Vườn nhà tôi dưới chân đồi, ngoài trồng cây rau màu và cây ăn trái thì tôi còn làm chuồng chăn nuôi gia súc ổn định 30 năm nay. Vườn nhà hàng xóm phía trên đồi trước đây trồng cây ăn trái.
Năm 2021, phong trào bỏ phố về vườn nở rộ, hàng xóm bán vườn cho một khách dưới thành phố và chủ mới san gạt đất để làm homestay. Mùa mưa năm nay đất từ trên đồi lở xuống chôn hết cả chuồng trại gia súc của nhà tôi. Tôi đề nghị chủ của homestay đền bù thì người ta bảo do mưa, không phải do xây dựng.
Xin chuyên gia tư vấn giúp tôi, trong trường hợp này tôi cần làm gì để được bồi thường? Tổng số thiệt hại của nhà tôi khoảng 150 triệu.
Bạn đọc Trần Văn Phương từ Đắk Lắk gửi câu hỏi xin được tư vấn.
GS.TS Đỗ Văn Đại, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM, tư vấn về việc bồi thường thiệt hại do sạt lở đất như sau:
Tình huống nêu trên đã được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định và ở đây chúng ta có hai vấn đề pháp lý là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và liệu rằng mưa làm lở đất có miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không. Ngoài ra, chúng ta cũng quan tâm tới mức bồi thường thiệt hại.
* Căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Theo khoản 3 điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015: "Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại".
Bên cạnh đó, điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định: "Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác".
Trong tình huống nêu trên, chúng ta thấy có việc nhà hàng xóm san gạt đất làm homestay và đất từ trên đồi nhà này lở xuống gây thiệt hại khi có mưa. Ở đây, có thiệt hại thực tế và thiệt hại này là do công trình/tài sản của nhà hàng xóm gây ra. Do đó, chủ sở hữu (tức hàng xóm) phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà công trình/tài sản của mình gây ra.
* Khả năng miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Theo điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu tài sản/công trình không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại "trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại". Ở đây, không có lỗi của người bị thiệt hại và cần xem xét việc lở đất do mưa gây thiệt hại có là sự kiện bất khả kháng hay không.
Về bất khả kháng, khoản 1 điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".
Ở đây, việc lở đất do mưa có thể là sự kiện khách quan theo quy định vừa nêu nhưng không phải là sự kiện "không thể lường trước được" vì chủ đất (người hàng xóm mới) hoàn toàn có thể hiểu rằng việc này có thể xảy ra, nhất là khi có việc san gạt đất đồi. Sự kiện này cũng không thuộc trường hợp "không thể khắc phục được" vì chủ đất (hàng xóm) hoàn toàn có thể tránh được việc này bằng việc xây kè chắc chắn trong phần đất của mình.
Vì vậy, trách nhiệm bồi thường của chủ đất phía trên đã phát sinh và họ không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm bồi thường, tức họ phải bồi thường thiệt hại do tài sản/công trình của họ gây ra cho người khác.
* Mức độ thiệt hại được bồi thường:
Theo khoản 1 điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015: "Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ". Do đó, người bị thiệt hại được bồi thường toàn bộ thiệt hại mà họ đã phải gánh chịu trong thực tế. Thông tin của tình huống cho thấy người bị thiệt hại có thiệt hại là khoảng 150 triệu đồng, nên nếu đó là thiệt hại thực sự mà họ gánh chịu thì họ được bồi thường khoản tiền này.
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định: "Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình" (khoản 3 điều 585).
Ở đây, người bị thiệt hại phải tìm cách ngăn chặn hay hạn chế thiệt hại và nếu thiệt hại có thể ngăn chặn hay hạn chế được nhưng người bị thiệt hại không ngăn chặn hay hạn chế thì thiệt hại đó không được bồi thường.
Vì vậy, cần phải xem xét thêm khả năng ngăn chặn, hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại khi xem xét mức bồi thường thiệt hại cuối cùng và thông tin hiện nay của tình huống chưa đủ để có câu trả lời.
Quan hệ nêu trên là quan hệ láng giềng và là quan hệ dân sự, trong khi đó quan hệ dân sự cốt ở đôi bên. Nội dung nêu trên về bồi thường thiệt hại là quy định của pháp luật hiện hành và các bên có thể thỏa thuận khác.
Vì vậy, rất mong đôi bên tự thương thảo với nhau để cùng khắc phục thiệt hại nhằm giữ hòa khí của quan hệ láng giềng, điều rất cần thiết để cùng sống và phát triển lâu dài bên cạnh nhau.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận