19/09/2014 10:35 GMT+7

​Trộm ngay trên hố khai quật

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Cổ vật là thứ tài sản hiếm hoi của mỗi gia đình, quốc gia. Nó quý giá và cũng không còn nhiều lắm nên ai cũng nghĩ rằng nó phải được bảo vệ một cách nghiêm ngặt.

Ảnh: Thái Lộc
Hố khai quật khảo cổ học tại Đông Khối (Thanh Hóa) bị đào trộm trong đêm - Ảnh: Nguyễn Việt

Nhưng đã có không ít cổ vật quý biến mất một cách quá dễ dàng như nước bốc hơi.

Vài giờ trước khi nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương tới thăm, di chỉ khai quật khảo cổ học Đông Khối (Thanh Hóa) đã bị bới tung để tìm hiện vật quý trong sự bất lực của các nhà chuyên môn...

Nẫng tay trên

Năm 2007, đoàn khảo cổ của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, ĐH Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Thanh Hóa tiến hành mở hố khai quật tại xưởng chế tác công cụ đá Đông Khối (xã Đại Khối, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) có niên đại khoảng 3.500 năm.

Tháng 6 năm ấy, đoàn khảo cổ được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thông báo rằng sáng hôm sau sẽ có nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương ghé thăm thực địa. Cả đoàn khẩn trương dọn sạch mặt bằng hố khai quật, định vị những hiện tượng khảo cổ trên hố rồi về nghỉ tối để chuẩn bị ngày mai đón khách.

Vì di tích khai quật chỉ gồm những mảnh tước và những vật công cụ chứ không phải mộ táng (thường có nhiều đồ quý hiếm) nên đoàn không cắt cử người trông coi.

Đến sáng hôm sau khi tới hiện trường, mọi người tá hỏa vì những nơi được cắm mốc đinh sắt định vị đều đã bị đào bới ngổn ngang chỉ vài giờ trước đó. Những người đào trộm cổ vật đã hi vọng nẫng tay trên các hiện vật quý của các nhà khảo cổ học.

Trong sự ngao ngán tột cùng ấy, đoàn khai quật đã quyết định để nguyên như vậy báo cáo với nguyên chủ tịch nước và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi chứng kiến hiện trường, nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương đã nhắc nhở các cán bộ địa phương cần đặc biệt chú ý công tác bảo vệ di sản văn hóa.

Ông đặc biệt nhấn mạnh công tác gìn giữ đối với tỉnh Thanh Hóa, nơi mà “di sản đậm đặc tới từng mét vuông”.

Trước đó năm 2001, đoàn điều tra khảo cổ học và địa chất học khu vực di tích mộ thuyền Châu Can (xã Châu Can, Phú Xuyên, Hà Tây cũ) đã cay đắng khi hiện vật “bốc hơi” ngay tại hiện trường khai quật.

Đoàn khảo cổ hôm ấy do TS Nguyễn Việt, giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, dẫn đầu cùng sinh hoạt ăn ở ngay tại nhà bí thư đảng ủy xã, cách hiện trường làm việc chừng vài trăm mét.

Một buổi sáng khi ra hiện trường, trên mặt ruộng xuất lộ một hố tròn đường kính khoảng 80cm vừa bị đào bới trong đêm. Nhìn hiện trường, mọi người hiểu rằng đó là một vật bằng đồng thời Đông Sơn, mà nhiều khả năng là trống đồng hoặc âu, thạp, đã bị những kẻ đào trộm cổ vật dùng máy dò kim loại định vị và lấy đi.

“Điều đáng nói là toàn bộ cuộc đào trộm trong đêm trăng này đã được một người quay lại và giao băng ghi hình cho phó Phòng Văn hóa - thông tin huyện Phú Xuyên. Tôi đã được xem đoạn băng ghi hình một người ôm một bao tải từ hố đào trộm chạy về phía quốc lộ trong đêm. Trước đó, thông tin nhóm người đào trộm gốc miền Trung trong vỏ bọc làm nghề cải mả thuê, tạm trú tại xã Châu Can, đã được báo cho Phòng Văn hóa - thông tin huyện Phú Xuyên."

"Tuy nhiên, khi một người báo cáo và đề xuất công an huyện phối hợp ngăn chặn đã không nhận được sự hưởng ứng. Khi tôi hỏi tại sao không báo với chính quyền thì nhận được câu trả lời ngắn gọn: ”Ở đó chúng nó (những người đào trộm cổ vật) đã bao mua hết rồi”. 

Nhiều hầm hố là dấu vết đào bới tại di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội) - Ảnh: Lâm Thị Mỹ Dung

Năm nào cũng có đào trộm

PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (chủ nhiệm bộ môn khảo cổ học Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) kể trong năm 2013, khi đến để chuẩn bị khai quật tại di chỉ Vườn Chuối (khu vực mộ táng thời Đông Sơn tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), mọi người phát hiện rất nhiều hố đất cỡ bằng chiếc chậu lớn nằm rải rác trên diện rộng.

Điều này chứng tỏ trước đó nhóm khai thác đã dùng vật xăm và máy rà xác định hiện vật kim loại. Nhiều khả năng những trống, âu, thạp, chậu... bằng đồng đã bị lấy hết.

PGS Dung “tổng kết” trong sự tiếc rẻ rằng: giới đào trộm biết các khu vực khảo cổ nhiều hơn giới chuyên môn vì hoạt động theo hệ thống chân rết, có mặt khắp nơi. Khi phát hiện khu vực khảo cổ, nhà khảo cổ cũng chỉ được phép khai quật trên diện tích rất nhỏ, trong khi khu vực có hiện vật rộng lớn hơn rất nhiều. Do đó phần diện tích rộng lớn ngoài phạm vi khai quật trở thành miếng mồi ngon cho giới đào trộm...

TS Nguyễn Việt vẫn nuối tiếc trong một “cuộc đụng chạm với di sản vãng lai”. Ông kể có lần phụ trách đoàn sinh viên thực tập nghiên cứu ở vùng Mường Vang (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình), khi đến nhà ông Bùi Kim Xiến, một lãnh đạo kháng chiến thời chống Pháp của địa phương ở xóm Sào, xã Tuân Đạo, TS Việt thấy một hũ hoa nâu đời Trần đang đựng muối và ba bốn bát men xanh đời Lý đựng ớt, mắm trong góc bếp.

Hỏi ra, chủ nhà còn lật chiếu cho xem một trống đồng Mường nặng tới 37kg. Tất cả do gia đình thu lượm được trong đợt đào ao ở vườn nhà. Thấy tiếc, TS Việt đã ứng tiền rồi đưa gia chủ ra chợ để mua đồ sứ cần thiết nhằm thay thế những thứ gia đình đang dùng bằng những món đồ cổ đó. Còn chiếc trống đồng được quy đổi bằng 37kg đồng bán cho đồng nát, giá trị tương ứng quy đổi theo gia chủ đề nghị là một chiếc xe đạp Thống Nhất.

Đoàn khảo cổ vét hết tiền và phải “cầu cứu” tới giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Hòa Bình (lúc đó) vẫn không đủ để mua, đành bất lực và chỉ có thể vẽ lại tư liệu, kèm theo lời khuyên gia chủ gắng giữ lại hoặc hiến tặng Nhà nước. Bộ đồ gốm sau đó được trao cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

“Còn chiếc trống đồng, ông giám đốc bảo tàng hứa sẽ đệ trình xin ý kiến và kinh phí Bộ Văn hóa. Thế nhưng hơn một tháng sau tôi nhận được lá thư của bố Bùi Kim Xiến nói rằng một người đồng nát đã mua chiếc trống ấy rồi!”, TS Việt kể.

“Người trộm cổ vật chủ yếu dùng máy rà kim loại và họ chỉ nhằm mục đích lấy đồ kim loại đó thôi. Nhưng khi đào, họ sẽ phá hoại ngôi mộ cổ đó vì không làm theo khảo cổ học.

Vậy sao khi chúng ta bất lực không kiểm soát được tình trạng đó, Nhà nước không chính thức dùng máy rà tương tự để lấy lên trước một cách khoa học và bảo tồn được di sản và giá trị tài sản quốc gia, đồng thời ngăn chặn được nạn đào phá mộ cổ.

Đối chiếu với Luật di sản thì chỉ những hành vi đào phá di tích nhằm mục đích lấy cổ vật mới chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, chưa bao giờ chúng ta xử lý một vụ nào thật nghiêm để răn đe”.

TS NGUYỄN VIỆT
(giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á)

___________

Kỳ tới: Nghĩa địa trống đồng

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên