Trồng cây và nương tựa tự nhiên: Tôi thấy mình như khe nước nhỏ…

HẰNG MAI 01/03/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Một bác nông dân, một cô nhân viên văn phòng, một kỹ sư chế tạo máy, một doanh nhân… đi làm vườn và trồng cây thì có gì khác và giống nhau? Câu chuyện của những người trồng cây gây rừng dưới đây chia sẻ những cách nghĩ, cách làm ít tốn kém, tối ưu hóa được nguồn lực nếu biết nương tựa vào tự nhiên, cả những sai lầm và vỡ lẽ của họ… Tất cả dẫn họ đi qua một hành trình không định trước, đi từ câu hỏi “trồng cây gì ở đây?” đến câu hỏi “cây gì mọc được ở đây?”, từ tâm thế chủ nhân đến tâm thế nương tựa thiên nhiên. Nhờ thế mà họ nhận thức khác đi, hành động khác đi, sống khác đi. Họ đi từ việc biết “nương” (nương tay, nương nhẹ, nương theo) rồi mới có thể “tựa” được.

Câu chuyện của ông Nguyễn Minh Hải, sinh năm 1966, ở xã Ia Phang (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) - một người làm vườn rừng. 

 

 Khu vườn rừng của ông Hải (Ảnh: Hằng Mai)

Tôi theo cha từ miền Trung lên Tây Nguyên làm kinh tế mới khi ngoài 20 tuổi. Năm 30 tuổi, tôi lập gia đình và ra ở riêng. Vì mới ra riêng, vốn ít, tôi không trồng những cây đòi hỏi vốn đầu tư cao như cà phê và tiêu mà chọn trồng điều và chuối.

Năm 2003, vợ tôi bệnh nặng phải nhập viện ở Sài Gòn. Tôi đi theo chăm vợ bệnh, nhà cửa bỏ không, con cái gửi các em, vườn tược cũng gửi các em chăm sóc và bán nông sản. Sau vài tháng ở bệnh viện, khi trở về nhà, hai vợ chồng tay trắng cộng với ít nợ nần. Lúc đó, tôi nhìn vào vườn chuối và điều của mình, cảm thấy may mắn. Nếu trước đó tôi trồng loại cây nào khác đòi hỏi nguồn lực lớn hơn, thì sau thời gian vừa qua có khi đã không gượng dậy được.

Vườn chuối và điều là chỗ dựa giúp chúng tôi hồi phục kinh tế. Sau biến cố gia đình, tôi biết mình phải làm ít lại để tự chủ và để còn có thời gian tiếp tục chăm sóc vợ. Cô ấy vẫn cần tiếp tục điều trị trong 3 năm liền. Tôi quyết định trồng cây lâm nghiệp để đỡ chi phí đầu tư, đỡ tốn công và có của để dành.

Thời điểm 18 năm về trước đó, quả đồi 7ha của tôi gặp đủ chuyện khó khăn: vùng đỉnh đồi không có thảm thực vật che phủ nên bị xói mòn, suy thoái độ phì, đất lẫn nhiều đá, không có nguồn nước (canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa) nên không thể trồng cây hằng năm. 

Giải pháp khả thi khi đó là bỏ hoang hoặc trồng cây lâu năm. Vì đồi toàn đá, chỉ có cây xoan sống được nên tôi trồng xoan đầu tiên. Mới đầu thấy cây rừng tự tái sinh là tôi phát hết, cho khỏi cạnh tranh với xoan. Nhưng rồi tôi nhận ra sai lầm của mình: Sao mình trồng cây hoài không được, giờ có cây tự mọc mà mình lại đi chặt?

Từ đó, cây gì tự mọc lên tôi đều dưỡng hết. Cùng lúc, tôi trồng chuối xen với xoan, tạo nguồn thu ngắn hạn. Cứ tự nhiên như vậy, cả xoan và chuối đều là cây tiên phong hợp lý cho diễn thế tái lập rừng cho mảnh đất của tôi.

Trồng cây khó một thì giữ cây khó mười. Mình biết sống một chút thì mới giữ được. Tôi kết thân với cộng đồng người bản địa sống xung quanh, biết “thủ lĩnh” của họ là ai, khi cần thì nên nói chuyện với ai. Phía dưới chân đồi có một làng người đồng bào dân tộc ít người. Họ hiểu rằng tôi “nuôi rừng”, rằng họ có nước xài là nhờ những cái cây trên đồi của tôi nên họ rất hợp tác. Tôi cũng chia sẻ nguồn lợi của khu vườn như cỏ, măng... cho họ thu hái để dùng.

Ngoài việc nương tựa vào tự nhiên và cộng đồng trong việc trồng cây như nói ở trên, tôi nghĩ bản chất của một nông dân căn cơ, hà tiện đã giúp tôi đi qua được 18 năm qua và giữ được quả đồi cùng những cái cây. Tôi tự tay làm mọi việc và thuộc từng gốc cây trong vườn mình. Tôi hạn chế mọi giải pháp phải sử dụng đến tiền, không thuê mướn và không sử dụng giải pháp công trình. Ngay cả việc trồng cây tôi cũng chỉ đào hố vừa đủ cho gốc cây.

Tôi cũng từng trồng một ít tiêu, với tâm ý thận trọng. Nhờ làm ít nên tôi không bị sa lầy. Nhờ đi chậm nên tôi không nếm thất bại lớn. Nhưng tôi vẫn thấy rõ sự thất bại và những khó khăn của phương thức canh tác mà số đông đang thực hành. Ví dụ, nước tưới càng ngày càng khan hiếm: hồi đầu khoan giếng 20 mét, rồi phải khoan tới cả 100 mét mới có nước.

Thời điểm bắt đầu trồng cây lâm nghiệp, tôi thuyết phục bà con xung quanh cùng làm. Tổng diện tích dần dà cũng đến hơn 100ha cây lâm nghiệp. Như những nông dân khác, tôi cũng đứng trước nhiều cám dỗ. Ví dụ khi giá tiêu lên 200 ngàn đồng/kg, tôi phải lựa chọn giữa việc giữ nguyên hiện trạng quả đồi hay kêu xe múc hết để trồng tiêu. Nhưng rồi tôi biết ngừng lại, không chuyển đổi sang trồng tiêu mà dưỡng cây rừng, sau đó trồng xen tiêu vào vườn rừng.

Giờ đây, khi những người xung quanh đã phá hết cây lâm nghiệp, tôi vẫn còn “khu rừng”. Tôi thảnh thơi hơn họ bởi tôi không mắc nợ, tôi có thu nhập ngắn hạn chủ lực là chuối. Và tôi có “của để dành” là vài trăm cây căm xe và kơnia, xoan đếm không hết, cùng nhiều loài khác tự mọc lên, có loài tôi chưa biết tên.

 

 Anh Hải trong khu vườn rừng nay có rất nhiều cây quý tự mọc lên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gần đây có nhiều người từ xa tới thăm khu vườn rừng của tôi. Lúc ấy tôi mới hiểu là hóa ra con đường mình đi tuy không định trước, người xung quanh còn không ủng hộ, nhưng tôi lại bắt kịp xu thế chung trong việc trồng cây gây rừng, canh tác không hóa chất. Tôi thấy mình như khe nước nhỏ, len lỏi theo điều kiện riêng của mình, cũng đã từng không biết mình đi đâu, nhưng một ngày lại thấy mình đang hòa vào biển lớn.

Nhiều bạn trẻ tới hỏi tôi về kinh nghiệm tái lập rừng. Tôi cũng từng phá rừng làm rẫy như bao người. Sau đó, tôi bắt đầu trồng cây lâm nghiệp cũng chỉ vì lý do kinh tế vì miếng đất không thể trồng gì khác, chứ không có lý tưởng cao cả gì. Có điều càng làm thì nhận thức của tôi càng chuyển biến. Tôi biết mình cần nương tựa thiên nhiên để có cuộc sống bền vững.

Công việc hằng ngày của tôi đến giờ vẫn chỉ là làm rẫy, trồng chuối, dưỡng rừng. Các biện pháp kỹ thuật trồng vườn rừng các bạn có thể tìm trên mạng dễ dàng. Bí quyết của tôi, nếu có, chỉ là: đi chậm, làm nhỏ, chi phí thấp, quan sát học hỏi và nương theo tự nhiên. Và có sự hậu thuẫn của vợ tôi - một người đảm đang và vun vén. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận