17/12/2020 06:49 GMT+7

Trời lạnh, giữ sức khỏe ra sao?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Miền Bắc đang trải qua những ngày lạnh nhất kể từ đầu mùa đông, có nơi rét đậm, rét hại. Chăm sóc dinh dưỡng và giữ ấm cho trẻ em, người già trong ngày mùa đông như thế nào?

Trời lạnh, giữ sức khỏe ra sao? - Ảnh 1.

Nhiệt độ xuống thấp, người dân co ro khi đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) - Ảnh: MAI THƯƠNG

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết những ngày trời lạnh, số lượng bệnh nhi tới khám và nhập viện điều trị nội trú tại khoa hằng ngày có giảm ít. 

Khoảng 2-3 tuần trước, mỗi ngày khoa tiếp nhận 15-20 trẻ vào nội trú, nhưng những ngày trời lạnh con số này giảm xuống còn dưới 15 cháu.

"Khoảng 1/3 trong số này mắc các bệnh lý về hô hấp - bệnh thường gặp nhất trong những ngày trời lạnh" - bác sĩ Nam chia sẻ.

Lo bệnh lý hô hấp, cúm, tiêu chảy do virus, đột quỵ

Từ đầu tuần, nhiệt độ ở miền Bắc luôn ở mức thấp, thời điểm thấp nhất trong ngày có khi xuống 10 độ C và đây là thời điểm lạnh nhất tính từ đầu mùa đông.

"Những ngày trời lạnh thì số lượng các cháu nhập viện hoặc vào khám thường giảm xuống, do cha mẹ thường đợi ấm hơn mới đưa trẻ mắc bệnh lý không phải cấp cứu đến bệnh viện, trời lạnh nên các gia đình chăm lo cho con kỹ càng hơn"- bác sĩ Nam cho biết.

Đại diện Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết thời điểm này bệnh viện luôn có 300 bệnh nhân nội trú/ngày, 100 người trong số này điều trị tại khoa cấp cứu và hồi sức tích cực.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, đại diện Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết đang có trên 70 trẻ bị cúm nằm viện, đây là bệnh thời tiết do khoảng hai tháng trước không có ca cúm nào. 

Ngoài ra, cũng đã bắt đầu có một bé tiêu chảy do virus Rota vào điều trị tại trung tâm. Đây là chứng bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa hoặc khi thời tiết lạnh.

"Trong số bệnh nhi mắc cúm, đã có cháu phải thở oxy, có cháu biến chứng viêm não. Đa số trẻ mắc chủng cúm A/H1N1" - bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, cho biết.

Với người già, đột quỵ là chứng bệnh đáng lo nhất khi thời tiết trở lạnh. Ông Mai Duy Tôn, giám đốc Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong một tháng vừa qua có đến 1.000 bệnh nhân vào cấp cứu tại trung tâm.

Đây là căn bệnh thường gặp ở người già, nhưng rất đáng lo là có đến 10% trong số này dưới 44 tuổi, được coi là lứa tuổi trẻ đối với căn bệnh đột quỵ. 

Nhiều trường hợp trong số này có liên quan đến bệnh lý nền hoặc lối sống: có bệnh tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, ít vận động, một phần do các dị dạng mạch não bẩm sinh. "Bệnh đột quỵ có xu hướng ngày càng trẻ hóa"- bác sĩ Tôn nhận xét.

Lưu ý chăm trẻ em, người già trong tiết lạnh

Theo bác sĩ Nam, những ngày trời lạnh cha mẹ cần chú ý hai vấn đề trong chăm sóc trẻ là ủ ấm cho trẻ và tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là các món ăn ấm, dễ tiêu hóa. 

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải đề nghị bổ sung thêm vitamin từ trái cây, đặc biệt là các loại trái cây giàu vitamin C như nước cam tươi. Các gia đình cũng nên cho trẻ em, người già, phụ nữ chuẩn bị mang thai... đi tiêm vắcxin ngừa cúm.

Với người lớn tuổi, các bác sĩ hướng dẫn không nên đi tập thể dục quá sớm hoặc quá muộn, không nên tắm và gội cùng lúc. Đặc biệt cũng nên chú ý đến dinh dưỡng, mặc đủ ấm và nên chú ý theo dõi sức khỏe, đặc biệt là người có bệnh nền. 

Trong trường hợp có bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế, không nên để người bệnh ở nhà để "tự chữa" có thể dẫn đến những biến chứng khó lường.

Coi chừng cảm cúm biến chứng

Bác sĩ CKII Nguyễn Trần Nam - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết hằng năm khi thời tiết bắt đầu khô và se lạnh (rơi vào dịp cuối năm) có rất nhiều người xuất hiện triệu chứng hắt xì hơi, sổ mũi, nhức mỏi và đau họng. Các triệu chứng này ngày càng trở nặng thì có thể bạn đã mắc cảm cúm.

Lý giải bệnh cảm cúm thường xuyên xuất hiện khi thời tiết khô lạnh, bác sĩ Nam cho biết đây là thời gian mà hệ thống bảo vệ đường hô hấp dễ bị giảm xuống do ảnh hưởng bởi nhiệt độ, độ ẩm, tạo điều kiện cho các siêu vi cúm tấn công vào đường hô hấp từ không khí, giọt bắn người bệnh.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng thành phố, thời gian gần đây số lượng bệnh nhi đến khám và nhập viện có các biểu hiện hô hấp tăng, chiếm 50-60%. Trong số này bệnh viện ghi nhận có trẻ bị cúm biến chứng, kèm theo bội nhiễm vi trùng, cần hỗ trợ hô hấp và điều trị tích cực.

XUÂN MAI

Thời tiết thay đổi: nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim

Ông Phạm Thanh Phong - phó giám đốc chuyên môn, giám đốc Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho biết chỉ trong hai ngày gần đây bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu 10 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.

Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân là 68 tuổi (người thấp nhất là 49 tuổi và cao nhất 83 tuổi), bệnh nhân đến từ một số địa phương ở khu vực ĐBSCL. Rất may, nhờ được đưa đến bệnh viện kịp thời, các êkip can thiệp đã khẩn trương can thiệp mạch vành thành công cứu được cả 10 trường hợp, hiện tại diễn biến sức khỏe các bệnh nhân đều ổn định.

Theo bác sĩ Trần Văn Triệu - phụ trách khoa tim mạch can thiệp, thuộc Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành - động mạch cung cấp máu nuôi tim - một cách đột ngột, làm chết tế bào cơ tim.

Đây là một tình trạng khẩn cấp, người bệnh có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời, những trường hợp may mắn sống sót thì nguy cơ suy tim trong tương lai cũng rất cao.

Vì vậy những người cao tuổi, có các bệnh lý mạch vành, tăng huyết áp cần đặc biệt chú ý khi xuất hiện triệu chứng đau tức ngực, đổ mồ hôi lạnh, khó thở, chóng mặt, buồn nôn... cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa thăm khám.

benh nhan nhoi mau co tim cap 1(read-only)

Một bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp đã ổn định sau can thiệp - Ảnh: Thái Lũy

Các yếu tố cảnh báo về thời tiết cũng được cho rằng có liên quan đến các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, những ngày này thời tiết trở lạnh trên cả nước, đặc biệt là thời điểm khuya và sáng sớm.

Bác sĩ Phạm Thanh Phong cảnh báo mối liên hệ giữa nhiệt độ không khí và nhồi máu cơ tim đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới. Khi trời lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.

Riêng đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, khi trời lạnh nhu cầu ôxy cho cơ tim tăng hơn, vì thế nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp... càng tăng.

Vì vậy, vào mùa lạnh, người dân, đặc biệt là người cao tuổi, hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành... "cần chú ý giữ ấm và kiểm tra tình trạng cơ thể như nhịp tim, huyết áp thường xuyên; tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy, giữ ấm khi ngủ.

Khi tắm, rửa mặt vào sáng sớm hay tối cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh..." - bác sĩ Phong nói.

T.LŨY

Trời lạnh nên tăng hay giảm dinh dưỡng cho trẻ? Trời lạnh nên tăng hay giảm dinh dưỡng cho trẻ?

TTO - Trời lạnh, 'bác sĩ mạng' khuyên giảm dinh dưỡng cho trẻ, có đúng không? Cần bổ sung dinh dưỡng cho trẻ thế nào để phòng tránh bệnh hô hấp trong những ngày thời tiết thất thường?

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên