TTCT - Câu chuyện của anh Phạm Văn Hùng, sinh năm 1991, ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Anh Hùng và con, trong mong ước "con được lớn lên ở nơi có nhiều cây xanh, có nguồn nước lành, đất đai màu mỡ". Ảnh: NVCCTốt nghiệp đại học xong, tôi kinh doanh du lịch. Thời điểm 2017-2018, Phú Quốc có cơn sốt đất, môi trường sống xung quanh chúng tôi thay đổi rõ rệt, bụi bặm và ồn ào hơn. Nên khi vợ tôi có bầu cháu đầu tiên, chúng tôi thống nhất chuyển cả gia đình lên Đắk Nông nhằm tìm một môi trường tốt hơn cho con. Tuổi thơ của tôi gắn với nông thôn, với rừng nên tôi cũng muốn các con mình có được tuổi thơ như vậy; muốn con được lớn lên ở nơi thưa dân cư, có nhiều cây xanh, có nguồn nước lành, có đất đai màu mỡ; mong con hiểu về tự nhiên, học được nhiều kỹ năng, học trồng cấy để tự chủ thực phẩm, giảm sự phụ thuộc vào thực phẩm công nghiệp và đồ tiêu dùng công nghiệp.Đầu tháng 5-2018, tôi tiếp nhận khu vườn 53ha trên đất dốc từ người chủ cũ. Thực vật trên khu đất lúc ấy chủ yếu là cỏ, vài loại cây ăn trái 3-4 năm tuổi và cây tái sinh 1-2 năm tuổi. Đất bị rửa trôi nhiều, nước trong hai cái hồ dưới chân đồi lúc nào cũng đỏ quạch.Người chủ cũ đã dựng nhà và thâm canh chanh dây ở đỉnh đồi vì nơi đó bằng phẳng nhất. Tây Nguyên vốn đã nổi tiếng với cái nắng, cái gió. Ở đỉnh đồi trọc thì mọi yếu tố khí hậu như gió, mưa, lạnh, nóng đều cực đoan. Mưa đầu mùa kéo sạch lớp phủ thực vật trên đỉnh đồi đi, cả các công trình xây dựng. Những ngày gió lớn, ngồi trong nhà nghe gió rít mà sợ. Giàn chanh dây phải làm bằng dây kẽm và neo xuống đất mới trụ được trên đỉnh đồi.Nhận đất xong, chúng tôi cũng trồng chanh dây để có thu nhập ngắn hạn như những nông dân địa phương, chỉ khác là không dùng hóa chất trong canh tác. Vụ đầu tiên rơi vào mùa mưa, mọi chuyện ổn: cây không phải tưới, trái đều đẹp, đầu ra giá tốt. Vụ thứ 2 rơi vào mùa khô, thiếu nước nên trái teo. Chúng tôi phải bơm nước liên tục, bơm chuyền 2-3 lần từ chân đồi mới lên được đỉnh đồi, vừa tốn năng lượng vừa tốn nhân công liên tục rà soát béc nước để đảm bảo không bị nghẹt. Sau một năm thì tôi bỏ tưới.Khi mới nhận vườn, tôi đầu tư hơn 100 tấn phân bò cho 15ha cây ăn quả. Tôi cũng lấy rất nhiều sinh khối từ bên ngoài rồi trộn cùng phân bò để nuôi trùn quế, trùn quế nuôi gà, phân gà bón vườn. Tuy nhiên, dù có nguồn phân dồi dào thì trên đất dốc, việc vận chuyển phân ra vườn rất tốn công và nhiên liệu. Về sau, tôi dùng sinh khối có sẵn tại chỗ như cỏ, chuối, vỏ cà phê để phủ vườn rau. Đất dốc khiến chi phí sản xuất và chi phí thu hoạch cao, vì vậy tôi không trồng thêm cây ăn trái trên đất dốc nữa, chỉ trồng cây lâm nghiệp.2 tháng sau khi trồng chanh dây, tôi bắt đầu nuôi gà trên đỉnh đồi gần nhà để dễ chăm sóc. Mọi chuyện tạm ổn được vài tháng mùa mưa. Sang mùa khô, nắng hạn làm đất khô khốc, cây cỏ vàng úa, lại thêm gà bới trơ cả đất. Sau đó tôi nuôi bò, những mong bò sẽ giúp giải quyết những đám cỏ đang lên rất tốt trên đất dốc ở xa nhà, dùng phân bò để nuôi trùn quế nhằm giảm tiền mua thức ăn cho gà. Nhưng khi thả tự nhiên thì bò chỉ chọn chỗ gần và phẳng để ăn chứ không chọn chỗ xa và dốc, nên thảm thực vật ở đỉnh đồi gần nhà bị cạo sạch. Do đó, tôi phải khoanh thành 4 vùng, mỗi vùng 2ha cho 7 con và cho ăn theo vùng. Tuy nhiên, vào mùa khô, chỉ sau 2 ngày là hết thức ăn. Thảm thực vật cạn kiệt, thêm bò giẫm đạp nên đất tơi ra như bột.Tôi giải tán đàn bò, giảm luôn đàn gà vịt và heo, chỉ nuôi đủ dùng cho nhu cầu gia đình.Tôi đúc rút cho mình vài bài học. Đầu tiên, đỉnh đồi mà không có cây lớn phòng hộ thì không phải vị trí phù hợp để dựng nhà, làm chuồng trại chăn nuôi, thậm chí trồng cây cũng vất vả bởi ngoài yếu tố khí hậu cực đoan còn phải tiêu tốn quá nhiều năng lượng để tiếp cận nguồn nước và thức ăn. Thứ hai, trên nền đất đỏ, đất dốc, ưu tiên số một là tái lập thảm thực vật. Vội vã chăn nuôi khiến thảm thực vật đã nghèo còn suy kiệt thêm, đất bị xói mòn hơn.Tôi được tư vấn là có thể trồng cây vào bất cứ mùa nào khi đưa công nghệ vào nông nghiệp, thậm chí mùa khô cây còn phát triển nhanh hơn. Sẵn có hệ thống tưới nên tôi trồng xen các cây khác vào vườn chanh dây. Nhưng các vườn chanh dây đều nằm ở đỉnh đồi, dưới nắng gió Tây Nguyên chỉ 1 giờ sau khi tưới thì đất đã khô hết, lại tốn điện và nhân công vô ích. “Trong lúc tìm cách về với tự nhiên, ngặt vì người ta không hiểu rõ tự nhiên là gì nên nỗ lực ấy thành ra vô ích.(trích cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm)Năm đầu, tôi mua nhiều cây giống và nhận thấy cây ăn trái - loại cây ghép mà trồng theo kiểu tự nhiên thì tỉ lệ sống thấp. Cây giống lâm nghiệp mua về trồng cũng phát triển kém, do bộ rễ đa phần bị tổn thương. Khi so sánh trồng muồng đen và keo gieo hạt trực tiếp với cây ươm bầu, tôi nhận thấy cây gieo hạt lớn chậm nhưng khỏe. Nhiều cây trồng bầu chết vào mùa khô nhưng các cây trồng hạt thì vẫn sống.Hiện nay tùy hiện trạng từng khu trong vườn mà tôi tác động theo 3 cách khác nhau:1. Những khu có ít cây rừng tái sinh thì mùa mưa chúng tôi trồng thêm chuối. Chuối phát triển nhanh, bền cây và phủ xanh nhanh nhất.2. Những khu có nhiều cây rừng tái sinh thì chúng tôi phát cỏ quanh những cây tự tái sinh để tạo điều kiện cho cây vượt lên.3. Những khu mà cây rừng đã vươn lên chiếm ưu thế thì để tự nhiên, không can thiệp.Tôi thấy khu nào từng thâm canh thì cây thân gỗ tái sinh ít, nhất là những khu từng trồng chanh dây do bị xới xáo nhiều lại ở vị trí đỉnh đồi nên thảm thực vật tái lập khá chật vật; khu nào ít canh tác thì cây thân gỗ tái sinh mạnh và đa loài hơn mình trồng rất nhiều. Nhìn chung, thảm thực vật từng bước được tái lập đã hạn chế phần nào sự xói mòn, hai hồ nước dưới chân đồi càng ngày càng trong và nhiều nước hơn. Sau gần 3 năm, (tháng 5-2018 đến tháng 2-2021), quả đồi đã xanh hơn, hồ nước dưới chân đồi trong hơn và nhiều nước hơn (Ảnh: NVCC) Nhìn lại gần 3 năm qua, tôi nghĩ rằng làm nông khó hay dễ là do mình. Muốn dễ thì phải hiểu nhu cầu của mình: tôi không còn mong đợi nguồn thu nào từ vườn mà tìm mọi cách giảm chi để đi được đường xa. Tiền mặt hàng tháng cho cả trang trại chỉ cần tầm chục triệu đồng. Chúng tôi tự chủ được phần lớn thực phẩm. Nhân lực gọn nhẹ. Chúng tôi trồng tre, trúc dọc đường đi và ven suối nhằm giải quyết nhu cầu sử dụng của trang trại. Muốn làm giàn cho cây dây leo mà không có cây thì sẽ chỉ nghĩ đến mua dây về dùng.Bạn cần biết vườn có sẵn gì. Ví dụ, nếu trong vườn có mạch nước chảy quanh năm, sao không sống gần nguồn nước mà lại sống ở đỉnh đồi cách xa nguồn nước cả trăm mét? Kế đó là cần theo nhịp tự nhiên: có tiền, có nôn nóng thì cũng không đi nhanh hơn được, vừa tốn kém lại dễ nản lòng.Trồng cây không phải việc khó. Thiên nhiên trồng là chính, người trồng là phụ. Thử thách lớn nhất của tôi ở giai đoạn này là bảo vệ khu vườn khỏi những mối nguy từ bên ngoài, bao gồm cả con người và gia súc.■ Thiên nhiên không vội vã mà muôn sự đều thành. (Lão Tử) Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Trồng cây và nương tựa tự nhiên Tiếp theo Tags: Trồng câyThiên nhiênLàm vườn rừngNương tựa tự nhiên
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Vụ cháy quán cà phê làm 11 người chết ở Hà Nội: Khởi tố nghi phạm đổ xăng phóng hỏa HỒNG QUANG 19/12/2024 Công an Hà Nội đã khởi tố bị can C.V.H (trú huyện Đông Anh, Hà Nội) với tội danh giết người. H. bị tình nghi đốt quán cháy cà phê làm 11 người tử vong tại quận Bắc Từ Liêm vào đêm 18-12.
Cháy quán cà phê ở đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội, 11 người chết HỒNG QUANG 19/12/2024 Đêm 18, rạng sáng 19-12, vụ quán cà phê "Hát cho nhau nghe" trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội khiến 11 người chết.
Việt Nam hòa kịch tính Philippines nhờ bàn thắng phút 90+7 ĐỨC KHUÊ 18/12/2024 Tối 18-12, tại lượt trận thứ 4 bảng B ASEAN Cup 2024, tuyển Việt Nam có trận hòa 1-1 trước Philippines.
HLV Kim Sang Sik: 'Đội tuyển Việt Nam vẫn rộng cửa vào bán kết' HOÀNG TÙNG 18/12/2024 Sau trận hòa 1-1 trên sân cỏ nhân tạo của Philippines, HLV Kim Sang Sik cho biết đội tuyển Việt Nam vẫn rộng cửa vào bán kết ASEAN Cup 2024.