TTCT - Vụ tự sát của VĐV ba môn phối hợp người Hàn Quốc Choi Sook Hyun tiếp tục gióng lên hồi chuông vô vọng về sự đối xử tàn nhẫn mà không ít VĐV thể thao đỉnh cao phải nhận. Họ bị đánh đập, xâm hại và sỉ nhục đến nỗi không còn một mảy may cơ hội nào để yêu môn thể thao mà mình chơi hay thậm chí là cả tình yêu cuộc sống nữa, như trong trường hợp Choi. Ảnh: Deadspin Trước khi chọn cái chết, Choi đã gửi các cáo buộc xâm hại cho các cơ quan pháp luật lẫn thể thao, nhưng nhanh chóng thất vọng vì tốc độ điều tra quá chậm chạp. Trong một cuộc họp báo vài ngày sau khi cô chết, hai đồng đội cũ của Choi đã lên tiếng về việc họ, cũng như Choi, bị xâm hại thể xác lẫn tinh thần bởi HLV, chuyên viên vật lý trị liệu lẫn các VĐV khác. Họ đưa ra một danh sách các cáo buộc về đánh đập, quấy rối và xâm hại bằng lời lẽ tại đội tuyển ba môn phối hợp của thành phố Gyeongju. “Sự xâm hại bắt rễ sâu sắc vào thể thao Hàn Quốc đã giết chết Choi - Huh Jung Hoon, giáo sư khoa học thể thao tại Đại học Chung Ang, trả lời tờ Washington Post - Dưới bóng những thành tích thể thao chót vót của đất nước là chế độ luyện tập khắc nghiệt, sẵn sàng dung túng cho bạo lực, miễn là nó tạo ra những người có thể giành huy chương”. Mối quan hệ phân đẳng cấp sâu sắc giữa HLV và VĐV là cơ sở cho văn hóa đào tạo tàn bạo kiểu này: không được cãi lời tiền bối, dù họ đúng hay sai. Với nhiều VĐV đại học sắp tham gia giải chuyên nghiệp, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các hành vi xâm hại nếu không muốn sự nghiệp thể thao - đồng nghĩa là cả cuộc đời - của mình “trật bánh”. Một khảo sát gần đây của Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc (NHRCK) đưa ra những con số kinh hoàng: 1.613, tương đương 33% trong 4.924 VĐV đại học trả lời khảo sát cho biết họ từng bị bạo hành thể xác, 31% nói họ bị bạo hành tinh thần - lời lẽ và 9,6% tiết lộ từng bị xâm hại tình dục. “Tôi sợ sự tàn bạo và áp bức trong đội, nhưng sự im lặng đồng lõa khiến tôi tin rằng thế giới của các VĐV phải là như vậy”, một đồng đội giấu tên của Choi nói. Các hành vi xâm hại trong thể thao rất đa dạng, từ những lời mỉa mai cay độc đến những trò đùa thô thiển. Năm ngoái, VĐV trượt băng từng giành HCV thế vận hội Lim Hyo Jun đã bị cấm thi đấu một năm vì hành vi... tụt quần một đồng đội nam trẻ tuổi trước mặt các VĐV nữ khác tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia Jincheon. Trước đó, Lee Seung Hoon, từng hai lần vô địch Olympic, nhận án phạt vì cáo buộc tấn công tình dục hai đồng đội trong nhiều cuộc thi quốc tế. Bê bối của Lee nổi lên sau một cuộc điều tra diện rộng các vụ xâm hại liên quan đến VĐV và HLV của Liên đoàn Trượt băng Hàn Quốc. Cựu HLV ĐTQG Cho Jae Beom hiện đang chấp hành án tù 18 tháng vì tội cưỡng hiếp nhà vô địch Olympic Shim Suk Hee. Shim, hiện 22 tuổi, cho biết rằng Cho đã liên tục cưỡng hiếp cô từ năm 17 tuổi. Những bê bối bị phát lộ về tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục trong môn thể thao này trùng khớp với kỷ nguyên rực rỡ của Hàn Quốc ở môn trượt băng tốc độ cự ly ngắn: giành 24 HCV kể từ khi môn này được đưa vào hệ thống thi đấu Olympic năm 1992. Tấm hào quang huy chương đã làm lu mờ đi những cáo buộc trong bóng tối. Một phần mềm giả lập kết quả Olympic đã dự đoán cuối năm ngoái rằng Hàn Quốc sẽ giành 9 HCV ở Olympic Tokyo 2020 (bị hoãn vì COVID-19), thành tích có thể giúp họ duy trì vị trí trong top 10 thế vận hội lần thứ năm liên tiếp, tính từ Athens 2004. Nhưng câu slogan lỗi thời “Không đau đớn, không thành quả” đã trở thành bức bình phong che đậy thứ văn hóa sợ hãi vốn là động lực chính thúc đẩy thành tích thể thao. Cay đắng là nó đã tỏ ra hiệu quả. Câu chuyện cũng không chỉ là của riêng Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nga. Bộ phim tài liệu mới nhất của Netflix Athlete A phơi bày những góc tối của đội tuyển thể dục dụng cụ Hoa Kỳ, nơi bác sĩ Larry Nassar đã xâm hại tình dục 260 VĐV nữ, rất nhiều người khi còn ở tuổi vị thành niên. Mức án tù hàng trăm năm của Nassar rốt cuộc chỉ là sự xoa dịu chẳng mấy ý nghĩa với một tội ác được dung dưỡng bởi cả hệ thống. Hành vi xâm hại càng trầm trọng bởi hệ thống phần thưởng: tâm lý kẻ chiến thắng có tất cả là lời xúi giục gián tiếp rằng người ta có thể sử dụng mọi phương tiện để chiến thắng. Đa số VĐV, vì trẻ người non dạ, vì áp lực thành tích và cả vì sợ hãi, thường cắn răng im lặng tới khi có người “tức nước vỡ bờ” như Choi Sook Hyun. Choi Sook Hyun (ảnh: asset.winnetnews.com) Tags: Tự sátPhe áo đỏSiem ReapKhu vực tranh chấpTàn nhẫnThể thao đỉnh cao
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.