24/04/2018 17:25 GMT+7

Trộn phế phẩm cà phê nhuộm pin vào tiêu để tăng trọng lượng

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Nông cho biết việc các sản phẩm hồ tiêu sau khi trộn hỗn hợp "vỏ cà phê - sỏi - pin" đã bán ra thị trường hay chưa, nếu có thì bán đi đâu, vẫn đang được điều tra.

Trộn phế phẩm cà phê nhuộm pin vào tiêu để tăng trọng lượng - Ảnh 1.

Hỗn hợp "vỏ cà phê - sỏi - pin" được dùng trộn vào hồ tiêu để tăng trọng lượng - Ảnh: TL

Chiều 24-4, ông Nguyễn Văn Cường - viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Nông - cho biết đã đủ căn cứ để khẳng định bà Nguyễn Thị Thanh Loan trộn phế phẩm cà phê với sỏi (0,5-1mm) rồi nhuộm với dung dịch pin rồi đóng gói bán về cho cơ sở tại tỉnh Bình Phước để trộn vào tiêu.

Về đường đi của "vỏ cà phê - sỏi - pin", thượng tá Phạm Thanh Bình - trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông - cho biết vợ chồng bà Loan đã bán cho Lê Thị Hồng Thơ (39 tuổi) và Trần Văn Tuấn (42 tuổi) đều trú  huyện Đăk Song với số lượng 3 tấn hỗn hợp được sơ chế tại cơ sở của mình. 

Sau đó, Thơ và Tuấn bán lại ba tấn hỗn hợp trên cho Phan Thị Dung, giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung, ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành thu giữ được ba tấn hỗn hợp nêu trên (chưa trộn vào tiêu) tại kho nông sản của bà Dung.

Qua xác minh ban đầu, hỗn hợp do bà Loan và ông Bảo làm ra đã bị Công an tỉnh Đắk Nông thu giữ, hỗn hợp này chưa được tiêu thụ ra ngoài thị trường. 

"Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, chứng cứ để khởi tố bị can theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng trên. Sau khi có đầy đủ thông tin, công an tỉnh sẽ sớm tổ chức họp báo để công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng" - thượng tá Bình nói.

 Nói về động cơ, ông Nguyễn Văn Cường cho biết bà Loan đi thu mua vỏ, phế phẩm cà phê về nhuộm pin bán đi chỉ nhằm mục đích kiếm lời. 

Cụ thể, vợ chồng bà Loan và người làm đã trộn phế phẩm cà phê, sỏi và nhuộm pin để có màu đen giống tiêu. Sau đó vợ chồng bà Loan bán sản phẩm này cho Thơ, Tuấn rồi chuyển về cho cơ sở mua bán của bà Dung tại huyện Lộc Ninh, Bình Phước.

"Tại đây, bà Dung lấy hỗn hợp vỏ cà phê - sỏi - dung dịch pin mua từ cơ sở bà Loan trộn lẫn vào hạt tiêu đen để đem tiêu thụ ra thị trường. Việc trộn lẫn các hỗn hợp đã nhuộm pin này vào tiêu (theo tỉ lệ 0,1-0,3%) là nhằm làm tăng thêm trọng lượng để kiếm lời. Còn việc nhuộm pin vào hỗn hợp phế phẩm cà phê, sỏi theo lời khai ban đầu là nhằm tạo màu đen giống hạt tiêu khô" - ông Cường nói.

Trộn phế phẩm cà phê nhuộm pin vào tiêu để tăng trọng lượng - Ảnh 2.

Cơ quan công an đã tịch thu hàng chục tấn phế phẩm cà phê được nhuộm pin từ cơ sở bà Loan - Ảnh: TT

Cũng theo ông Cường, đến nay cơ quan công an đã thu giữ 9 tấn tiêu đã trộn hỗn hợp vỏ cà phê, sỏi, pin từ cơ sở bà Dung để tiếp tục điều tra. 

"Việc các sản phẩm hồ tiêu từ cơ sở bà Dung đã bán ra thị trường chưa, bán đi những đâu thì vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ thêm. Đến nay chỉ mới xác định được việc bà Dung trộn phế phẩm nhuộm pin vào tiêu để tăng trọng lượng" - ông Cường nói.

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, trước đó Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Cơ quan điều tra đã tạm giữ hình sự 5 người gồm: bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Nguyễn Xuân Bảo (chồng bà Loan), bà Phan Thị Dung, Lê Thị Hồng Thơ và Trần Văn Tuấn. 

Cơ quan công an xác định Ngô Ngọc Sơn, người làm thuê cho vợ chồng bà Loan, trực tiếp trộn pin vào phế phẩm cà phê nhưng không nằm trong danh sách bị tạm giữ hình sự. 

Khởi tố vụ án vỏ cà phê nhuộm pin tại Đắk Nông, tạm giữ 6 người

TTO - Đại tá Lê Vinh Quy, phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết chiều 23-4, công an tỉnh này đã khởi tố vụ án liên quan vụ trộn các tạp chất vào hỗn hợp cà phê.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên