Ba bị cáo (từ trái qua) Bảo, Ngưỡng, Loan - Ảnh: L.Đ.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử, gồm: Phan Thị Dung (56 tuổi, trú huyện Lộc Ninh, Bình Phước), Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông), Nguyễn Xuân Bảo (33 tuổi, trú huyện Đắk R’lấp), Lê Thị Hồng Thơ (39 tuổi) và Trần Ngưỡng (tên gọi khác Trần Văn Tuấn, 42 tuổi) cùng ở huyện Đắk Song, Đắk Nông.
Năm người trên bị xét xử về tội "vi phạm quy định về an toàn thực phẩm" theo điểm d khoản 3, Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 và bị Viện KSND tỉnh Đắk Nông đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 7 đến 10 năm tù.
Tại tòa, các bị cáo khai không biết việc trộn "hỗn hợp pin vào tiêu", không biết trong than pin có chất chứa độc tố, ảnh hưởng sức khỏe con người. Bị cáo Dung cho rằng trong hợp đồng mua bán, hồ tiêu được phép có 2% tạp chất nên đã mua tạp chất của bị cáo Thơ để trộn vào nhưng "không hề hay biết Loan, Bảo trộn dung dịch pin vào phế phẩm cà phê, sỏi".
Theo bà Dung, khi Trần Ngưỡng chuyển hỗn hợp trộn tạp chất tới, bị cáo trả tiền vận chuyển cho Ngưỡng và tiền chênh lệch cho bị cáo Thơ. Trong quá trình nhận tạp chất, bị cáo Dung có trả lại 3 chuyến vì không đảm bảo yêu cầu về kích thước, màu của phế phẩm... Bị cáo Dung cho rằng do bị "ép cung" nên khai với cơ quan công an chưa đúng, nay bị cáo khai lại.
Trong khi đó, bị cáo Thơ khai mình có quan hệ buôn bán với bị cáo Dung. "Do thấy Dung thua lỗ trong kinh doanh, lại nợ 7 tỉ tiền hàng nên bị cáo giúp đỡ Dung mua tạp chất bán kiếm lời chứ không phải mua bán, hưởng tiền chênh lệch", bị cáo Thơ nói.
Bị cáo Thơ cũng khai vì thời gian này bà Dung đang khó khăn nên bị cáo không nhận số tiền chênh lệch mà bà Dung hứa là 1.000 đồng/kg tạp chất. Việc cuối năm 2017, bị cáo Dung có chuyển cho Thơ 100 triệu đồng nhưng đó là "tiền mừng tuổi" chứ không phải tiền chênh lệch mua bán tạp chất cà phê. "Bị cáo chỉ giúp Dung, không hiểu và không có ý nghĩ gì!", bị cáo Thơ giải thích.
Trong khi đó, các bị cáo Loan, Bảo cũng cho rằng mình vô can. Bà Loan nói mình tạo ra tạp chất cà phê nhuộm bột pin chỉ là làm theo đơn đặt hàng "chứ không biết để làm gì". Trong quá trình điều tra, bị cáo Loan mới biết được việc bà Dung mua tạp chất về để trộn vào hồ tiêu.
Chồng Loan - bị cáo Bảo nói trộn bột pin vào chỉ để tạo màu đen cho phế phẩm cà phê. Trước đó cả hai đã dùng bột than (củi) để trộn nhưng không hiệu quả (lâu lên màu đen) nên mới mua pin. Bị cáo Bảo nói không biết việc trộn tạp chất trên để làm gì mà chỉ có Loan biết.
Tại phiên tòa, tất cả các bị cáo nói không biết trong phế phẩm cà phê trộn dung dịch pin có những thành phần gì cho đến khi có kết luận điều tra.
Theo HĐXX, các bị cáo biết việc hòa dung dịch than pin vào phế phẩm cà phê để trộn tiêu là độc hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, do hám lợi nên các bị cáo đã hình thành đường dây sản xuất "hỗn hợp pin" rồi chở về Bình Phước trộn vào hạt tiêu để kiếm lời. Tuy "mỗi người một việc" nhưng tất cả các bị cáo đều đã phạm vào tội "vi phạm quy định về an toàn thực phẩm".
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Bảo 8 năm tù, Nguyễn Thị Thanh Loan 7 năm 6 tháng tù. Các bị cáo Phan Thị Dung, Lê Thị Hồng Thơ và Trần Ngưỡng cùng bị phạt mức án 7 năm tù.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận