Phía Bắc có nguy cơ thiếu điện do nhu cầu điện tăng cao hơn bình quân cả nước - Ảnh: THANH HƯƠNG
Từ chỗ "thừa điện", ngành điện nhanh chóng phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện. Sản lượng điện thương phẩm của EVN trong 3 tháng đầu năm đạt 54,78 tỉ kWh, tăng tới 7,8%. Nhu cầu tiêu dùng điện dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong các tháng tới.
Thiếu than, nhiều tổ máy dừng hoạt động
Điều đáng nói là đến nay công suất đặt trên toàn hệ thống đã đạt tới 77.000MW, trong khi theo ông Nguyễn Quốc Trung - phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), công suất phát thực tế nhiều thời điểm chỉ duy trì được khoảng 43.000MW bởi cùng với vận hành thì các nhà máy cũng cần sửa chữa, bảo dưỡng.
Công suất năng lượng tái tạo khá lớn nhưng tính ổn định không cao. Như điện mặt trời không thể phát được vào buổi tối. Điện gió đã vào hệ thống tới 4.000MW nhưng phụ thuộc gió, có thời điểm chỉ đóng góp được 350 - 400MW. Chưa kể việc nghẽn mạch truyền tải, nhất là từ miền Trung ra miền Bắc chỉ truyền tải được khoảng 2.000MW.
Lãnh đạo A0 dự báo việc đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt vào mùa khô, tương đối khó khăn và có thể thiếu tới 2.000 - 3.000MW (thủy điện Hòa Bình nổi tiếng có tổng công suất lắp đặt cũng chỉ 1.920MW).
Lo ngại về nguy cơ thiếu điện được EVN đặt ra từ đầu tháng 3 khi tình hình cấp than cho điện không đảm bảo.
Theo tập đoàn này, riêng trong quý 1-2022 than được cấp cho các nhà máy nhiệt điện thiếu hụt tới 1,36 triệu tấn so với lượng đã ký trong hợp đồng. Vì vậy, đến cuối tháng 3-2022 nhiều tổ máy nhiệt điện than phải dừng hoạt động và giảm công suất phát, khiến nguồn nhiệt điện than được huy động thấp hơn kế hoạch tới trên 1,3 tỉ kWh.
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện của Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay tiêu thụ than cho điện 3 tháng đầu năm đạt trên 8 triệu tấn, giảm so với bình quân kế hoạch quý 0,8 triệu tấn - tương đương với nguồn than nhập khẩu thiếu hụt.
Nguyên nhân thiếu than là do một số nhà máy điện chưa ký hợp đồng ngay với TKV, chậm thống nhất giá than pha trộn nhập khẩu, dẫn tới kế hoạch nhập khẩu của TKV đã không thực hiện được.
Để "trấn an", đại diện TKV cho hay đã huy động nhân lực động viên cán bộ, công nhân toàn ngành làm thêm ca thêm kíp, cộng với các giải pháp điều hành để khai thác tối đa than nhằm bù đắp một phần than nhập khẩu bị thiếu hụt, giá tăng.
Dù vậy, theo một số chuyên gia, những giải pháp được TKV đưa ra vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đến nay nguồn than nhập khẩu để sử dụng cho nhiều nhà máy nhiệt điện vẫn chưa thực sự được đảm bảo.
Sẽ tăng nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc
Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, trong báo cáo của EVN gửi Thủ tướng về khả năng cung ứng điện toàn quốc giai đoạn 2022 - 2025, EVN xác nhận việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể với miền Bắc, nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, nhưng các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hằng năm giai đoạn 2022 - 2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng nhu cầu điện.
Vì vậy có thể xảy ra thiếu hụt công suất vào giờ cao điểm từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay, khi cuối mùa khô công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm.
Với khu vực miền Trung và miền Nam, EVN cho hay cơ bản đáp ứng cung ứng điện trong cả giai đoạn 2022 - 2025, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn khó khăn trong trường hợp nhu cầu điện tăng theo kịch bản cao và/hoặc các nguồn điện lớn bị chậm tiến độ.
Theo EVN, để đảm bảo cung cấp điện, tập đoàn này sẽ chỉ đạo A0 xây dựng phương thức để điều độ, tạm hoãn sửa chữa một số tổ máy thủy điện; thông báo kế hoạch huy động cập nhật để chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than kịp thời thu xếp nguồn than.
Đặc biệt, theo EVN, sẽ tập trung đầu tư các công trình lưới điện để tăng nhập khẩu điện từ Lào và đàm phán tiếp tục mua điện Trung Quốc từ tháng 5-2022 qua các liên kết hiện hữu với công suất 550MW.
Tuy nhiên, EVN cũng đề nghị cần đảm bảo cấp than cho điện, trong đó có tìm nguồn than nhập từ Úc và Nam Phi; đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo đưa thêm 3.700MW công suất các nguồn điện, kể cả các nguồn điện năng lượng tái tạo chưa có cơ chế giá (1.300MW) đi vào vận hành.
EVN kiến nghị Thủ tướng sớm có cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ (không bán lên lưới).
Dữ liệu: N.AN - Đồ họa: N.KH.
1,36 triệu tấn
Đó là lượng than thiếu hụt cho các nhà máy nhiệt điện so với khối lượng đã ký trong hợp đồng trong quý 1-2022.
Nguồn: EVN
Kiến nghị mua điện gió từ Lào
Trong văn bản gửi Bộ Công thương về giá điện và hợp đồng mua bán điện với Nhà máy điện gió Monsoon, nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, EVN kiến nghị mua điện từ nhà máy này với mức giá trần tối đa là 6,95 cent/kWh, thời hạn mua bán điện là 25 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Phản hồi kiến nghị này, Bộ Công thương cho hay không phê duyệt giá bán điện các dự án điện nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy việc đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện với các dự án nhập khẩu từ nước ngoài do EVN chịu trách nhiệm tuân thủ các văn bản quy định.
Trong đó, Bộ Công thương lưu ý EVN rà soát đảm bảo không làm trái quy định. Với việc hoàn thiện đường dây đấu nối, EVN đề nghị phối hợp các bộ ngành liên quan thực hiện thủ tục, đảm bảo đúng tiến độ.
Kêu gọi tiết kiệm để vượt qua mùa khô 2022
Theo EVN, để đảm bảo cung cấp điện theo các phương án tăng trưởng nhu cầu điện, yêu cầu là phải cấp đủ than cho điện. Nếu than không được cấp đủ thì sẽ phải huy động các nguồn điện chạy dầu giá cao, tương ứng từ 535 triệu kWh đến khoảng 2,5 tỉ kWh tùy mức tăng nhu cầu điện.
Tuy nhiên, miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu công suất đỉnh trong các ngày nắng nóng với khả năng thiếu hụt từ 1.300 - 2.500MW.
Theo ông Nguyễn Tài Anh - phó tổng giám đốc EVN, tập đoàn này đã thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ trong vận hành cung ứng điện.
"Chúng ta thực ra thiếu điện rất ít, thời gian rất ngắn... Tới đây, với các giải pháp điều tiết phụ tải cùng với việc người dân có ý thức tiết kiệm điện... thì sẽ vượt qua được mùa khô 2022. EVN cũng kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả" - ông Tài Anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận