Câu trả lời của ông cho 5 câu hỏi tốt nhất sẽ được đăng trên trang này vào ngày 24-10-2016, đúng một tuần sau Ngày quốc tế xóa nghèo và cũng là Ngày vì người nghèo Việt Nam.
Người lãnh đạo của định chế tài chính quan trọng hàng đầu này dường như đã hiểu rất rõ về một trong những vấn đề lớn nhất mà Việt Nam đang đối mặt: tỉ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% xuống 20,7% trong vòng 20 năm qua - rất ấn tượng về mặt tỉ lệ, nhưng nếu nhìn vào con số tuyệt đối là 19 triệu người nghèo sẽ thấy đây tiếp tục là một mối trĩu nặng của trách nhiệm và lương tri.
Một câu hỏi được người dân Việt Nam đặt ra với ông Ousmane Dione đã tóm tắt đặc thù quan trọng về cuộc chiến chống đói nghèo của Việt Nam: tính chất bấp bênh của việc xóa nghèo đói.
Chỉ cần một biến cố nhỏ về sức khỏe, một dịch bệnh cho gia súc, một vụ mùa gặp thiên tai... cả một gia đình có thể quay lại cảnh chạy ăn từng bữa, hoàn toàn vô vọng khi nghĩ về tương lai học vấn của con em.
Chính vì vậy khi cơn lũ đổ về miền Trung những ngày qua, lo lắng nhân đôi: trong sự kiệt quệ sau sự cố môi trường Formosa, tai họa kế tiếp này rồi sẽ kéo những người dân miền Trung xuống đâu?
Sự cạn kiệt về kinh tế của những gia đình nơi này sẽ cản bước những đứa trẻ miền Trung ra sao trên con đường theo đuổi học vấn để thoát cái nghèo, cái đói?
Ở đây, không thể không nhắc lại thực tiễn chua xót tối thiểu của nghèo đói đang hiện diện: số người Việt Nam đói ăn tính chung 9 tháng năm 2016 là hơn 1 triệu người (tăng 15,4%). Chính sự bấp bênh nêu trên là câu trả lời cho hiện trạng cùng cực này, dù nó được giải thích là tại ông trời (thiên tai, hạn hán và tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng...).
Một nhóm các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nghèo ở trẻ em đã khảo sát 12.000 trẻ tại 4 quốc gia Việt Nam, Ethiopia, Ấn Độ và Peru liên tục suốt 15 năm, dõi theo sự thay đổi của hoàn cảnh theo thời gian và phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ từ tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành, chuẩn bị tham gia thị trường lao động (chương trình nghiên cứu “Những cuộc đời trẻ thơ”).
Họ đã phát hiện những bằng chứng về nghèo tuổi thơ tác động đến cuộc sống và các cơ hội của trẻ, cũng như khả năng truyền nghèo sang thế hệ sau. Diễn nôm là cái nghèo giờ được coi như một thứ ADN có tính di truyền, được ghi nhớ trong bộ gen của người Việt.
Trong vòng mới nhất của nghiên cứu này (thực hiện năm 2015), nhóm nghiên cứu kể lại: “Khát vọng học tập của các em là rất lớn”, các em 12 tuổi đều nói về mơ ước muốn học lên đại học và không muốn làm nghề nông.
Nhưng 7 năm sau gặp lại các em, trên 1/3 số nam thanh niên và trên 1/4 số nữ thanh niên đều đã dừng việc học ở cấp THPT và thấp hơn, rồi bước vào một thị trường lao động cấp thấp với thu nhập nhỏ nhoi và bấp bênh, không khác cha mẹ các em bao nhiêu.
Trong khi chờ xem ông giám đốc WB Việt Nam trả lời những câu hỏi về đói nghèo của người dân Việt Nam đặt ra, cần nhắc lại lần nữa định nghĩa của Liên Hiệp Quốc về cái nghèo hiện nay:
“Nghèo là thiếu năng lực tối thiểu để tham gia hiệu quả vào các hoạt động xã hội. Nghèo có nghĩa là không có đủ ăn, đủ mặc, không được đi học, không được khám chữa bệnh, không có đất đai để trồng trọt hoặc không có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân, không được tiếp cận tín dụng.
Nghèo cũng có nghĩa là không an toàn, không có quyền và bị loại trừ, dễ bị bạo hành, phải sống trong các điều kiện rủi ro, không tiếp cận được nước sạch và công trình vệ sinh”.
Soi mình vào định nghĩa ấy, có lẽ tất cả chúng ta vẫn đang là người nghèo. Và nếu hình dung rằng thứ ADN này có trong bộ gen của chúng ta, ta sẽ thấy cần đặt chính những câu hỏi về đói nghèo ấy cho lãnh đạo đất nước này và cho cả chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận