Nắp chắn miệng cống bị tháo mất, tạo thành cái "bẫy" dọc tuyến đường Tố Hữu (khu đô thị mới Thủ Thiêm) - Ảnh: LÊ PHAN
Có thể nói, việc giữ gìn, bảo vệ tài sản công ở nước ta hiện nay chưa được coi trọng đúng mức, xử lý triệt để hành vi vi phạm, một số nơi còn buông lỏng, xem nhẹ. Việc bảo quản tài sản công cộng nhiều địa phương chủ yếu giao cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền cơ sở mà chưa có sự chung tay, vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là người dân địa phương.
Chính vì vậy, hành vi phá hoại, trộm cắp tài sản công cộng diễn ra ngày càng nghiêm trọng, khá phổ biến ở nhiều địa phương. Thậm chí, nhiều người cho rằng cơ quan chức năng đang bất lực, bó tay trước hàng loạt hành vi vi phạm, phá hoại hết sức nguy hiểm cho xã hội này.
Tuyệt đối không nên xem nhẹ và coi đó là trách nhiệm riêng của chính quyền địa phương hoặc của cơ quan chức năng, mà phải xem đó là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi người dân. Bởi hành vi lấy cắp tài sản công cộng liên quan trực tiếp, ảnh hưởng đến quyền lợi, sự an toàn của mọi người dân, sự phát triển của đất nước.
ThS Phạm Văn Chung
Đặc biệt là các vụ phá hoại, trộm cắp các thiết bị, bảng hiệu, chỉ dẫn của các công trình giao thông, nắp hố ga, nắp cống, ốc vít, hộ lan can, gương cầu lồi...
Mặc dù phần lớn vụ việc mất cắp các tài sản công cộng, số lượng và giá trị tài sản bị mất không lớn, thậm chí "lắt nhắt", không đáng kể nhưng hậu quả mà hành vi này gây ra có thể sẽ rất lớn, rất nguy hiểm cho xã hội.
Rất nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm xảy ra là do hệ thống biển báo, chỉ dẫn hoặc thiết bị, hệ thống đảm bảo an toàn bị mất cắp, lấy trộm. Do đó, nếu hành vi này không bị điều tra, xử lý nghiêm minh, "đến nơi đến chốn" sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, nhờn luật, coi thường pháp luật.
Vì vậy, trước hết các cơ quan chức năng cần tăng cường mọi biện pháp có thể để giữ gìn, bảo quản tài sản công cộng nghiêm ngặt, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời, phải tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chung tay cùng cơ quan chức năng bảo vệ tài sản công.
Theo đó, khi phát hiện các hành vi trộm cắp, phá hoại tài sản công cần kịp thời ngăn chặn, kiên quyết đấu tranh bảo vệ tài sản của Nhà nước và trình báo ngay với cơ quan chức năng để xác minh, xử lý.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét bổ sung các chế tài nghiêm khắc hơn, tăng nặng hơn để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi phá hoại, trộm cắp tài sản công cộng, nhất là xâm phạm đến các công trình giao thông, an toàn hệ thống lưới điện, hệ thống thông tin quốc gia...
Bên cạnh đó, phải vào cuộc điều tra, truy tìm cho bằng được và xử lý nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Bởi đây không chỉ là trộm cắp tài sản đơn thuần mà còn là hành vi nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả? Là người dân, khi chứng kiến hành vi trộm cắp nơi công cộng, bạn có dám lên tiếng để ngăn chặn? Theo bạn, còn cách nào khác để trị tận gốc vấn nạn này? Mời bạn gởi email đến địa chỉ: [email protected] hoặc [email protected]. Xin cảm ơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận