Người miền Nam bắt đầu có thói quen giữ ấm khi ra đường
Sáng 5-12, nhiệt độ tại miền Nam thấp nhất ghi nhận được là 15,1 độ C tại Tà Lài (Đồng Nai), giảm hơn 2 độ C so với ngày trước đó.
Không khí lạnh hoạt động mạnh
Tại TP.HCM đây là ngày lạnh nhất từ đầu năm 2021 với mức nhiệt chung cho cả TP là 21oC. Ở trạm đo Tân Sơn Nhất có thời điểm nhiệt độ còn hạ xuống 19oC. Khu vực quận 1, thời điểm lạnh nhất rơi vào khoảng thời gian 3h20 sáng với mức nhiệt 20,8oC, các thời điểm khác nhiệt độ dao động 21-22oC.
Ông Lê Đình Quyết, phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết nguyên nhân chính làm cho nhiệt giảm là do không khí lạnh hoạt động mạnh, khuếch tán sâu xuống phía nam.
Sau ngày 5-12, không khí lạnh sẽ bắt đầu suy yếu. Trong những ngày tới thời tiết phổ biến mây thay đổi, ngày nắng, đêm một vài nơi có mưa rào nhẹ, nhiệt độ xu hướng tăng dần trở lại.
Nhiệt độ thấp nhất miền Đông Nam Bộ dao động 19-23oC, phía bắc miền Đông có nơi dưới 19oC, còn tại miền Tây dao động 20-24oC.
Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhận định đây chỉ là đợt lạnh mở đầu cho mùa lạnh năm nay ở miền Nam. Từ nay đến cuối năm vẫn còn một vài đợt không khí lạnh khuếch tán mang lại nhiệt độ thấp hơn.
Thật thú vị khi TP.HCM trở lạnh
Cần làm gì khi thời tiết chuyển lạnh?
Người dân cần chăm sóc sức khỏe đúng cách để cơ thể tăng cường sức đề kháng phòng tránh các bệnh về đường hô hấp trong những ngày thời tiết thay đổi.
Giai đoạn chuyển mùa, độ ẩm trong không khí thấp là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virus lây lan và phát triển. Theo ThS Trần Thị Tố Quyên - giảng viên phân môn hô hấp, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - đây là thời điểm người dân dễ nhiễm siêu vi nhất trong năm.
"Viêm họng, viêm phế quản, cảm cúm, sốt phát ban... là những bệnh nhiễm siêu vi dễ mắc phải khi thời tiết chuyển lạnh. Bệnh do vi khuẩn thì quanh năm nhưng mùa lạnh thì các bệnh về virus đặc biệt phát triển hơn, khi đó cần phải tăng cường sức đề kháng cho cơ thể", BS Quyên chia sẻ.
Trẻ em và người già là đối tượng nguy cơ nhiễm bệnh về đường hô hấp cao bởi trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, còn người cao tuổi lại có hệ miễn dịch suy yếu, khả năng chống chọi với bệnh tật còn thấp.
Để bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh, BS Trần Thị Tố Quyên khuyến cáo người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm ngừa đầy đủ các bệnh khác ngoài COVID-19 như cúm, sởi... Cần bảo đảm nguyên tắc ăn chín, uống sôi, có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhiều rau xanh, trái cây, bổ sung vitamin C.
Một số người có thói quen lười vận động khi thời tiết chuyển lạnh, BS Quyên nhắc nhở nếu cơ thể không được vận động hệ miễn dịch sẽ trở nên yếu kém, "lá chắn" phòng bệnh sẽ bị phá vỡ.
"Việc luyện tập thể dục thể thao rất quan trọng, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt, đồng thời giải phóng một lượng endorphin - một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, giúp tăng nguồn cảm xúc tích cực, cải thiện tâm lý nhất là khi chúng ta vừa trải qua khủng hoảng sau đợt dịch", BS Quyên nhấn mạnh.
Ngoài ra cần chú ý vệ sinh răng miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lý để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn hệ hô hấp, bởi tất cả nhiễm trùng đều bắt nguồn từ nơi mà vi khuẩn, virus đi vào. Khi ra ngoài nên giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
Nếu có các triệu chứng như sốt cao, ho nhiều, khó thở, tức ngực... cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, không nên tự ý mua thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
Trẻ em TP.HCM được cha mẹ giữ ấm trong mùa lạnh - Ảnh: NHẬT THỊNH
Bên cạnh các bệnh về đường hô hấp, các vấn đề về da như: khô da, nứt da, nổi mề đay... là tình trạng mà nhiều người gặp phải khi thời tiết chuyển lạnh và hanh khô.
Nên uống nhiều nước lọc hoặc nước ép trái cây để cung cấp đủ lượng nước cho da.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận