Ngày 10-12, tại hội thảo phát triển sâm Ngọc Linh tổ chức tại Kon Tum, ông Nguyễn Hữu Tháp - phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - cho hay cây sâm Ngọc Linh đang thực sự trở thành một trong những cây trồng có giá trị cao nhất trong những năm gần đây.
Theo ông Tháp chỉ cần trồng 1ha sâm Ngọc Linh sau 8 năm thu hoạch có thể đạt lợi nhuận trên 32 tỉ đồng.
Đây được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và là cây trồng chiến lược cho các nhà đầu tư.
Đến nay, toàn tỉnh Kon Tum có khoảng 2.922ha sâm Ngọc Linh, trong đó huyện Tu Mơ Rông có diện tích lớn nhất với 2.883ha.
Để tiếp tục mở rộng quy mô vùng trồng, tỉnh Kon Tum đang triển khai trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu (60ha) làm nơi cung cấp nguồn giống sâm Ngọc Linh cho thị trường.
Trong khi đó, ông Võ Trung Mạnh - chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông - cho biết trong 5 năm qua, cây sâm Ngọc Linh đã góp phần xóa nghèo gần 2.000 hộ, giúp hàng trăm hộ đã làm giàu, cá biệt có hộ thu nhập hàng chục tỉ đồng mỗi năm.
Đau đầu với nạn sâm Ngọc Linh giả
Chính vì giá trị quá lớn, gần đây rộ lên vấn nạn rất đau đầu cho cả người trồng và người tiêu dùng là gian thương trà trộn sâm giả và bán giá rất cao. Nguyên nhân là bởi có nhiều loại sâm khác có vẻ ngoài tương tự như sâm Ngọc Linh, rất khó nhận biết.
Cụ thể, hiện nay trên thị trường có nhiều loại sâm có hình thái rất giống như sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh như: sâm Lang Biang, tam thất hoang, sâm Vũ Điệp…
Theo GS.TS Nguyễn Minh Đức - khoa dược Trường đại học Tôn Đức Thắng - trên thị trường giá cả sâm Ngọc Linh chênh lệch đến hàng trăm triệu đồng so với một số loại sâm khác.
Cùng với đó là tình trạng nhập lậu tam thất hoang giá rẻ, chất lượng không kiểm soát từ Trung Quốc vào Việt Nam làm thị trường sâm bất ổn, gây thiệt hại hình ảnh và uy tín của sâm Ngọc Linh và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận