Hậu quả không ít người đã bị khởi tố, xét xử và phải lãnh án tù vì không chấp hành bản án dân sự.
Không giao con cho vợ sau ly hôn, bị khởi tố
Đó là một trường hợp rất đáng tiếc xảy ra tại huyện Văn Quan (Lạng Sơn) bởi bị cáo là người dân tộc thiểu số, có hạn chế về nhận thức pháp luật.
Theo bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lạng Sơn, V.H.Ph. và vợ kết hôn, có một con trai chung. Sau khi kết hôn, giữa 2 vợ chồng xảy ra mâu thuẫn nên không thể tiếp tục chung sống với nhau. Sau đó, Ph. và vợ ly hôn.
Bản án của tòa tuyên giao con cho vợ Ph. chăm sóc. Tuy nhiên, do cháu nhỏ ở với bà nội từ bé nên mẹ Ph. không nỡ xa cháu, không muốn giao bé cho mẹ ruột theo bản án của tòa. Thấy vậy, Ph. cũng không chịu giao con cho vợ.
Do Ph. không tự nguyện thi hành án nên cơ quan chức năng đã tổ chức cưỡng chế và cơ quan điều tra đã khởi tố Ph. vì tội không chấp hành án.
Sau khi bị khởi tố, Ph. mới giao con cho vợ nhưng bản thân vẫn cảm thấy không thỏa đáng vì cho rằng do đứa trẻ lâu nay đã quen sống với gia đình bên nội.
Xét xử, cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng bị cáo Ph. là người dân tộc thiểu số, còn hạn chế về nhận thức pháp luật nên đã tuyên mức án 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Lãnh án tù vì một lối đi
Ngày 27-4-2020, TAND huyện Chương Mỹ đã tuyên mức án 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đối với ông N.T.H. (ngụ xóm Cộng Hòa, thôn Võ Lao, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vì tội không chấp hành án. Lý do: ông H. không chịu giao 32m2 đất để làm lối đi cho nhà cô ruột của mình theo bản án của tòa tuyên.
Theo hồ sơ vụ án, bà C. là cô ruột của ông H., ngụ cùng xóm. Năm 1968, bà C. mua một thửa đất của người khác giáp thửa đất của gia đình ông H.. Nhiều năm sau, do hai gia đình có mâu thuẫn nên ông H. đã đòi lại lối đi và rào lại không cho gia đình bà C. đi qua đất nhà mình. Do hòa giải không được, bà C. đã khởi kiện ra tòa đề nghị được mở lối đi trên thửa đất nhà ông H.
Hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND huyện Chương Mỹ và TAND TP Hà Nội đều chấp nhận yêu cầu của bà C., buộc ông H. phải cắt một phần đất của mình làm lối đi cho nhà bà C. với diện tích hơn 32m2; đổi lại, bà C. phải trả cho ông H. hơn 31 triệu đồng.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà C. đã đem tiền đến cơ quan thi hành án dân sự huyện Chương Mỹ nộp, đồng thời làm đơn yêu cầu thi hành án. Dù bị tuyên thua kiện nhưng ông H. vẫn thấy bản án "vô lý" nên nhất quyết không chịu thi hành án.
Do ông H. vẫn cương quyết rào đường không cho nhà bà C. đi nên cơ quan thi hành án phải đến cưỡng chế, lập biên bản việc ông H. cản trở thi hành án.
Dù bị cưỡng chế mở lối đi nhưng sau khi đoàn cưỡng chế rời đi, ông H. tiếp tục rào lại. Sau khi xem xét, Công an huyện Chương Mỹ nhận thấy đủ yếu tố cấu thành tội không chấp hành án nên đã khởi tố ông H. tội không chấp hành án.
Tại phiên tòa, ông H. thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình và mong hội đồng xét xử xem xét tuyên mức án nhẹ.
Hội đồng xét xử cho rằng hành vì của ông H. là coi thường pháp luật, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân, nhất là trong giai đoạn hiện nay việc thi hành các bản án dân sự đang gặp rất nhiều khó khăn do có sự chống đối của người phải thi hành án nên đã tuyên ông H. mức án như trên.
Chấp hành án trước, mọi việc tính sau
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), vì tính thượng tôn của pháp luật, khi một bản án đã được tuyên và có hiệu lực pháp luật các đương sự buộc phải chấp hành.
Thực tế, có nhiều bản án (kể cả dân sự lẫn hình sự) đã có hiệu lực pháp luật nhưng nội dung bản án chưa đúng pháp luật hoặc có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Nếu đương sự nhận thấy bản án mình nhận được chưa đúng, có thể gây oan sai thiệt thòi cho mình thì làm đơn đề nghị xem xét lại theo quy định.
Mặt khác, vẫn phải nghiêm túc chấp hành bản án vì nó đã có hiệu lực pháp luật và chưa bị sửa án hoặc hủy án. Nếu không chấp hành bản án thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Có nhiều vụ án hình sự buộc tội những người không chấp hành án do nhận thức hạn chế, tình cảnh rất đáng thương, hoặc trong một số vụ tranh chấp dân sự họ thuộc dạng "tình ngay lý gian" nên bị xử thua. Đến khi án có hiệu lực, họ vẫn thấy không phục nên không chịu chấp hành, do đó bị khởi tố rất đáng tiếc.
Vậy nên, dù bất kể bản án đã tuyên như thế nào và dù không đồng ý cũng phải chấp hành để tránh phải chịu trách nhiệm hoặc phải gánh chịu hậu quả pháp lý nặng nề hơn.
Không chịu giao ruộng, vợ chồng cùng lãnh án
Hai vợ chồng bị cáo Loan và Đại cùng ngụ tại huyện Tràng Định (Lạng Sơn), năm 1995 được bà Vi (chị gái của Đại) cho mượn ruộng để canh tác. Sau đó, Đại tự ý đi kê khai ruộng này để cấp sổ mới mang tên mình nên bà Vi kiện ra tòa.
Hai bản án của TAND huyện Tràng Định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Vi, buộc ông Đại và bà Loan phải trả lại ruộng. Tuy nhiên, ông Đại và bà Loan không chấp hành bản án, không giao ruộng như quyết định của tòa án nên đã bị khởi tố tội không chấp hành án và bà Loan bị bắt tạm giam 2 tháng.
Bản án của TAND huyện Tràng Định đã tuyên mức án 3 tháng tù cho bà Loan, ông Đại cũng bị 3 tháng tù nhưng được hưởng án treo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận