19/11/2024 12:04 GMT+7

Trồng cây điều giữ rừng giúp đồng bào Raglay có sinh kế, đồi trọc được phủ xanh

Phát triển 200ha cây điều trên đất lâm nghiệp dưới tán rừng được Ninh Thuận kỳ vọng vừa phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vừa 'ươm mầm' sinh kế cho đồng bào Raglay.

Trồng cây điều giữ rừng, ươm mầm sinh kế cho dân - Ảnh 1.

Ông Tâu Xá Chá (46 tuổi, dân tộc Raglay) chăm sóc cây điều trồng giữa cánh rừng hồ Tân Giang - Ảnh: AN ANH

Nơi những cánh rừng ở xã miền núi Phước Hà, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), cách TP Phan Rang - Tháp Chàm hơn 50km về phía tây nam, nhiều tiểu khu, cây điều đã bén rễ, lên xanh ngát.

Ươm mầm sinh kế cho đồng bào Raglay

Ông Lê Hữu Duy - phó trưởng Ban quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn hồ Tân Giang - cho biết thời điểm này đã vào mùa mưa nên cây rừng cũng đơm hoa, nảy lộc. Trên những vạt rừng núi đá chồng lên đá, cây điều đã phủ dần lên màu xanh.

Do địa hình đồi núi và thời tiết nắng hạn nên việc phát triển rừng ở Ninh Thuận gặp không ít khó khăn. Các loại cây rừng khi trồng xuống thường rất còi cọc, lại bị gia súc phá nên không mấy hiệu quả.

"Chúng tôi đã chọn cây điều để nhân rộng. Cây điều vừa phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vừa tạo sinh kế cho đồng bào Raglay tại đây, nên khi triển khai được bà con đồng lòng hưởng ứng" - ông Duy kể.

Gia đình ông Tâu Xá Chá (46 tuổi, dân tộc Raglay ở xã Phước Hà) là một trong những hộ tiên phong tham gia trồng điều phủ xanh đồi núi trọc ở rừng núi hồ Tân Giang.

Ông Chá cho biết trước đây bà con Raglay chưa nhận thức được tầm quan trọng của rừng. Người dân phá rừng làm rẫy, đốt than để kiếm kế sinh nhai.

"Từ khi đóng cửa rừng, tôi chuyển qua trồng bắp, đậu trên sườn đồi nhưng mùa được mùa mất.

Đầu năm 2024, được vận động, gia đình chuyển hẳn sang trồng cây điều, vừa giữ đất, giữ rừng, vừa cho hạt điều sau này giúp chúng tôi có lợi ích kinh tế bền vững hơn" - ông Chá bày tỏ.

Cũng theo ông Chá, cây điều rất dễ chăm sóc, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở miền núi Ninh Thuận. Sau 2 tháng xuống giống, cây đã bén rễ và phát triển rất nhanh.

Còn ông Duy nói rằng để đảm bảo sinh kế bền vững cho các hộ tham gia trồng rừng, mỗi tháng đơn vị trích từ nguồn kinh phí phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số hỗ trợ 10,5kg gạo/khẩu cho những hộ tham gia.

"Việc trồng cây điều được khoán cho 67 hộ dân Raglay, đến nay đã có 50ha trồng mới ở 9 tiểu khu. 100% đất trống, đồi núi trọc đều được phủ màu xanh cây rừng, trong đó có cây điều" - ông Duy cho hay.

Trồng cây điều giữ rừng, ươm mầm sinh kế cho dân - Ảnh 3.

Đồng bào Raglay trồng và chăm sóc cây điều - Ảnh: AN ANH

Cây điều góp phần giữ rừng, giữ nước

Song song với việc tạo sinh kế từ việc trồng rừng, Ban quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn hồ Tân Giang cũng duy trì hoạt động của 16 tổ cộng đồng người Raglay với 435 người tham gia, nhận khoán bảo vệ 13.069ha rừng.

Mỗi người được trả 400.000 đồng/ha/tháng để duy trì việc tuần tra, phát hiện và báo cáo các hành vi phá rừng.

"Thực tế chứng minh các tổ này làm việc rất hiệu quả, đây cũng là những cánh tay nối dài của lực lượng bảo vệ rừng và hệ sinh thái rừng nói chung" - ông Duy nói.

Thanh niên Raglay Chamaleá Dũng, thành viên tổ cộng đồng bảo vệ rừng hồ Tân Giang, nói: "Nhờ tham gia bảo vệ rừng mà gia đình có thêm nguồn thu nhập, tuy không cao nhưng ổn định hơn so với trồng bắp, trồng đậu".

Cũng theo anh Dũng, đa số anh em tổ cộng đồng vừa kết hợp lên rừng làm rẫy, vừa tuyên truyền đồng bào Raglay nâng cao nhận thức bảo vệ rừng. Tình trạng dùng lửa đốt nương làm rẫy, đốt than hay dọn rẫy không còn.

Rừng xanh còn giúp cho 3 hồ thủy lợi Tân Giang, Sông Biêu và Lanh Ra giữ được nguồn nước, phục vụ tưới 5.000ha đất nông nghiệp vào mùa khô.

Dành 6,3 tỉ đồng để vừa phủ xanh rừng, vừa giúp dân có thu nhập

Ông Trần Ngọc Hiếu - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận - cho biết việc trồng rừng gắn với tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh triển khai ở Ban quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn hồ Tân Giang và rừng đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu với tổng diện tích trồng mới 200ha, kinh phí hơn 6,3 tỉ đồng.

Trồng cây điều giữ rừng, ươm mầm sinh kế cho dân - Ảnh 4.

Tổ cộng đồng bảo vệ rừng trong một đợt tuần tra bảo vệ những cánh rừng phía tây nam tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: AN ANH

Ông Hiếu nhận xét thực tế cho thấy việc phát triển cây điều đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân các xã vùng cao như xã Phước Hòa (huyện Bác Ái), xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn).
"Việc này cũng hạn chế đáng kể việc phá rừng, chiếm đất làm rẫy cũng như nạn cháy rừng hằng năm, góp phần nâng tỉ lệ che phủ rừng ở Ninh Thuận lên mức 48,14%" - ông Hiếu chia sẻ.

Trồng cây điều giữ rừng, ươm mầm sinh kế cho dân - Ảnh 6.Ba đời ươm mầm xanh, giữ rừng ngập mặn

Trên tường căn nhà do ban quản lý rừng xây treo đầy giấy khen, bằng khen thành tích phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn của ba đời một gia đình giữ rừng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên