, nhà sửa sang to hơn, cái sân đang trải đá đẹp hơn

Trưởng bản LƯỜNG VĂN THANH

Một hợp tác xã trồng chanh leo ra đời. Cây chanh leo phủ kín nương đồi, tạo nên diện mạo mới của bản làng.

Có tiền hơn nhờ trồng chanh leo

10h, Lường Văn Thanh (34 tuổi, trưởng bản Púng Ngồ) từ huyện trở về trong áo sơmi, quần tây chỉn chu. "Công việc của bản nhiều nên bận rộn" - nói rồi, anh thay bộ quần áo làm vườn ra cắt tỉa, thu hoạch trái ngoài vườn chanh leo. "Gần hai năm nay, nhờ trồng chanh leo mà có tiền hơn, nhà sửa sang to hơn, cái sân đang trải đá đẹp hơn" - trưởng bản khoe.

Anh Thanh cho biết bao đời nay, bà con người Thái ở bản chỉ quen với cây sắn, cây ngô, làm thì vất vả nhưng chẳng được bao nhiêu tiền. Vì thế, khi nghe nói dưới Mộc Châu (Sơn La) trồng chanh leo hiệu quả kinh tế cao thì anh quyết "đi chơi một chuyến". 

Anh Thanh cùng anh trai là Lường Văn Lợi, mấy người cháu và anh em trong bản tự bỏ tiền túi xuống Mộc Châu học hỏi các kỹ thuật, kinh nghiệm trồng chanh leo. Trở về nhà, ưng cái bụng, họ cùng gom góp vốn, vay mượn thêm để đầu tư vào mô hình trồng chanh leo. Hợp tác xã Nông Xanh ra đời từ ấy và giám đốc là trưởng bản Lường Văn Thanh.

Những người dân bản Púng Ngồ chưa từng ra khỏi bản, cũng chưa từng cầm số tiền lớn, nay quyết định đầu tư số tiền hàng chục triệu, thêm vào đó việc chưa am hiểu kỹ thuật trồng cây chanh leo khiến tất cả không khỏi lo lắng. 

Tuy nhiên, họ tin tưởng vào trưởng bản đi cùng với khát khao cho cuộc sống khấm khá hơn. Lúc này, anh Thanh chủ động tìm hiểu kiến thức từ những người trồng chanh leo, trực tiếp học hỏi từ một công ty ở Mộc Châu cũng như đọc thêm các tài liệu để phổ biến cho các thành viên.

"Cái cây này mà không chăm sóc kỹ dễ bị sâu bệnh nhiều. Giờ mọi người kinh nghiệm rồi, cây gặp bệnh này bệnh kia thì chỉ cần gọi điện thoại, anh em kỹ thuật bên công ty Mộc Châu tình nguyện tư vấn hướng dẫn cho" - anh Lợi cho biết.

Trước đó, lúc mới bắt tay vào làm, hợp tác xã phát triển khoảng 1ha trồng chanh leo. Năm 2018 đã lên được 6ha. Quỹ đất của anh em trong hợp tác xã có hơn 20ha và mọi người đang tính năm 2019 sẽ phát triển thêm. 

"Để đầu tư trồng chanh leo thì cả cây giống, chi phí đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động khoảng 70-80 triệu đồng/ha. Qua hai năm trồng, năng suất ước tính 30 tấn/ha. Năm đầu tiên, các vườn thu về khoảng 120 triệu đồng/ha" - anh Thanh nói.

Bên cạnh vườn chanh leo ở bản Púng Ngồ, anh Lợi còn thuê đất để trồng chanh leo ở bản Nà Hén. Giám đốc Lường Văn Thanh cũng vận động các thành viên làm thêm chanh leo ở đường đi lên Chiềng Mai với diện tích tầm 2ha.

Hướng đến xuất khẩu

Anh Thanh chia sẻ: "Mình sống ở đây, hiểu được trồng các loại cây như ngô, sắn không được bao nhiêu tiền nên vận động bà con chuyển đổi cây trồng. Cây chanh leo là cây ngắn ngày, cho thu hoạch nhanh, năm tháng đã được thu rồi. Sau thu hoạch mình chỉ cắt tỉa trên giàn, mùa sau lại cho quả, sau ba năm mới phải trồng gốc khác".

Hiện hợp tác xã có 9 thành viên và có rất nhiều bà con muốn tham gia hợp tác xã. Người trưởng bản này đang tìm kiếm những nguồn vốn để hỗ trợ ban đầu cho bà con.

Hiện nay, việc tìm kiếm các đơn hàng và tìm đầu ra cho sản phẩm, anh Thanh là người lo chính, anh em còn lại chỉ lo khâu sản xuất. Anh Thanh thường đi các tỉnh để tìm thêm thị trường và các mô hình để liên kết. "Chanh leo hiện giá còn biến động cao quá, đó là cái khó khăn nhất của hợp tác xã" - anh Thanh trăn trở.

Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm, sắp tới anh Thanh sẽ phát triển mô hình sản xuất chanh theo hướng hữu cơ, đưa chanh leo xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Tạo việc làm cho dân bản

Nhắc đến mô hình hợp tác xã trồng chanh leo ở bản Púng Ngồ, anh Lò Văn Bình (36 tuổi, phó chủ tịch Hội nông dân xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La) đánh giá "đây là mô hình tuyệt vời" vì trước đó trong bản chỉ trồng ngô, khoai, sắn, mía hiệu quả kinh tế thấp. Mô hình này vừa giúp các hộ gia đình phát triển kinh tế, vừa tạo công ăn việc làm cho người trong bản, nhất là những người trẻ tuổi.

Phi công đầu tiên lái thủy phi cơ DHC-6 về Việt Nam

TTO - Chuyến bay đưa thủy phi cơ DHC-6 về Việt Nam kéo dài 50 giờ bay trên không, đi qua bảy sân bay, năm quốc gia. Thượng úy Nguyễn Văn Thuận là phi công quân sự đầu tiên của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này.

MINH PHƯỢNG - HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên